Ngày cuối cùng của một năm là dịp để mỗi người Việt trở về quây quần bên gia đình, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và chuẩn bị mâm cơm tất niên cùng người thân.
Đối với một số cây bút, đây cũng là dịp đọng lại trong họ nhiều xúc cảm. Nhìn lại một năm cũ sắp qua đi, đón chào năm mới đến với bao hy vọng, họ đã viết những trang văn, vần thơ, hoặc lấy ngày 30 Tết làm bối cảnh cho câu chuyện trong cuốn sách của mình.
|
Không khí đón Tết chiều 30. Ảnh: Anhp.vn.
|
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chia sẻ: “Tết chỉ diễn ra trong mấy ngày nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững của văn hóa Việt. Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm, mà như một tiếng lay gọi làm cho con người thức tỉnh bao điều. Tôi nghĩ Tết chứa đựng những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn”.
Bí mật của ngày cuối năm
Trong cuốn sách thiếu nhi Chuyện của anh em nhà Mem và Kya, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dành những dòng hồi tưởng xen lẫn sáng tạo của mình để viết về mùa Tết đầu tiên trong cuộc đời đứa cháu nội Mem.
“Tết Canh Tý năm 2020 là Tết đầu tiên trong cuộc đời Mem… Chiều 30 Tết, ông nội và bố Thuật cùng chú Phong ra khu mộ của gia đình để thắp hương mời tổ tiên, các kỵ, các cụ và những người trong gia đình đã khuất về nhà ăn Tết cùng con cháu”, tác giả mở đầu câu chuyện.
|
Sách Chuyện của anh em nhà Mem và Kya. Ảnh: Thu Huệ.
|
Thông qua những thắc mắc rất đỗi hồn nhiên của cháu nội về nghi lễ chiều 30 Tết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gieo rắc nhiều bài học ý nghĩa cho con trẻ về tình thân, văn hóa dòng họ và sự sum vầy bên gia đình trong ngày cuối năm.
Những chi tiết như cả gia đình ra khu mộ của gia đình để thắp hương mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu, chuẩn bị đồ lễ, trang phục, nhà thờ tổ… đều được ông lồng ghép một cách khéo léo, tự nhiên, mang đến cho độc giả không khí chiều 30 Tết ấm áp giữa những lễ tiết truyền thống của dân tộc.
“Bây giờ Mem mới hiểu vì sao ông nội và bố Thuật năm nào cũng về quê ăn Tết. Mem cũng sẽ về quê ăn Tết hàng năm như ông nội và bố. Mem bắt đầu thấy yêu thương và gắn bó với làng Chùa”, đây cũng là điều nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mong mỏi.
Theo tác giả, ngày Tết sum vầy bên gia đình là truyền thống tốt đẹp của người Việt, bởi ở đó tồn tại 5 bí mật: Khơi mở tình yêu quê hương, kết nối với quá khứ, sự hàn gắn, sự bền vững của gia đình và niềm hy vọng.
Ông quan niệm mỗi năm, khi đến những ngày giáp Tết, lòng người thường dâng lên nỗi nhớ cố hương. Người xa nhà mong trở về, người ở nhà mong người đi xa về. Trong suốt một năm, đây là thời điểm nỗi nhớ thương ấy nhiều hơn tất cả ngày khác.
“Vào những ngày giáp Tết ở quê tôi, những gia đình có người thân đi làm ăn, học hành xa hoặc lấy chồng, lấy vợ ở xa đều mong ngóng họ trở về. Vào đêm Giao thừa, những gia đình ấy vẫn mở cổng và lắng nghe tiếng chân ai đó vào ngõ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Ngày cuối cùng của năm cũ, hầu hết ở làng quê, mọi người thường khăn áo chỉnh tề ra phần mộ của những người thân yêu, thắp hương và mời người đã khuất trở về ăn Tết cùng gia đình.
“Như một sự vô tình, không khí ngày cuối cùng của năm cũ ấy gieo vào lòng người những hạt giống của tình yêu thương và kết nối họ với quá khứ”, ông Thiều nói.
Nhớ thương không khí ngày cuối năm
Góp nhặt những tâm tư, xúc cảm thương nhớ vào những trang thơ, dịp cuối năm này, tác giả Nguyễn Phong Việt cho ra mắt tập thơ Đã đi qua thương nhớ. Đây là ấn phẩm đặc biệt, đánh dấu hành trình 10 năm cầm bút của anh.
Tác phẩm lên kệ trong những ngày năm mới sắp đến gần nên nhiều vần thơ phảng phất phong vị sắc xuân. Mình thương mùi Tết - một trong số 62 bài thơ của tuyển tập này - nói lên điều đó.
Không khí chiều 30 Tết được Nguyễn Phong Việt thể hiện giữa nỗi nhớ thương đong đầy: “Mình thương những vạt nắng / Của chiều ba mươi vừa tắt / Trước sân nhà… / Mình thương mùi nhang trầm len lén ở trong gió với bao nhiêu thiết tha / Nhắc cho lòng nhớ những ngày thơ bé / Mình bá cổ, choàng vai mẹ cha cười nắc nẻ”.
Đối tượng của chữ “thương” được tác giả gợi nhắc ở đây là “những vạt nắng”, “mùi nhang trầm”, “ngày thơ bé” và hình ảnh thuở nhỏ “bá cổ, choàng vai mẹ cha”.
Hồi tưởng hành trình trở về quê sum họp bên gia đình trong ngày cuối năm, Nguyễn Phong Việt nhớ thương “mùi ấm áp của lời hỏi han”, “mùi thơ ấu”. Sau đó, anh kết lại: “Mình thương mùi Tết vì nơi ấy trong lòng chưa bao giờ chia hai”.
|
Ký ức về chiều 30 Tết cũng được tác giả Nguyễn Chiều Xuân gửi gắm qua những vần thơ Tết. Ảnh: Lionbooks.
|
Nỗi nhớ nhung, hoài niệm mỗi dịp Tết đến gần kề còn được thể hiện trong hồi ức của tác giả trẻ Nguyễn Chiều Xuân. Cô viết hai tập thơ Đón Tết về nhà! và Xin chào, Tết ơi! với mong muốn kể lại kỷ niệm đẹp về không khí đón Tết ở làng quê Việt Nam cho độc giả nhí thế hệ ngày nay.
Nhớ về ngày Tết ở quê, cây bút này hồi tưởng cảnh đi chợ Tết: “Bé đến cổng chợ / Kéo vội tay bà / Mình đi ngắm hoa / Rồi mua quà Tết / Khu chợ náo nhiệt / Ai cũng tươi vui / Khuôn mặt rạng ngời / Chào cô, chào bác", hay: “Chợ quê đẹp lắm / Có cả cầu vồng / Những chùm kẹo bông / Tím, xanh, vàng, đỏ / Bao màu rực rỡ / Lơ lửng trên trời / Em bé tươi cười / Ôi màu của Tết” (trích cuốn Đón Tết về nhà!).
Ngày cuối cùng của năm cũ cũng là dịp để người Việt cùng nhau dọn nhà đón Tết. Tác giả tái hiện không khí ấy qua bài thơ Tinh tươm đón Tết (trích cuốn Xin chào, Tết ơi!): “Mai vàng đã trổ / Cúc đã đơm bông / Mọi người quây quần / Dọn cho sạch ngõ / Tiếng xe máy nổ / Chờ Tết về nhà / Ai nấy ở xa / Đều về ăn Tết”.
Tác giả chia sẻ: “Tôi đưa trải nghiệm cá nhân vào từng bài thơ trong cả hai tập sách này. Những vần thơ ấy đều là những gì tôi đã trải qua. Ký ức dọn dẹp, trang trí nhà cửa, trông nồi bánh chưng, cùng đón Giao thừa hay không khí chuẩn bị chiều 30 Tết trong tiết trời mưa phùn đều được tôi đưa vào sách một cách chân thực”.
Tác giả Nguyễn Chiều Xuân muốn thông qua hai cuốn thơ này, mang đến tinh thần ngày lễ lớn nhất của dân tộc để con trẻ hiểu được văn hóa và không khí chuẩn bị Tết của ông bà, cha mẹ.
Đây cũng là dịp “Xe cộ ngược lối / Rộn tiếng nói cười / Mình về quê thôi / Ông bà đang đợi! / Cả nhà hồ hởi / Gác lại âu lo / Đường về quanh co / Ngập tràn hương Tết!” (trích cuốn Xin chào, Tết ơi!).
Không khí ngày cuối cùng của năm cũ gieo vào lòng người những hạt giống của tình yêu thương và kết nối họ với quá khứ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều