Hoàng đế của triều đại lâu đời nhất thế giới
|
Nhật hoàng Akihito. Ảnh: CNN. |
Nhật hoàng Akihito hiện 84 tuổi và là hoàng đế thứ 125 của triều đại Ngai vàng hoa Cúc tại Nhật Bản. Sinh ngày 23/12/1933, Nhật hoàng Akihito là con trai của Thiên hoàng Hirohito và Hoàng hậu Nagako. Ông hiện là vị hoàng đế tại vị lâu thứ 21 thế giới.
Điều thú vị là Nhật Bản hiện là quốc gia hiện đại duy nhất vẫn coi người đứng đầu hoàng gia là hoàng đế. Đây cũng là một trong những quốc gia có chế độ quân chủ được duy trì lâu đời nhất trên thế giới. Vương triều Nhật Bản bắt đầu từ năm 660, khi hoàng đế Jimmu lên ngôi, trở thành nhà vua đầu tiên của Nhật Bản.
Nhật hoàng Akihito từng học tiểu học và trung học tại Gakushuin, Trường Bộ Nội chính Hoàng Gia. Đến năm 1952, ông theo học khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Gakushuin và hoàn thành chương trình giáo dục đại học vào năm 1956. Cũng trong năm 1956, ông được tấn phong Hoàng Thái Tử. Năm 1959, Hoàng Thái Tử Akihito cưới bà Michiko Shoda - con gái của một doanh nhân. Ông là vị hoàng đế Nhật Bản đầu tiên cưới một dân thường làm hoàng hậu.
Đến năm 1989, ông thừa kế ngai vàng sau khi Thiên hoàng Hirohito qua đời. Nhật hoàng Akihito lấy hiệu là Heisei (theo tiếng Nhật có nghĩa là "Khắp nơi yên bình").
Nhà khoa học nghiệp dư với niềm đam mê cháy bỏng
|
Nhật hoàng Akihito đích thân thu hoạch lúa do tự tay trồng. Ảnh: Sankei. |
Dường như với tên hiệu mang đầy ý nghĩa nhân văn "Khắp nơi yên bình", cuộc đời Nhật hoàng Akihito cũng luôn gắn liền với những hoạt động đem lại sự an vui và hạnh phúc cho người dân. Ngay từ thời tuổi trẻ, Nhật hoàng đã hướng mình vào những hoạt động gắn liền với môi trường, như là một cách để thể hiện tấm lòng chan hòa với cuộc sống. Ít ai ngờ rằng, Ngài có niềm đam mê cháy bỏng với hoạt động nghiên cứu khoa học.
Kể từ khi đất nước bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhật hoàng Akihito thể hiện rõ niềm đam mê với khoa học giống như người cha của mình, tức Nhật hoàng Hirohito. Cả hai đã chia sẻ niềm đam mê về sinh vật biển. Trong đó, Nhật hoàng Hirohito đã viết nhiều bài báo khoa học về hydrozoa, một lớp thủy tức có họ với loài sứa. Riêng Nhật hoàng Akihito được đánh giá là một chuyên gia về cá bống khi viết 38 bài báo khoa học về loài cá này. Đặc biệt, tên của Nhật hoàng Akihito cũng được dùng để đặt cho một loài cá mới được phát hiện.
Đặc biệt hơn, nhà vua Akihito cũng chính là người đã phát hiện ra giống cá bống trắng mới trên thế giới tại một nhánh sông Cần Thơ (khi làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam những năm 1970) và đã gửi tặng tiêu bản mẫu cá bống này cho Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên) năm 1974 khi là Hoàng Thái tử. Hiện tiêu bản này vẫn được bảo quản tại bảo tàng và Nhà vua sẽ thăm bảo tàng trong thời gian ở Hà Nội.
Không chỉ đam mê khoa học, mỗi năm, Nhật hoàng Akihito còn tự mình trồng và thu hoạch lúa ngay tại cánh đồng trong hoàng cung. Việc làm này có truyền thống từ thời Nhật Hoàng Showa khi ông khởi xướng năm 1927. Với tư cách là người đứng đầu hoàng cung, cũng là biểu tượng cho người dân Nhật Bản, Nhật hoàng dường như muốn gần dân hơn, trải nghiệm hơn cuộc sống dân giã của người nông dân khi ngày ngày tiếp xúc với cây lúa - loại cây truyền thống và chủ yếu ở Nhật Bản.
Hoàng đế đầu tiên tạo ra cuộc cách mạng trong hôn ước hoàng gia
|
Ảnh chụp trong hôn lễ của Nhật hoàng Akihito với Hoàng hậu Michiko Shoda. Ảnh: CNN. |
Nhắc đến Nhật hoàng, không chỉ là nhắc đến những hoạt động ý nghĩa liên quan tới hoàng gia, hay những niềm đam mê cháy bỏng của Ngài với khoa học. Người dân Nhật Bản hẳn sẽ không thể quên được chuyện tình đẹp như mơ và một đám cưới vượt qua mọi khuôn khổ trước đó trong hoàng gia của Ngài.
Mối nhân duyên giữa Hoàng Thái tử Akihito và Công nương Michiko từng được báo chí Nhật Bản ca ngợi hết lời là “chuyện cổ tích” hay “chuyện tình trên sân tennis”. Chuyện tình thơ mộng giữa Nhật hoàng Akihito với Hoàng hậu Michiko Shoda bắt đầu ở sân quần vợt. Hai người đã gặp nhau tại một trận đấu tennis ở Karuizawa gần Nagano vào mùa hè năm 1957.
Hoàng Thái tử Akihito đã gây bất ngờ với công chúng khi thông báo chọn Michiko Shoda làm vợ. Điều này đã phá vỡ truyền thống hoàng gia khi ông tự mình chọn bạn đời. Do vậy, Nhật hoàng Akihito trở thành vị vua đầu tiên kết hôn với một thường dân trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản khi lấy Michiko Shoda - một dân thường làm vợ năm 1959.
Tình yêu của họ đã trải qua biết bao năm tháng và trở thành biểu tượng vô cùng đẹp trong hoàng gia. Tới giờ, Nhà vua và Hoàng hậu vẫn duy trì thú vui chơi tennis, môn thể thao yêu thích của họ. Mỗi sáng, cả hai đều dậy sớm, cùng nhau đi bộ trong rừng và vườn của Hoàng cung, cùng nhau trải nghiệm những khoảnh khắc giao mùa và hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp...
Nhật hoàng gần gũi với người dân
|
Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu trò chuyện với người dân. Ảnh: Reuters. |
Chính tư tưởng sống chan hòa với thiên nhiên, sống giản dị với ruộng đồng, cây cỏ, hay ngay cả ở quyết định hôn nhân mang tính lịch sử cũng đủ thấy Nhật hoàng Akihito là người có tư tưởng gần dân và bình dị hết mức. Với những nỗ lực không mệt mỏi của mình, ông luôn mong muốn có thể thay đổi hình ảnh của người đứng đầu Ngai vàng Hoa cúc trong mắt người dân Nhật Bản.
Là "biểu tượng của quốc gia và sự đoàn kết của nhân dân", Nhật hoàng Akihito luôn có những hành động bình dị với mọi người.
Hàng năm, Nhật hoàng Akihito cũng gặp gỡ nhiều người đến từ mọi tầng lớp trong xã hội như nông dân, công nhân, ngư dân, doanh nghiệp, quan chức địa phương... Đặc biệt, Nhật hoàng Akihito đích thân đến nói chuyện, động viên, khích lệ người dân địa phương ở các hải đảo, tỉnh thành xa xôi, cơ sở phúc lợi...
Khi đất nước Nhật Bản hứng chịu trận động đất sóng thần càn quét năm 2011, Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu đích thân đến những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong 7 tuần liên tục kể từ tháng 3 - 5 để thăm hỏi, động viên, chia sẻ mất mát với những nạn nhân gặp thiên tai. Họ đã nỗ lực hết mình để đoàn kết người dân Nhật Bản vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của thảm họa thiên tai.
Chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản Eri Hotta từng ca ngợi về nhân cách cao quý và nỗ lực không mệt mỏi khi muốn xóa nhòa khoảng cách giữa hoàng gia và người dân của Nhật hoàng: "Nhật hoàng Akihito muốn sát cánh cùng người dân, lắng nghe tiếng nói của họ, gần gũi với họ trong từng nếp nghĩ. Chính niềm tin vào người dân và sự sẵn sàng đứng lên vì niềm tin đó của ngài, hơn là việc được ngẫu nhiên sinh ra trong gia đình hoàng tộc, mới là biểu tượng quốc gia đúng đắn của một đất nước Nhật Bản dân chủ",
Biểu tượng của quốc gia và sự hòa hợp dân tộc
|
Nhật hoàng Akihito - biểu tượng của quốc gia và sự hòa hợp dân tộc. Ảnh: CNN. |
Trong suốt 28 năm trị vì đất nước kể từ khi lên ngôi đến nay, Nhật hoàng Akihito đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng lại hình ảnh của hoàng gia và hoàng đế. Nhật hoàng Akihito cũng trở thành biểu tượng tinh thần đoàn kết của dân tộc Nhật Bản. Điều này được quy định trong Hiến pháp: nhà vua là "biểu tượng của quốc gia và sự đoàn kết của nhân dân".
Suốt gần 3 thập kỷ trị vì, Nhật hoàng Akihito đã dẫn dắt đất nước và người dân Nhật Bản đi qua Chiến tranh thế giới 2, khủng hoảng kinh tế những năm 1990, thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011...
Nhật hoàng Akihito thực hiện các hoạt động được quy định trong hiến pháp của Nhật Bản như: bổ nhiệm thủ tướng, phê chuẩn việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao, triệu tập Quốc hội, công bố luật và các điều ước, trao tặng tước hiệu… Đối với mỗi vấn đề quan trọng liên quan đến đất nước, quyết định của Nhật hoàng Akihito đều được đưa ra dựa trên sự tư vấn và chấp thuận của chính phủ Nhật Bản.
Mỗi hành động, mỗi lời nói của Ngài luôn được người dân ca tụng. Cho tới nay, trong lòng người dân xứ Mặt trời mọc, Nhật hoàng Akihito luôn được xem là biểu tượng của lòng bác ái và nhân hậu. Tất thảy những phát ngôn ấn tượng của Ngài đều được công chúng ghi nhớ và trân trọng và coi đó là động lực tuyệt vời để họ vươn lên trong cuộc sống và chiến thắng những khó khăn phía trước.
- Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi hy vọng người dân sẽ cùng nắm tay nhau, đối xử với nhau bằng tình thương và cùng nhau vượt qua những thời khắc khó khăn.
- Tôi ước gì thảm kịch chiến tranh sẽ không lặp lại. Đối với người dân Nhật Bản, tôi bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc với những người đã ngã xuống trong chiến tranh.
- Nhìn lại quá khứ, cùng với sự ăn năn sâu sắc về chiến tranh, tôi cầu rằng thảm kịch chiến tranh sẽ không được lặp lại và cùng với người dân bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với những ai đã phải chịu khổ đau vì chiến tranh.
- Cuộc chiến là quan trọng nhất đối với chúng tôi để có cơ hội nghiên cứu và học hỏi từ lịch sử của cuộc chiến tranh này, bắt đầu với sự kiện Mãn Châu năm 1931, để từ đó chúng tôi xem xét và định ra phương hướng cho tương lai của đất nước mình.
- Nhật Bản cần ghi nhớ với một ý thức sâu sắc về sự hối hận. Đặc biệt, trong năm nay (2015) kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới 2, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới tất cả những nạn nhân đã bị cướp đi mạng sống trong cuộc chiến đó.
- Đầu năm mới, tôi cầu nguyện cho hạnh phúc của người dân Nhật Bản và hòa bình thế giới.
- Tôi mong muốn đồng hành cùng thần dân, lắng nghe họ và sâu sát với những suy nghĩ của họ.
Vị "hoàng đế của dân" và mong ước thoái vị
|
Nhật hoàng Akihito trong đoạn video gửi đến người dân sáng 8/8/2016. Ảnh: Nikkei. |
Với những cống hiến của Nhật hoàng Akihito dành cho đất nước, người dân xứ sở Phù Tang luôn coi Ngài là vị "hoàng đế" vĩ đại. Họ luôn mong Nhật hoàng tại vị lâu hơn nữa và góp phần tạo nên một đất nước Nhật Bản phát triển phồn vinh, bền vững. Sẽ thật khó khăn cho người dân xứ sở hoa anh đào chấp nhận thông tin Nhật hoàng thoái vị.
Nhưng trên thực tế, trong một bài phát biểu vào ngày 8/8/2016, Nhật hoàng Akihito đã công bố mong muốn thoái vị của mình. Lý do được ông đưa ra là tuổi tác (hiện Nhật hoàng Akihito 84 tuổi). Nói về mong ước thoái vị, Nhật hoàng Akihito cho hay đó không phải chỉ là một sự "giải thoát" thoải mái cho cá nhân, mà còn muốn tạo ra một thay đổi hợp lý cho luật hoàng gia, tạo sự thoải mái và nhẹ nhõm hơn cho các Nhật hoàng sau này.
Tuy nhiên, mong ước thoái vị của Nhật hoàng Akihito là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Nhật Bản. Nguyên do là vì luật pháp Nhật Bản hiện không có quy định về việc thoái vị.
Trước mong muốn của Nhật hoàng Akihito, chính phủ Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề có nên sửa đổi luật để đưa ra quy định về việc truyền ngôi hay không. Về vấn đề này, 85% số người được hỏi trong một cuộc điều tra dư luận của Nhật Bản nói rằng họ ủng hộ việc sửa đổi Luật Hoàng tộc để cho phép việc đó. Trong trường hợp Nhật hoàng Akihito thoái vị, người con trai cả - Thái tử Naruhito sẽ trở thành người kế vị và trở thành hoàng đế tiếp theo của Nhật Bản.
Rất có thể, người dân Nhật Bản sẽ thuận tình với những thay đổi trong luật thoái vị, nhưng trong lòng họ, Nhật hoàng Akihito vẫn mãi là vị "hoàng đế của dân". Sẽ không ai có thể quên được thông điệp rõ ràng và đầy nhân văn cao cả của Nhật hoàng khi ông chia sẻ mong muốn thoái vị của mình: "Các Hoàng đế dẫu sao cũng chỉ là những con người bình thường, với đầy những hạn chế của con người, và họ cũng già đi như những người khác".
Rõ ràng, những tâm sự chân thành đó của Nhật hoàng đã chạm đến triệu triệu trái tim của đông đảo người dân Nhật nói riêng và của toàn thể nhân loại nói chung.