Với cương vị là Tế tửu - đứng đầu hàng ngũ học quan ở Quốc Tử Giám, Vũ Miên là người có công lớn với sự nghiệp giáo dục. Trong khoảng thời gian 13 năm kiêm giữ chức vụ (1767 - 1780), ông đã đóng góp rất nhiều cho việc chấn hưng giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Suýt đỗ Trạng nguyên
Các nguồn sử liệu cho biết, Vũ Miên sinh năm 1718 trong gia đình khoa bảng, làng Xuân Lan thuộc tổng Lâm Thao, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc xưa (nay là Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh).
Dòng họ Vũ của Vũ Miên có gốc từ làng Mộ Trạch (Hải Dương) - một dòng họ khoa bảng nức danh nước Việt. Bởi vậy, ngày nay, trong nhà thờ ông tại quê nhà thôn Ngọc Quan có câu đối: Triệu thủy tích tòng Đông Mộ Trạch/ Thanh danh kim thị Bắc Lương Tài.
Cha của ông tên là Vũ Khuê - cống sĩ thi đỗ Tam trường khoa thi Hội, làm quan Huấn đạo phủ Lâm Thao (Phú Thọ), được phong đến chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Công bộ tả Thị lang, Đông các điện Đại học sĩ, Lan Khê hầu. Lớn lên ở vùng đất địa linh, thừa hưởng sự giáo dục của gia đình, nên từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh.
Vũ Miên từ nhỏ là một thần đồng trong vùng, nổi tiếng thông minh và sớm có thành tựu khoa cử. 15 tuổi Vũ Miên đã đỗ đầu xứ, 18 tuổi đỗ hương cống, được ra kinh đô học. Khoa thi năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) đời vua Lê Hiển Tông, ông đỗ Hội nguyên, được ban Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Vào Đình thí, ông xếp sau hai người. Sách “Đăng khoa lục sưu giảng” cho biết tư cách ông thực sự là Trạng nguyên, nhưng vì thiếu may mắn nên kết quả xếp sau hai vị khác: “Vũ Miên: Người làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, học rộng tài cao. Năm 31 tuổi, đỗ Tiến sĩ (Hội nguyên khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng).
Ngày hôm Đình thí, đầu bài nghĩa sách nhớ thuộc vanh vách, hỏi đâu biết đấy, thả sức làm văn; nghĩ rằng đoạt khôi nguyên, như thò tay vào túi lấy đồ vật gì vậy; không ngờ khi đi thi, đương viết văn mới viết được một lúc, ngòi bút đã cùn sạch, chỉ còn trơ lại quản bút, không thể nào viết được, nên phải viết trả lời mấy câu hỏi qua loa. Vậy thì, khoa bảng tự trời cho, cân nhắc phúc đức mà định số phận”.
Giai thoại chuột báo ơn
Là một nhà khoa bảng nổi tiếng đương thời, nên dân gian thường đặt ra các giai thoại để giải thích cho sự xuất sắc trong con đường khoa cử. Với Vũ Miên, có câu chuyện hư cấu về chuột báo ơn giúp ông thi đỗ Hội nguyên. Trong sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ có chép lại câu chuyện kỳ lạ này như sau:
“Vũ Miên người Liên Trì khi nhỏ học rất tối tăm, suốt ngày đọc đi đọc lại chỉ được một trang sách mà vẫn cố sức học mãi không thôi, về sau cũng nổi tiếng văn học trong thời ấy; nhưng văn chương ông nghèo nàn, viết suốt ngày vẫn thường không đủ.
Khoa thi năm Mậu Thìn (1748), vào đến trường đệ tứ, ông gặp đề bài đều nhớ cả nhưng viết không kịp, đến xẩm tối mới nộp xong quyển thi mà đi ra. Về đến nhà trọ, cởi áo ra nghỉ ngơi, xem lại thì thấy nộp nhầm quyển nháp, còn quyển chính có đóng dấu vẫn còn ở trong ống.
Bấy giờ ngồi than thở ân hận mãi, sau đem những đoạn văn làm ban ngày ra nhuận sắc, viết lại tinh tươm vào quyển có đóng dấu. Trời gần sáng thì viết xong rồi chợp mắt, ngủ mãi đến trưa mới tỉnh dậy. Xem trong ống quyển thì quyển văn có đóng dấu ấy không thấy đâu nữa, trong bụng hoang mang, chỉ sợ bộ Lễ đòi quyển có dấu thì không biết lấy đâu ra mà trả lại được.
Bàng hoàng lo sợ tới năm bảy ngày. Đến khi yết bảng thì thấy tin đồn rằng ở Liên Trì có Vũ Miên đỗ Hội nguyên, ông vẫn không tin bèn đến đình Quảng Văn xem yết bảng, quả nhiên có tên mình thật.
Ông vừa vui mừng vừa kinh ngạc, không biết duyên cớ làm sao. Có người bảo rằng: Nhà ông ba đời không nuôi mèo cho nên được báo cái ơn ấy, chẳng biết có phải không?”.
Có thể thấy, ngay việc được chuột báo ơn, mang quyển thi của Vũ Miên đến để vào nơi chấm thi khiến ông đỗ đạt chỉ là câu chuyện hoang đường và đầy tính phi lý về ông. Tuy nhiên, dân gian cũng dệt nên một câu chuyện hòng giúp vui trong cuộc bàn luận công danh mà thôi.
Bởi vì Vũ Miên là thần đồng từ nhỏ, không có chuyện tối tăm chữ nghĩa. Vả lại, ông là nhân tài được nho sĩ đương thời hết lời ca ngợi và trọng vọng, thì làm sao có chuyện phi lý như trong giai thoại được.
Sau khi đỗ, Vũ Miên ra làm quan dưới triều Lê - Trịnh, lần lượt trải qua các chức trong Kinh, ngoài trấn. Ông từng giữ chức Đồng đồng Kinh Bắc, Giản quan, Tán lý quân vụ Hưng Hóa…
Khi chúa Trịnh Sâm lên nắm quyền (tháng 2/1767), tài năng của Vũ Miên ngày càng tỏa sáng. Tháng 6 năm 1767, ông được giữ chức Hành Bồi tụng, sau đó ít lâu (tháng 9 năm 1767), ông được giao kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 1770, Vũ Miên làm Thiêm đô Ngự sử, sau thăng Thị lang.
Cuối năm sau, ông chính thức giữ chức Nhập thị Bồi tụng và được phong tước Bá, 6 năm sau ông được phong tước Liên Khê hầu. Tháng 7 năm 1774, Vũ Miên được cử giữ chức Phó đô Ngự sử, kiêm cả Lại bộ và Binh bộ Hữu Thị lang. Từ đó cho đến lúc mất (tháng 6/1782) ông lần lượt trải qua các chức Hình bộ, Binh bộ Tả Thị lang, Nhập thị hành Tham tụng.
Chấn hưng giáo dục, đào tạo nhân tài
Hơn 34 năm làm quan, Vũ Miên luôn mang hết tài năng, tâm huyết ra phục vụ đất nước. Trong bối cảnh chính trị, xã hội đầy phức tạp biến động thời Lê - Trịnh, Vũ Miên vẫn giữ quan điểm hành xử của riêng mình.
Trên cương vị Tế tửu - đứng đầu hàng ngũ học quan ở Quốc Tử Giám, Vũ Miên tận tụy với sự nghiệp giáo dục. Trong khoảng thời gian 13 năm kiêm giữ chức vụ (1767 - 1780), ông đã đóng góp nhiều cho việc chấn hưng nền giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Cùng với Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Hoản, ông tu sửa lại nhà Thái học, đúc chuông Bích Ung, tham gia tổ chức các khoa thi tiến sĩ để lựa chọn nhân tài. Ông đã từng dâng khải lên chúa Trịnh xin cho sĩ tử bậc khá được phép công khai chỉ trích nhau. Từ đó chọn ra người thực tài để vào thi Hương ở các địa phương, để chuẩn bị nhân sự cho triều đình.
Ngoài ra, ông cùng Nguyễn Hoản, Uông Sĩ Lãng, Phan Trọng Phiên biên soạn sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” (1779), chép danh sách của các vị đỗ các khoa thi từ năm 1075 đến năm 1787. Mục đích của việc làm sách này đã được nêu rõ trong Bài tựa của sách: “Kẻ sĩ có chí xem được sách này sẽ phấn phát noi gương... truyền rộng ra khắp cả nước và truyền lại sau này, để nêu rõ việc chấn hưng văn học, tác thành nhân tài của Nhà nước là rất thịnh”.
Khi soạn sách, nhóm của Vũ Miên còn chỉ ra, lên án những gian lận, tệ nạn trong học hành, thi cử. Từ đó giúp phòng ngừa những điều xấu, gian dối, đem lại sự trong sạch, công bằng trong khoa cử.
Vũ Miên cùng Nguyễn Lệ, Phạm Khiêm, Ninh Tốn trong nhóm Cúc Lâm cư sĩ tiến hành diễn giải sách “Tam thiên tự lịch đại văn” ra chữ Nôm thành sách “Tam thiên tự lịch đại văn Quốc âm” với mục đích giúp cho sĩ tử dễ dàng nắm bắt được các sự kiện lịch sử để làm văn, làm thơ. Có thể coi sách này là giáo trình dạy chữ Hán cho học trò.
Vũ Miên không chỉ là vị quan thanh liêm, nhà giáo dục tâm huyết, ông còn là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ. Năm 1767, ông đã được giao biên soạn Quốc sử khi kiêm giữ chức Quốc sử toản tu. Năm 1775, khi làm Tổng tài Quốc sử quán, ông cùng Lê Quý Đôn, Nguyễn Hoản chủ trì biên soạn “Quốc sử tục biên” chép sự kiện lịch sử từ năm 1676 đến 1739 đời Lê Ý Tông.
Năm 1782 ông bị ốm nặng, sử chép rằng: “…Biết Vũ Miên ốm nặng, khó qua khỏi, chúa Trịnh Sâm muốn nghe lời ông, đã cử quan Trung Sứ đến thăm. Vũ Miên đã cố gượng dậy, tự tay viết tờ khải “Cúi mong chúa thượng hãy cắt đứt tình yêu nơi chăn gối, mà định thứ tự con lớn, con nhỏ cho đúng đắn thì may mắn cho thiên hạ lắm”.
Khi mất, Vũ Miên được truy tặng chức Binh bộ Thượng thư và được ban tên thụy là Ôn Cẩn. Con trai ông là Vũ Chiêu, đỗ Hương giải và làm quan đến chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu.
Cháu chắt Vũ Miên sau này cũng nhiều người đỗ đạt. Trong gần 200 năm (1717 - 1919) có tới 43 người thuộc dòng họ ghi danh khoa bảng - làm cho làng Xuân Lan trở thành Kinh Bắc danh hương.