Cuộc đời và sự nghiệp của thiên tài vật lý Stephen Hawking đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và thán phục. Nghị lực phi thường của ông khi chiến đấu với bệnh tật đã truyền cảm hứng cho nhiều người.
Đam mê khoa học từ nhỏ
Nhà vật lý thiên tài người Anh
Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford. Cha của nhà vật lý nổi tiếng thế giới này là Frank Hawking - người từng giữ chức trưởng bộ môn Ký sinh trùng tại Viện Nghiên cứu Y học quốc gia. Cha của ông Hawking muốn hướng con trai đi theo con đường y học. Tuy nhiên, ngay từ thuở nhỏ, Stephen Hawking đã sớm bộc lộ niềm đam mê mãnh liệt với lĩnh vực khoa học và vũ trụ.
Mặc dù hiện nay được biết đến rộng rãi là nhà vật lý thiên tài nhưng ít ai có thể ngờ được rằng, khi mới bước chân vào con đường học hành, kết quả học tập của ông không hề xuất sắc. Thậm chí, ông còn thua kém bạn bè đồng trang lứa khi không thể đọc, viết thành thạo.
Stephen Hawking còn thẳng thắn chia sẻ khi theo học ĐH Oxford, ông khá lười biếng khi dành 1 giờ cho việc học. Tuy nhiên, về sau, ông đã không để bộ óc thiên tài với IQ 160 bị lãng phí. Ông đã có nhiều cống hiến cho ngành khoa học.
Ông đã dành được hạng nhất trong một kỳ thi để theo học ngành Vũ trụ học tại ĐH Cambridge danh tiếng của Anh.
Nghị lực phi thường
Khi đang theo đuổi niềm đam mê khoa học,
nhà vật lý Stephen Hawking gặp vấn đề về sức khỏe. Ông được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) là căn bệnh khiến các tế bào thần kinh tê liệt. Một khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm nhận cơ thể từ từ đông cứng cho tới khi liệt hẳn. Họ dần mất khả năng vận động, không thể nhai thuốc, thức ăn và gặp khó khăn khi hít thở. Ông được chẩn đoán không thể sống quá 2 năm. Khi nghe tin này, nhà vật lý thiên tài không khỏi bị suy sụp.
Theo thông tin của Hiệp hội ALS (ALS Association), bệnh nhân thường chỉ có thể sống được 2 - 5 năm sau khi phát hiện. Hơn 50% người sống tới năm thứ ba, 20% sống được 5 năm nữa và chỉ có hơn 5% bệnh nhân có thể chống chọi bệnh trong 20 năm.
Stephen Hawking là một trong số những người nằm trong trường hợp hơn 5% trên. Lý do giúp nhà vật lý này kiên cường chiến đấu với bệnh tật được ông chia sẻ là nhờ có tình yêu của Jane Wilde - bạn của em gái - mà ông có thêm nghị lực sống. Về sau, hai người kết hôn năm 1965.
Bền bỉ chống lại căn bệnh hiểm nghèo, Stephen Hawking vẫn theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, thực hiện các nghiên cứu về vật lý, thiên văn. Bằng tài năng và những nỗ lực làm việc chăm chỉ cũng như cống hiến to lớn cho khoa học, ông trở thành giáo sư vật lý năm 35 tuổi. Đến năm 1976, ông nhận Huy chương Albert Einstein và bằng tiến sĩ danh dự từ ĐH Oxford.
Cho đến nay, nhà vật lý thiên tài này đã làm nên một kỳ tích y học bởi vì phần lớn người mắc chứng xơ cứng teo cơ rất khó sống quá 20 năm. Ông trở thành một minh chứng kỳ diệu cho sức sống của con người.
Những câu nói truyền cảm hứng
Nhà vật lý Stephen Hawking không chỉ nổi tiếng với sự nghiệp thành công, tạo nên kỳ tích y học mà còn được biết đến với một số câu nói truyền cảm hứng cho nhiều người, trong đó có những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Là người mắc hội chứng xơ cứng teo cơ (ALS), Stephen Hawking đã không suy sụp hoàn toàn sau khi phát hiện bệnh. Thay vào đó, ông luôn cố gắng sống hạnh phúc và theo đuổi niềm đam mê.
"Cuộc sống là bi kịch nếu thiếu tiếng cười", nhà vật lý Hawking chia sẻ quan điểm sống.
Cuộc chiến bền bỉ chống lại căn bệnh hiểm nghèo của ông Hawking cũng được nhà vật lý này chia sẻ: “Khi phát hiện bị bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) lúc 21 tuổi, tôi được chẩn đoán có thể sống thêm 2 năm. Nhưng hiện tôi 45 tuổi (năm 2010), tôi đang rất khỏe mạnh”.
Nhà vật lý thiên tài người Anh này còn nổi tiếng với câu nói đầy ý nghĩa, truyền sức mạnh cho nhiều bệnh nhân: “Lời khuyên của tôi dành cho những người khuyết tật khác là hãy tập trung vào những thứ mà bạn có thể làm tốt và đừng hối tiếc những thứ mà bạn không thể làm do hạn chế về thể chất. Đừng để khuyết tật về tâm hồn”.