Ngụy Khắc Đản- vị tiến sĩ nước Việt đầu tiên đi sứ phương Tây

Google News

Ngụy Khắc Đản đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử ngoại giao khi là một trong ba nhà khoa bảng đầu tiêncủa nước Việt sang Pháp thương thuyết.

 

Nguy Khac Dan- vi tien si nuoc Viet dau tien di su phuong Tay

Ảnh chụp sứ đoàn Việt Nam tại Pháp.

Là một trong 3 vị tiến sĩ đầu tiên của nước ta đi sứ phương Tây, nhà khoa bảng Ngụy Khắc Đản để lại nhiều dấu ấn không chỉ trong quan nghiệp, mà có ảnh hưởng đến thế hệ con cháu sau này.

Gia đình khoa bảng

Cùng với Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử ngoại giao khi là một trong ba nhà khoa bảng đầu tiên sang Pháp thương thuyết để chuộc lại lãnh thổ đã mất.

Theo sách Việt Nam sử lược, năm 1407 khi Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh bại, tướng Ngụy Thức khuyên nhà vua rằng: "Nước đã mất, làm vua không nên để cho người ta bắt, xin bệ hạ tự thiêu mà lưu tiếng nghìn thu".

Tức giận trước lời khuyên trung quân ái quốc ấy, Hồ Quý Ly sai chém đầu Ngụy Thức rồi chạy trốn ở hang núi Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Một số quan quân nhà Hồ chạy theo, trong số đó có con cháu của Ngụy Thức.

Sau khi cha con Hồ Quý Ly bị bắt đưa về Trung Quốc, con cháu Ngụy Thức về ở ẩn tại đất Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Tại đây, dòng họ dần trở nên nổi tiếng về sự học. Họ Ngụy ở Xuân Viên không bề thế, không có nhiều người đỗ đạt cao như họ Vũ ở Mộ Trạch (Hải Dương), họ Ngô ở Tam Sơn (Bắc Ninh), nhưng có nhiều người ra làm quan mà tài đức và trước tác của họ được sử sách dành nhiều trang ca ngợi.

Theo tài liệu của ông Ngụy Khắc Cáo - hậu duệ đời thứ 5 của Thám hoa Ngụy Khắc Tuần, thì cụ Ngụy Khắc Hài chính là người đã mở ra truyền thống khoa bảng cho dòng họ Ngụy ở Hà Tĩnh. Sau khi đậu Tam trường năm Canh Tý đời Lê Cảnh Hưng (1780), lúc đầu ông làm Tri huyện Thiên Lộc (Can Lộc), sau về dạy học.

 

Nguy Khac Dan- vi tien si nuoc Viet dau tien di su phuong Tay-Hinh-2

Chân dung nhà khoa bảng Ngụy Khắc Đản

Ngụy Khắc Hài có 8 người con, trong đó có 3 con trai gồm Ngụy Khắc Thận, Ngụy Khắc Tuần và Ngụy Khắc Thành. Trong đó, Ngụy Khắc Thận đỗ Cử nhân năm 1831 nhưng không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Người con thứ hai là Ngụy Khắc Tuần, đỗ Cử nhân năm 1821, đến khi 28 tuổi tiếp tục tham gia ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ sáu (1826).

Sau khi đỗ đạt, Ngụy Khắc Tuần (Tuấn) làm quan qua các chức Tuần phủ, Tổng đốc, Thượng thư bộ Hộ. Đến năm Tân Sửu 1841, ông dâng sớ thành lập phủ Điện Biên (nay là tỉnh Điện Biên). Ông để lại các đầu sách: Như Tân Ký, Xuân Viên thi tập, Vũ công hành trạng ký lược và 20 bài thơ đang được lưu giữ tại thư viện Viện Hán Nôm. Năm 1853, ông được vua Tự Đức cử đi sứ Trung Quốc.

Ngụy Khắc Tuần có tiếng là người thanh liêm, mẫn cán, từng được vua yêu mến ban ngự chế. Về sau, ông tử trận khi đang giữ chức Hộ lý Tuần phủ quan phòng trấn Hưng Hóa (Quảng Trị), được truy tặng Hiệp biên đại học sĩ và được thờ trong đền Hiền Lương.

Người con trai thứ ba là Ngụy Khắc Thành, đỗ Cử nhân nhưng mất sớm. Ngụy Khắc Đản là con trai duy nhất của Ngụy Khắc Thận, là cháu gọi Ngụy Khắc Tuần bằng chú. Ông sinh năm 1817 và sớm nổi tiếng thần đồng. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), Ngụy Khắc Đản thi đỗ Cử nhân khoa Tân Sửu tại trường thi xứ Nghệ An, được bổ làm huấn đạo huyện Can Lộc (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh).

Khoa thi năm Tự Đức thứ 9 (1856), Ngụy Khắc Đản tham gia ứng thí và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Đình nguyên Thám hoa). Một số nguồn tư liệu, trong đó có sách "Đại Nam liệt truyện" chép rằng: Thuở nhỏ Đản rất thông minh. Bài đối sách của Đản nhiều câu khẩn thiết. Vua xem rồi khen và ví Đản như con hạc đứng trong đàn gà.

Trong khoa thi này, những người đỗ hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân gồm có: Đặng Xuân Bảng (phủ Xuân Trường, Nam Định), Trần Huy Đan (phủ Nam Sách, Hải Dương), Ngô Văn Độ (phủ Vĩnh Tường, Sơn Tây), Phan Hiển Đạo (huyện Kiến Xương, Định Tường), Phan Đình Bình (huyện Quảng Điềm, phủ Thừa Thiên).

Chuyến đi sứ trời Âu 

Sau khi thi đỗ, Ngụy Khắc Đản nhập ngạch Hàm lâm, rồi thăng dần lên Án sát Quảng Nam. Tháng 8/1858, tàu chiến Pháp nã pháo tấn công Đà Nẵng, đến ngày 5/6/1862 Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết giữa triều đình Tự Đức và Pháp, nhưng phần thua thiệt nghiêng về phía Việt Nam.

Để chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường vừa bị mất sau hòa ước, năm 1863, Ngụy Khắc Đản được cử làm Bồi sứ trong phái đoàn của Phan Thanh Giản đi sang Pháp thương thuyết để chuộc lại lãnh thổ đã mất.

Về chuyến đi sứ này, "Đại Nam thực lục" ghi, vua Tự Đức "sai Hiệp biện Đại học sĩ là Phan Thanh Giản, Lại bộ Tả tham tri Phạm Phú Thứ, Án sát Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản đi sang sứ Tây dương (Thanh Giản sung làm Chánh sứ, Phú Thứ sung làm Phó sứ, Khắc Đản sung làm Bồi sứ)". Nhận mệnh vua đại diện nước nhà sang Tây, đoàn sứ bộ từ Huế đi tàu vào Gia Định rồi theo tàu Européen vượt biển qua Âu.

Lần lượt đoàn ghé những vùng đất như Tân Gia Ba (Singapore), Ai Cập… Những ngày lênh đênh trên biển, nhiều lễ nghi giao tiếp quốc tế được sứ đoàn làm quen như bắt tay, bắn đại bác chào đón, tấu nhạc tiễn khách… Nhiều phong tục, kiến thức các vùng đất được tìm hiểu. Với chuyến đi này, Ngụy Khắc Đản là một trong 3 vị tiến sĩ đầu tiên của nước ta đặt chân tới trời Tây.

Khi sứ bộ Đại Nam đến Pháp thì hoàng đế Napoléon Đệ tam vắng mặt, mãi đến ngày 5/11/1863 mới chính thức tiếp sứ bộ tại điện Tuilerie. Chánh sứ Phan Thanh Giản trao cho Pháp bức quốc thư của vua Tự Đức, trình bày những nội dung như đề nghị phía Pháp trả lại đất cho Đại Nam, bù lại Đại Nam sẽ nhượng cho Pháp Côn Đảo, "thành phố Sài Gòn, một địa điểm lựa chọn trong tỉnh Định Tường và thương khẩu Thủ Dầu Một trong tỉnh Biên Hòa".

Quốc thư có nhắc đến chuyện nước Anh nhận bồi thường chiến phí và trả lại Quảng Đông cho Trung Quốc với mong muốn phía Pháp cũng đối xử với Đại Nam tương tự. Ngoài ra, vua Tự Đức cũng yêu cầu Pháp châm chước triển hạn việc bồi thường chiến phí lên 20 năm để chia trả cho đủ trên tinh thần hòa bình và hợp tác.

Nguy Khac Dan- vi tien si nuoc Viet dau tien di su phuong Tay-Hinh-3

Tranh vẽ 3 vị trong đoàn sứ bộ Đại Nam tại Paris (hàng ngồi từ trái qua: Phó sứ Phạm Phú Thứ, Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản)

Trước đó, trong bản điều trần tại Paris, Aubaret ủng hộ quan điểm trả đất cho Đại Nam, trừ Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho và Cap Saint Jacques (nay là Vũng Tàu), bù lại Pháp sẽ bảo hộ 6 tỉnh Nam kỳ.

Về vấn đề tài chính, dự thảo yêu cầu trong 3 năm đầu, Đại Nam phải trả cho Pháp 500.000 đồng bạc/năm, và bồi thường liên tục trong 40 năm sau đó với số tiền 333.333 đồng bạc (tương đương 3 triệu franc)/năm.

Hoàng đế Pháp hẹn trong vòng một năm sẽ có câu trả lời. Về chuyến đi này, Đại Nam thực lục viết rằng: "Nội các thần tâu nói: Bọn Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản, trước kia vâng mệnh đi sứ, sự thể quan trọng, đã không hết sức đòi trở lại, lại nhận tục ước [dự thảo hiệp ước mới] mà về, đến nỗi sinh ra nhiều chi tiết…". Tuy nhiên về cơ bản thì chuyến đi sứ thành công, ngoài việc tạo được dư luận tốt ở Pháp còn mang đến những tín hiệu tích cực, mở ra khả năng tu chính Hiệp ước 1862.

Đi sứ về, năm 1864, Ngụy Khắc Đản được thăng làm Bố chính sứ Nghệ An, rồi lần lượt trải các chức: Khâm sai Kinh lý Trấn Ninh, sung Tuyên phủ sứ, thự Hữu tham tri bộ Hộ, Thượng thư bộ Binh, Thượng thư bộ Công, sung tham biện viện Cơ mật.

Họ Ngụy hết lòng vì sự học 

Năm 1873, Tiến sĩ Ngụy Khắc Đản ốm và qua đời tại quê nhà, thọ 56 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc, truy tặng hàm Thự hiệp biện đại học sĩ. Con trai ông là Ngụy Khắc Khoan nổi tiếng thông minh, học giỏi, đỗ Cử nhân và được bổ chức tri huyện, tuy nhiên, ông lại vắn số khi qua đời ở tuổi 23 tuổi, để lại một cậu con trai tên là Ngụy Khắc Giản.

Tuy sinh ra trong một gia đình quan chức, nhưng vì cha mất sớm nên gia cảnh Ngụy Khắc Giản vô cùng nghèo khó. Tương truyền, người mẹ của ông phải làm thuê khắp nơi để cho con có tiền ăn học.

Năm Bính Ngọ (1906) đời vua Thành Thái, Ngụy Khắc Giản đỗ Cử nhân, được bổ làm Huấn đạo Hương Sơn, sau lại làm Kinh lịch ra giúp Tổng đốc Thanh Hóa. Ông xử lý các việc công bằng, làm việc nghiêm minh nên được dân chúng mến trọng.

Ngụy Khắc Giản rất quan tâm đến quê hương và hết mình với những đóng góp để vùng quê mình sống có sự thay đổi theo hướng lấy học thức để nâng cao chất lượng đời sống. Và cũng nhờ công sức của Ngụy Khắc Giản mà Xuân Viên được vua phong bốn chữ vàng "Mỹ tục khả phong".

Năm 1940, ông làm một bài ca dài nêu lên 8 điều khuyên và 8 điều răn để dân chúng dễ học thuộc và làm theo.

Bài ca nói về việc xây dựng trường học, mời thầy về dạy học và khuyến khích người dân lấy sự học làm đầu, người biết chữ kèm người không biết chữ, người biết nhiều kèm người biết ít và khuyên các chức sắc địa phương trích công quỹ hàng tháng phát giấy bút cho học sinh.

Người dạy học được cấp mỗi năm một bộ áo quần và cấp lúa nghĩa thương đủ ăn, tặng phẩm cho những người học giỏi, người càng nghèo càng phải đi học, học để thay đổi số phận.

Theo "Đại Nam thực lục", chuyến đi của sứ đoàn gặp nhiều khó khăn khi gặp bão và thiệt hại cả về sinh mạng. Trên đường đi, thông ngôn Nguyễn Văn Trường, thầy thuốc Nguyễn Văn Huy bị bệnh mất, viên đội Nguyễn Hữu Tước phát bệnh điên. Trải qua nhiều vùng đất xa xôi với những phong tục lạ lùng, các thành viên sứ đoàn không chỉ được chứng kiến mà còn tranh thủ ghi chép những gì quan sát được.

Trong đó, Ngụy Khắc Đản có "Như Tây ký" ghi Paris có Sở Khí đốt tạo khí gas cùng hệ thống ống dẫn đưa khí đốt đến tận các hộ gia đình dùng và trả tiền theo dung lượng. Đường phố Paris, Madrid về đêm sáng trưng nhờ có hệ thống đèn thắp sáng; có hệ thống nước ngầm được thiết kế, đấu nối cung cấp nước cho toàn thành phố; hệ thống bưu điện, điện thoại; kỹ thuật chế tạo vũ khí của Pháp và sự tiến bộ vượt bậc trong phương tiện chiến tranh... 

Theo TRần Siêu/GD&TĐ

>> xem thêm

Bình luận(0)