Càn Long tên thật là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (1711 - 1799) là Hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh. Năm 1736, ông lên ngôi Hoàng đế và lấy niên hiệu là Càn Long. Ông còn được biết tới với tên gọi Thanh Cao Tông.
Càn Long Đế sống thọ tới 88 tuổi và trở thành vị vua sống thọ nhất trong lịch sử Trung Hoa. Tuổi thọ như thế này trong lịch sử Trung Quốc rất hiếm, bởi chỉ có 3 vị vua có tuổi thọ vượt qua 80. Hai người còn lại, một là Nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc Võ Tắc Thiên (82 tuổi) và Lương Vũ Đế Tiêu Diễn của Nam Bắc triều thọ 86 tuổi.
Từ cổ chí kim, có không ít người vẫn luôn tồn tại niềm tin vào thứ gọi là "thiên mệnh", đặc biệt là những nhân vật ở ngôi vị cửu ngũ chí tôn như Hoàng đế. Vậy rốt cuộc lời tiên đoán mà thầy tướng số năm xưa đã nói cho Càn Long là gì? Liệu rằng câu nói kia sau này có thực sự ứng nghiệm lên cuộc đời của vị Hoàng đế nổi tiếng ấy hay không?
Là vị vua ở ngôi tương đối lâu dài, bản thân Càn Long lúc sinh thời đã từng tổ chức 6 lần tuần du phía nam. Và câu chuyện xem bói ở chốn dân gian của ông cũng phát sinh trên đường nam tuần.
Tương truyền rằng bấy giờ khi đi ngang qua Tô Châu, Càn Long thấy mảnh đất này là nơi phồn vinh, liền có nhã hứng cải trang vi hành để thể nghiệm những điều mới lạ.
Trong lúc đang đi tản bộ, nhà vua chợt thấy ven đường có một thầy tướng số sở hữu khí chất của bậc tiên nhân. Mặc dù trong hoàng cung đã có không ít đạo sĩ lo việc luận quẻ cho hoàng tộc, tuy nhiên Càn Long vẫn muốn thử một lần xem bói nơi dân gian.
Theo lẽ thường, hầu hết các thầy tướng số thời cổ đại trước tiên sẽ hỏi bát tự của người đến để xem người đó có nhân duyên với mình hay không. Thế nhưng vị đạo sĩ tiên đoán cho Càn Long lại không làm như vậy.
Khi nhà vua vừa ngồi xuống chiếc ghế đối diện và còn chưa kịp lên tiếng, thầy tướng số này đã nhìn ngay ra thân phận của ông, thậm chí còn biết ông muốn tiên đoán về điều gì.
Vua Càn Long biết được điều đó thì hết mực cao hứng, thế nhưng vị thầy tướng số kia sau đó lại chỉ nói với ông đúng một câu duy nhất:
"Cao cao tại thượng mệnh bất cửu hĩ, cấp lưu dũng thối hoán đắc tam tái".
(Đại ý là: Còn ở ngôi cao thì số mạng không dài, biết rút lui đúng lúc sẽ đổi lại thêm 3 năm tuổi thọ).
Sau khi rời đi khỏi gánh hàng của thầy xem tướng, Càn Long ngoài mặt thì bình thản nhưng trong lòng lại không khỏi dậy sóng.
Ông thầm khen vị thầy tướng số kia cũng có chút bản lãnh, tuy nhiên vừa đi một đoạn đã sai thuộc hạ quay lại ám sát người này để diệt khẩu.
Tuy nhiên điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, khi sát thủ được nhà vua phái đi quay lại gánh hàng vừa nãy, vị thầy tướng kia đã biến mất từ bao giờ. Trên chiếc bàn đặt ở nơi ấy chỉ còn lại một tờ giấy nhỏ, bên trên có viết:
"Cả thiên hạ này, lão phu chỉ xem quẻ cho một mình ngài".
Sau khi xem xong tờ giấy ấy, Càn Long Hoàng đế chỉ còn có thể âm thầm cảm khái trong lòng…
Sau khi trở về sau chuyến nam tuần năm đó, Càn Long đã làm ra một quyết định hết sức bất ngờ.
Vào cuối năm ấy, ông đã chính thức tuyên cáo rằng bản thân tự nguyện thoái vị và giao lại ngai vàng cho con trai của mình vào mùa xuân năm tới.
Sử cũ ghi lại, vào năm 1796, Càn Long đã nhường ngôi cho con trai thứ 15 là Vĩnh Diễm, còn mình thì trở thành Thái thượng hoàng.
Có giai thoại truyền lại rằng, việc ông đột ngột quyết định thoái vị vốn có liên quan tới một lời hứa với tổ phụ Khang Hi trước kia.
Theo đó, Càn Long lúc sinh thời đã thề rằng sẽ không ở ngôi lâu hơn ông nội của mình. Và sự thật là ông đã nhường ngôi sau khi tại vị được 60 năm, còn Khang Hi đế đã ở trên ngai vàng tới năm thứ 61.
Tuy nhiên lại có không ít ý kiến cho rằng, việc Càn Long tự nguyện thoái vị cũng phần nào có liên quan tới lời tiên tri mà ông nghe được từ thầy tướng số dân gian trong chuyến nam tuần trước đó.