Đại gia, đô thị, thần tượng và lệch nhận thức... ở VN

Google News

(Kiến Thức) -Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phủ nhận Việt Nam đã có một đô thị. Đô thị phải có tầng lớp quý tộc, nhưng đô thị ở ta mới chỉ có Đại gia.

Nhận ra sự “sai đường” từ những điều nhỏ nhất có giúp ích gì cho sự đi lên? CAFE ĐẦU TUẦN của Kiến Thức với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xoay quanh câu chuyện này.
Đại gia và thần tượng
- Tại sao anh hay viết về làng quê, dù anh sống rất nhiều năm ở phố?
Làng quê với tôi chỉ là một lý do, một hiện thực mà tôi vin vào để nói về sự đánh mất vẻ đẹp của đời sống thiên nhiên, đời sống tinh thần, văn hóa của con người do chủ nghĩa vật chất xâm thực vào. Tôi lấy làng quê, vì đô thị chúng ta ít điều để nói lắm. Đô thị với tôi nó vô cảm lắm.
 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
- Anh lạ thật, đô thị của chúng ta có đại gia đó!
Đúng là có rất nhiều đại gia nhưng chưa có tầng lớp tôi mơ ước: quý tộc. Quý tộc sẽ tạo ra một thiết chế, một hệ thống, một cách thức và tư tưởng sống và đó là nền tảng về văn hóa đô thị. Còn đại gia chỉ đơn thuần là người nhiều tiền.
- Đại gia là từ khóa “đắt giá” trên truyền thông hiện nay. Anh quan sát chắc cũng đủ, xin hỏi, anh có hy vọng gì vào tầng lớp đại gia ở ta trong việc xây lên một tầng lớp quý tộc trong tương lai?
Chúng ta bước lên đột ngột từ những vùng quê và đô thị ở ta giống như những làng quê được giao thông hiện đại hóa, vật chất hóa lên mà thôi. Hiện, chúng ta có những ngôi nhà cao tầng, thậm chí những ngôi biệt thự nhưng những con người ở đó mang nhiều đặc tính từ các vùng quê cộng vào. Ở đó, có rất nhiều điều tuyệt vời của những người thôn quê nhưng cũng có rất nhiều hạn chế cản trở sự phát triển đi đến một đô thị văn minh.
Để có một đô thị thực sự phải đi qua nhiều thứ, thậm chí cả những thất vọng, nhưng không thể đốt cháy giai đoạn nào. Sự hình thành văn hóa có một yếu tố vô cùng quan trọng: Thời gian tính. Thời gian đó không phải một ngày, một năm hay vài chục năm. Một năm, vài chục năm có thể tạo ra một thói quen, nhưng những thứ đó phải được sống, được trải nghiệm, được xây dựng mới tạo thành văn hóa. Tầng lớp quý tộc cũng vậy, cũng phải xây dựng từ cuộc sống rất nghèo, trải qua nhiều đời để tạo dựng nền tảng vật chất giàu có. Sau đó, anh phải xây dựng nền tảng văn hóa. Có thể thế hệ đại gia hiện tại là những người rất giàu, rất nhiều tiền bằng cách nào đó, từng bước, từng bước chúng ta sẽ điều chỉnh và học hỏi để dần hình thành lên tầng lớp quý tộc.
- Học hỏi để tạo dựng nền tảng văn hóa cho đời sống đô thị. Anh nghĩ có điều gì chúng ta đang du nhập, học hỏi mà đáng lo?
Tôi kỳ vọng vào những người trẻ. Nhưng tôi lo lắng về sự “thần tượng” của một số bạn trẻ. Tôi cho rằng, trong việc dạy trẻ hiện nay, sai lầm nhất của chúng ta là lấy một người xa xôi để làm thần tượng cho lũ trẻ mà không biết biến những người gần gũi nhất với các em thành thần tượng. Lại sắp có một nữ hoàng nhạc phim Hàn Quốc đến Việt Nam, vài nhóm nhạc trẻ cũng đến từ bên đó và hình như sẽ có vô số bạn trẻ lại ngất đi vì phải chạy theo thần tượng xin chữ ký.
Tôi đã nghĩ, tại sao thần tượng của các em phải là ông bà, cha mẹ chúng, hoặc cô, dì của chúng. Những người có cách sống, quan niệm có thể ảnh hưởng trực tiếp lên các em.
 Theo nhà thờ Nguyễn Quang Thiều, việc không biết cách biến những người gần gũi với các em trẻ thành thần tượng là lỗi sai của người làm cha mẹ.
= Nhưng anh có thấy, trong xã hội hiện nay, nhiều ông bố bà mẹ không xứng trở thành thần tượng của con?
Tất nhiên chuyện đó có, nhưng tôi vẫn tin nếu chúng ta biết rằng, việc tạo dựng thần tượng sống cho con quan trọng đến thế, bản thân mỗi ông bố, bà mẹ đều cần có sự nỗ lực nhất định nào đó trong việc xây dựng bản thân mình. Các cụ ta từng có một câu đơn giản, tôi có thể gọi đó là minh triết Việt như “nhà dột từ nóc” hay “bầu ơi thương lấy bí cùng’, những câu thành ngữ đơn giản đó đều chứa đựng những tư tưởng lớn. Nhưng chúng ta nếu không nhận ra tầm quan trọng của những điều đó, thế hệ sau lấy gì thừa hưởng. Chúng ta mải chạy theo những điều quá xa xôi và dần dần sẽ đánh mất điều tôi đang sợ hãi: những điều đẹp đẽ của chính mình. Tôi hoàn toàn không nuối tiếc quá khứ, vì quá khứ đã xong, nó có số phận và vị trí của nó, nó đã thành lịch sử. Nhưng những điều đẹp đẽ thì cần được giữ gìn.
Đã có những thế hệ “nhận sai đường”
- Những điều đẹp đẽ đang mất dần hay sự đổi ngôi? Anh có nghĩ rằng, đôi khi chỉ là sự dịch chuyển, sự thay đổi, mà những người thuộc thế hệ anh, cập nhật không kịp sự đổi thay đó mà thôi?
Tôi đồng ý có những giá trị chuyển dịch, nhưng những điều đẹp đẽ không nhiều tới mức tôi không nhận ra. Chỉ giả sử làm một điều tra xã hội học về ngôn ngữ trong mỗi gia đình, nơi hệ trọng vô cùng với sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ sẽ nhận ra sự đổi thay ngỡ ngãng. Nếu cách đây 20 năm, ngôn ngữ chính trong gia đình luôn thể hiện sự tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới, sự chia sẻ tình cảm, sự động viên. Bây giờ ngôn ngữ trong gia đình là ngôn ngữ của sự ăn chia, sự thực dụng (con đã đúng chưa, nếu không làm thế con sẽ bị phạt,....). Con người lớn lên và thấm nhuần những điều thực dụng, ăn chia sẽ chỉ là những con người ích kỷ, tâm hồn nghèo nàn.
Tôi đã ở trong một gia đình Mỹ trong 3 tháng và chứng kiến họ có những nguyên tắc kinh hoàng: giờ nào xem tivi, giờ nào học, cha mẹ phải kể cho con những câu chuyện gì. Tôi cũng dự một lớp học của trẻ con lớp 4 trong hai ngày liền trong 2 ngày và tôi nhận ra, giáo dục của chúng ta góp phần không nhỏ tạo nên những đứa trẻ đang gây cho chúng ta đầy sự phiền muộn và sợ hãi.
- Anh nghĩ đó là lỗi của ai?
Của tất cả những người lớn, không trừ một ai trong số: những người lớn có vị trí, những người lớn không vị trí, những người lớn trí thức, là công nhân, là nông dân. Họ gây ra lỗi bởi vì họ đã nhận sai đường.
Chúng ta hay nhận rằng vì mình nghèo. Đó là chúng ta đang đổ lỗi vô căn cứ. Thực ra, nước Nhật từng khổ hơn chúng ta, Hàn Quốc từng khổ hơn chúng ta, nước Mỹ những ngày khởi động để đi đến xây dựng đường tàu về miền Viễn Tây khổ hơn chúng ta… Vấn đề luôn là ở chỗ: chúng ta đã nhận được đúng chưa!
- Người lớn bây giờ có thể nhìn một cách trực diện: là thế hệ 4x, 5x, 6x, tức là thế hệ của các anh. Nhạc sĩ Dương Thụ gần đây cũng nhận lỗi về thế hệ mình, về mình. Anh cũng bảo là do người lớn. Tại sao “người lớn” lại là những người gây ra nhiều lỗi lớn vậy , thưa anh?
Có rất nhiều lý do và câu hỏi này có thể phải trả lời bằng cả một tiểu luận lớn. Câu hỏi này cũng đang đặt ra thách thức với cấp quản lý đất nước này. Thế hệ chúng tôi có những người có lỗi trực tiếp, có người mắc lỗi gián tiếp. Chúng ta sẽ lầm lạc ở đâu đấy, sai lầm ở đâu đấy, ích kỷ và tham lam và sống một đời sống vô lối.
Bố tôi khi còn làm hậu cần trong một cơ quan, ông phải đi mua cá quả để chuẩn bị làm cỗ đãi tiệc. Ông tạt qua nhà định lấy 1, 2 con cá trong hai sọt cá lớn cho con mình. Ông thọc tay ngập đến vai để tìm con cá nhỏ nhất cho con, ông biết đó là mình đang ăn cắp, nhưng ông chỉ dám ăn cắp phần nhỏ nhất của tập thể. Và ông cứ khua khoắng mãi nhưng đến buổi trưa đó khi ra đi, ông đã không để lại con cá nào vì không tìm được con nào thực nhỏ. Ông không đủ can đảm để ăn cắp con cá to cho con mình. Tôi nghĩ thế hệ đó của ông đã không còn nữa.
Thế hệ bây giờ, chuyện một người làm to có thể có tiền mua nhà ở nước ngoài, thậm chí gửi nhà băng nước ngoài tôi nghĩ không phải là chuyện hiếm. Thậm chí, khi kê khai tài sản, đứa bé 16 tuổi thậm chí có hàng chục ha, có những biệt thự. Những người quản lý còn làm như thế, còn để một đất nước tồn tại nhan nhản những điều như thế, nghĩa là họ chỉ có một con đường đẩy đất nước vào những điều tệ hại.
Tôi thấy lòng tự trọng con người ngày càng ít đi. Và càng những người ở trên cao nếu càng ít đi suy nghĩ vì đất nước, càng ít đi sự tự trọng thì họ sẽ từng bước, từng bước đưa xã hội đi vào con đường rất xa, khó có thể kéo quay lại.
Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều!
An Thủy (thực hiện)

Bình luận(0)