Nhà thơ Y Phương qua đời lúc 20h ngày 9/2. Lễ viếng vào hồi 16h ngày 10/2 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Con rể nhà thơ Y Phương - họa sĩ Hoàng A Sáng - viết: “Tôi vẫn chưa tin là tạm biệt bố vợ mình… Đêm nay, khi tôi đến, ông đã ra đi”.
Nhận tin buồn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - không tin đó là sự thật, bởi trước Tết, Y Phương còn đến Hội Nhà văn, nói chuyện vui vẻ với các bạn bè, đồng nghiệp.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết trên trang cá nhân: “Xin cúi đầu tiễn biệt ông, một tài năng đặc biệt và nhân cách lớn”.
|
Nhà thơ Y Phương. Ảnh: Hoàng Xuân Tuyền.
|
Những bài ca về quê hương, xứ sở
Nhà thơ Y Phương (tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948), là người dân tộc Tày ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, tác phẩm của Y Phương là bài ca về quê hương, xứ sở.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói Y Phương là người dân tộc Tày, nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông sống ở Cao Bằng rồi theo con về Hà Nội.
"Tôi luôn cảm thấy những ngọn gió và câu hát tháng giêng từ núi cao cố hương của ông cũng theo ông về chốn đô thành. Những ngọn gió và câu hát tháng giêng ấy ban ngày bị chìm khuất trong ồn ĩ của người và xe nơi thành phố, nhưng đêm đêm lại trỗi dậy thổi qua ngôi nhà ông, làm ông nhiều lúc khóc như một cậu bé Tày ba tuổi, và đưa ông về nơi chôn nhau cắn rốn của mình”, ông Nguyễn Quang Thiều viết.
Không chỉ có thành tựu ở lĩnh vực thi ca, Y Phương còn ghi dấu ấn trên địa hạt văn xuôi. Nhà văn Uông Triều từng xem Y Phương là người viết tản văn số một. Vốn là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội, khi được tiếp cận bản thảo Fừn nèn - Củi Tết, Uông Triều đã nhận xét tản văn Y Phương "đẹp lắm", ông viết kiểu dệt gấm thêu hoa, thứ gì cũng khiến nó thơ mộng, nhí nhảnh, nhiều màu sắc và sinh động, đúng như cái kiểu hồn nhiên của người Tày quê ông.
Tản văn của Y Phương chủ yếu về miền núi. Ông đã làm cho núi rừng vùng Trùng Khánh, Cao Bằng sinh động, thơ mộng hẳn lên.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam cho rằng Tháng giêng, tháng giêng, một vòng dao quắm là tập tản văn xuất sắc, vượt lên ở thể loại: “Phong tục đẹp, văn hóa đẹp, văn chương đẹp, chi tiết của khảo cứu và sự dồi dào cảm xúc sáng tạo hiếm thấy”.
Tình yêu quê hương của Y Phương luôn để lại dấu ấn sâu đậm với người tiếp xúc. Trong một lần đến thăm Y Phương, nhà văn Uông Triều nhớ mãi lời mà nhà thơ xứ Trùng Khánh nói với các cháu: “Ông mừng là các cháu vẫn tự hào là người Tày”.
|
Tập tản văn Fừn nèn - Củi Tết của Y Phương. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.
|
Viết để trả ơn những người sinh thành, nuôi dưỡng
Nhà thơ Y Phương nhập ngũ năm 1968, đến năm 1981 thì chuyển ngành. Ông tốt nghiệp trường Điện ảnh Việt Nam khóa II, trường Viết văn Nguyễn Du khóa II.
Y Phương từng làm Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Cao Bằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Cao Bằng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI, Phó trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông có thơ đăng báo từ năm 1973 với các tác phẩm như Bếp nhà trời, Dáng một con sông. Sau đó, ông sáng tác nhiều tập thơ, trường ca, tản văn, kịch như: Người Núi Hoa (kịch, 1982), Tiếng hát tháng giêng (thơ, 1986), Lửa hồng một góc (thơ, in chung 1987), Lời chúc (thơ, 1987), Đàn then (thơ, 1996), Chín tháng (trường ca, 1998), Thơ Y Phương (2000), Thất tàng lồm (Ngược gió, thơ song ngữ Tày - Việt, 2006), Tháng giêng, tháng giêng, một vòng dao quắm (tản văn 2009), Đò trăng (trường ca, 2009), Fừn nèn - Củi Tết (tản văn, 2016)…
Quan điểm về văn chương của Y Phương được ghi trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại: “Văn chương là việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình”.
Với những cống hiến cho văn chương, Y Phương đã được vinh danh tại các giải thưởng như: Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1984), giải A giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (tập thơ Tiếng hát tháng giêng năm 1987), giải A giải Hội đồng Văn học Dân tộc Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (trường ca Chín tháng năm 2001), giải B giải thưởng Bộ Quốc phòng (trường ca Chín tháng năm 2001), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2007.
Trong gia tài thi ca của Y Phương, tác phẩm được biết đến nhiều nhất là Nói với con - bài thơ được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 9.