Ngày lễ Vu lan (Rằm tháng Bảy) giờ đây không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức hàng triệu con người Việt.
Lễ Vu lan 2020 rơi vào thứ Tư ngày 2/9 theo lịch dương. Nguồn gốc của ngày lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu, cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Sau này, Vu lan đã trở thành ngày lễ hàng năm để nhân dân tưởng nhớ về ân đức sinh thành, dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, tổ tiên và cội nguồn.
Theo truyền thống của người Việt, ngày Rằm tháng Bảy âm lịch còn là ngày "mở cửa ngục" để các cô hồn nhận đồ cúng lễ, nên được gọi là ngày "xá tội vong nhân". Theo cách hiểu của văn hóa tín ngưỡng, lễ xá tội vong nhân là để cầu cho những vong linh không hoặc chưa được thờ cúng ở một gia đình nào đó.
Hai ngày lễ xá tội vong nhân và lễ Vu lan báo hiếu ở Việt Nam diễn ra trong cùng một ngày. Mặc dù có sự khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc và nhiều khi hai lễ này được hòa vào làm một. Mục đích của cả hai lễ đều thể hiện sự nhớ ơn những người đã khuất, nhất là gia tiên, tiền tổ và thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất trong những cảnh ngộ éo le khác nhau mà không được thờ cúng.
Vào ngày lễ Vu lan, người dân thường đến chùa cầu kinh với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn những người đang sống có sức khoẻ, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, cúng phóng sinh chô các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hoá giải nghiệp chướng…