Ly kỳ những chiếc quan tài bí ẩn trong đám tang Chu Nguyên Chương

Google News

Giai thoại về sự kiện ly kỳ xảy ra vào ngày hạ táng Chu Nguyên Chương – vị Hoàng đế khai quốc của vương triều Đại Minh cách đây hơn 6 thế kỷ trở về trước vẫn là chủ đề gây tranh cãi với hậu thế.

Giai thoại ly kỳ về 13 chiếc quan tài đồng loạt được đưa ra khỏi thành trong ngày hạ táng Hoàng đế
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) là vị Hoàng đế sáng lập nên vương triều nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Xuất thân từ tầng lớp bình dân, Chu Nguyên Chương năm xưa đã từng tay không dựng nghiệp lớn, đánh đổ được người Mông Cổ và giành lại quyền tự chủ của người Hán ở Trung Nguyên.
Ly ky nhung chiec quan tai bi an trong dam tang Chu Nguyen Chuong
Ảnh minh họa. 
Ông cũng chính là người khai sáng và đặt nền móng vững chắc cho vương triều Đại Minh nắm quyền cai trị Trung Hoa trong gần 3 thế kỷ. Bởi vậy mà mỗi khi nhắc tới thời kỳ tại vị của vị Hoàng đế này, các sử gia vẫn thường gọi đó là giai đoạn "Hồng Vũ chi trị".
Mặc dù sở hữu nhiều công lao và thường được xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc, thế nhưng Chu Nguyên Chương lúc lập nghiệp thường xuyên chinh chiến khắp nơi, sau khi lên ngôi lại tru diệt hàng loạt công thần, nên ông từng sở hữu không ít kẻ thù.
Có lẽ cũng bởi vậy mà vào ngày hạ táng vị vua nổi tiếng ấy, Minh triều đã làm ra những hành động kỳ lạ khiến bách tính bấy giờ không khỏi xôn xao.
Vào năm Hồng Vũ thứ 31, Minh Thái Tổ băng hà ở Nam Kinh, hưởng thọ 71 tuổi. Sau khi ông qua đời, toàn bộ ngự y từng chữa trị cho Hoàng đế đều lập tức bị lưu đày.
Chưa dừng lại ở đó, vào ngày đưa quan tài nhà vua đến nơi an táng tại Hiếu Lăng, dân chúng Nam Kinh còn xôn xao về một sự việc kỳ lạ.
Tương truyền rằng vào ngày hôm ấy, toàn bộ 13 cổng thành của kinh đô đều được mở ra đồng loạt, từ mỗi cổng lại có một chiếc quan tài được đưa ra ngoài.
Xung quanh sự việc kỳ lạ này cũng tồn tại không ít giai thoại ly kỳ, bí ẩn. Đa số các ý kiến đều cho rằng, đây là một hình thức hạ táng đặc biệt để che mắt thiên hạ và đánh lừa những kẻ trộm mộ.
Tuy nhiên điều mâu thuẫn lại nằm ở chỗ, nơi an táng Chu Nguyên Chương đã được công khai và đặt cố định ở Hiếu Lăng. Như vậy thì chiêu bài "tung hỏa mù" của triều đình phải chăng còn mục đích nào khác?
Cũng kể từ đó, việc 13 chiếc quan tài đồng loạt đi qua các cổng thành của Nam Kinh trong ngày an táng Chu Nguyên Chương đã trở thành một trong những sự kiện ly kỳ và quái dị nhất liên quan tới lịch sử của vùng đất cố đô Nam Kinh nổi tiếng.
Sự thật phía sau những chiếc quan tài bí ẩn: Chân tướng còn rùng rợn hơn hậu thế tưởng tượng!
Nhiều thế kỷ trôi qua, câu chuyện về 13 chiếc quan tài đồng loạt đưa tang vào ngày an táng Chu Nguyên Chương năm nào vẫn là một chủ đề gây không ít tranh cãi.
Tuy nhiên nếu suy xét đến những việc xảy ra lúc bấy giờ, rất có thể nguồn gốc của sự kiện nói trên lại không kỳ quá như hậu thế vẫn thường nghĩ.
Theo lý giải của tờ Sohu (Trung Quốc), 13 chiếc quan tài đồng loạt được đưa ra từ các cổng thành Nam Kinh trong ngày đại tang Hoàng đế rất có thể là của những người bị tuẫn táng theo ông.
Nhà Minh là một vương triều khá đặc biệt thời phong kiến Trung Quốc. Điểm đặc thù lớn nhất của triều đại này là khôi phục hủ tục tuẫn táng từng bị phế bỏ trước đây. Khi Chu Nguyên Chương còn tại vị, tục lệ này đã bắt đầu được lưu truyền trở lại trong triều đình. Năm 1395, sau khi con trai thứ của Chu Nguyên Chương là Chu Sảng (tức Tần Vương) qua đời, ông hoàng này bèn ra lệnh cho hai vương phi của Tần Vương phải táng theo chồng, cốt để con trai có bầu có bạn trên đường xuống suối vàng.
Vào năm 1398, Chu Nguyên Chương băng hà, hậu duệ là Chu Doãn Văn lên kế vị. Chiếu theo di chúc của tiên đế, Chu Doãn Văn đã lệnh cho toàn bộ cung phi chưa từng sinh nở phải chôn theo Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Mệnh lệnh vừa ban ra đã khiến triều đình hỗn loạn. Tiếng khóc than ai oán vang dậy khắp nơi.
Khi ấy triều chính rối ren hỗn loạn, nhiều cung nhân đã thừa cơ làm càn, nhận hối lộ và làm điều sai trái, thậm chí báo thù cá nhân. Dưới sự che giấu của quan viên trong triều, một vài cung nữ tuy chưa sinh nở nhưng vẫn sống sót. Ngược lại, có những phi tần bị quẫn bức bồi táng theo vua vì trót đắc tội với mệnh quan nào đó. Sử sách Trung Quốc gọi những phi tần xấu số ấy là “triều thiên nữ”.
Rốt cuộc, các mỹ nhân bất hạnh này đã bị tuẫn táng theo hình thức nào? Đó là vấn đề khiến giới sử học Trung Quốc không ngừng tranh luận.
Có sử gia cho rằng, các phi tần trên đã bị ép phải treo cổ tự sát. Họ lý giải: Sau khi ban lệnh tuẫn táng, Chu Doãn Văn liền sai người lập danh sách các phi tần, cung nữ phải chôn theo vua. Vào ngày tuẫn táng, những người này đều bị dồn vào một căn phòng.
Tại đây bày sẵn những “thái sư ỷ” (ghế thái sư) có số lượng tương ứng với số phi tần, cung nữ bị tuẫn táng. Được biết, loại ghế đặc biệt này do bọn thái giám chịu trách nhiệm bố trí. Trên mỗi chiếc ghế lại đặt sẵn một tấm lụa trắng dài 7 thước (mỗi thước tương đương 1/3 mét).
Thế nhưng có lẽ vì nhiều lý do khác nhau, giai cấp thống trị của Minh triều khi đó đã không công khai chân tướng cho bách tính. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến sự kiện ấy trở thành một trong những giai thoại ly kỳ có tiếng ở mảnh đất cố đô Nam Kinh.
Theo Mộc/Khỏe Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)