Sau một năm làm ăn bận rộn, những ngày năm hết Tết đến, người Việt có tục lệ dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ gọn gàng để đón năm mới. Những nhà vôi ve hay sơn đã nhạt màu hoặc đã bị mưa nắng làm cho xuống cấp thì quét sơn hoặc quét ve lại. Những nhà chưa cần phải sửa sang thì cũng dọn dẹp đồ đạc sạch sẽ, quét dọn mạng nhện khắp trong ngoài.
Việc quét dọn trang hoàng nhà cửa trước Tết được học giả Phan Kế Bính chép trong sách "Việt Nam phong tục" như sau: “Cách Tết một vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phụng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh treo liễn trang hoàng lịch sự. Nhiều nhà trước cửa có dán tranh quan tướng, hoặc dán bốn chữ Thần trà Uất Lũy. Điển này do ở Thường phong tục thông có nói rằng: ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc có hai ông thần, gọi là Thần trà Uất Lũy, cai quản đàn quỷ. Hễ quỷ nào làm hại nhân gian thì thần ấy giết mà ăn thịt. Ta dung bốn chữ ấy, có ý để cho quỷ sợ mà không dám vào cửa”.
Nhưng người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng có quan niệm rằng “trần sao âm vậy” nên cùng với việc quét dọn nhà cửa thì việc lau dọn bàn thờ và bát hương gia tiên cũng rất quan trọng. Tuy nhiên việc lau dọn bàn thờ gia tiên vào ngày cuối năm, theo quan niệm của cổ nhân cũng có một số nguyên tắc chứ không tùy tiện như việc quét dọn nhà cửa của người đang sống.
|
Ảnh minh họa. |
Hiện nay có một số quan niệm khác nhau về thời điểm thích hợp để tiến hành việc lau dọn bàn thờ ngày Tết. Có nơi cho rằng phải làm việc này trước ngày ông Táo chầu Trời. Bên cạnh đó một số nơi quan niệm tiến hành việc này trong thời điểm ông Táo vắng nhà, tức là từ ngày 23 tháng Chạp đến trước 30 hoặc 29 tháng Chạp (nếu tháng Chạp thiếu).
Trước khi thực hiện lau dọn, gia chủ phải tắm rửa sạch sẽ chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên rồi thắp hương và khấn thông báo với các thần linh và gia tiên về việc hôm nay sẽ dọn ban thờ nên mời thần linh và gia tiên tạm lánh để con cháu thực hiện công việc. Đợi cho hương cháy hết gia chủ mới bắt đầu thực hiện công việc.
Khi bắt tay vào việc, cần phải chuẩn bị một chiếc bàn hoặc mâm trên có phủ giấy trắng hoặc giấy đỏ để đặt các đồ thờ, bát hương, bài vị. Nếu gia đình ngoài gia tiên còn thờ các thần linh khác thì phải chuẩn bị hai chỗ đặt khác nhau, không được để lẫn. Trong vấn đề này, cũng có một số ý kiến từng cho rằng bài vị và bát hương gia tiên không được xê dịch vì sợ “động” sẽ ảnh hưởng đế con cháu. Do vậy chỉ nên lấy tay giữ và dùng khăn sạch nhúng vào rượu pha với gừng giã nhỏ cộng nước hoa lau cho sạch.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy vậy hiện nay nhiều nhà nghiên cứu cũng như các chuyên gia văn hóa cho rằng không nên quá câu nệ điều này. Việc hạ đồ thờ xuống sẽ giúp chúng ta lau được sạch sẽ hơn, cẩn thận hơn. Miễn sao khi hạ xuống đừng đặt các thứ đồ thờ vào những nơi ẩm thấp ô uế làm mất đi tính trang nghiêm là được.
Nước để lau dọn bàn thờ gia tiên phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Ngoài ra có thể dùng rượu hòa với gừng hoặc tỏi giã nhỏ để tẩy uế.
Về thứ tự công việc, nếu có bài vị thì trước hết phải lau bài vị rồi sau mới lau đến bát hương và các đồ cúng khác. Nếu gia đình thờ cả thần Phật thì phải lau dọn bài vị thần Phật trước rồi mới lau bài vị gia tiên.
Việc lau dọn ban thờ cũng thường được kết hợp với thay chân nhang trên bát nhang. Sau một năm với nhiều dịp giỗ, lễ, các bát hương đã khá đầy các chân nhang nên cần tỉa bớt đi nhưng phải để lại một số chân nhang cũ chẳng hạn 3 hoặc 5 hoặc 7 hoặc 9 tức là các số lẻ. Cũng không nên cầm ngược bát hương đổ hết tro ra ngoài mà nên dùng thìa xúc từng thìa nhỏ ra. Bởi lẽ việc đổ hết tro và chân nhang ra ngoài bị người xưa quan niệm là sẽ gây hao tán tài lộc cho gia chủ. Các chân nhang sau khi tỉa ra phải đốt rồi thả xuống sông suối hoặc bón cây chứ không nên đổ lung tung.
Các bát hương sau khi lau và tỉa chân nhang xong, đợi cho khô ráo thì dùng các tờ tiền vàng đốt hơ quanh. Nếu bát hương thờ thần Phật thì dùng 7 tờ tiền vàng, bát hương tổ tiên thì 3 tờ, gia chủ cầm các tờ tiền đó đốt hơ quanh bát hương để cho cháy một nửa thì bỏ vào trong. Đợi cho tiền vàng cháy hết thành tro thì đổ tro vào một lượt gọi là “ra nhỏ vào lớn” tượng trưng cho mong muốn “tiền vào như nước tiền ra nhỏ giọt". Ngược lại nếu lúc đầu không dùng thìa múc mà đổ tống ra xong lúc sau lại dùng từng thìa múc tro vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn” sẽ tượng trưng cho “tiền ra nhiều mà tiền vào ít”.
Sau công đoạn này, gia chủ đặt lại bát hương lên bàn thờ và thắp hương mới. Việc thắp hương lần đầu này thời trước cũng có một tập tục khá phức tạp là phải thắp 12 nén hương theo vòng tròn như mặt đồng hồ. Nén đầu cắm ở vị trí 1 giờ và khi cắm hương thì đọc “năm năm đều tốt”. Que thứ hai cắm ở vị trí 2 giờ, khi cắm đọc tháng tháng đều tốt. Que thứ 3 cắm ở vị trí 3 giờ và đọc ngày ngày đều tốt… Cứ như vậy cho đến nén thứ 12 thì xong. Tuy nhiên tục này có phần rườm rà và ít người còn thực hiện. Thường sau khi lau dọn xong, gia chủ thắp hương và khấn một lần nữa báo cáo công việc đã hoàn tất đồng thời cầu xin gia tiên phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe bình anh là kết thúc công việc lau dọn ban thờ.
(Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, cung cấp nội dung khoa học phong thủy cho bạn đọc).