Ký ức tiếp quản Thủ đô của nữ sinh “Hà Nội gốc”

Google News

“Trong tâm trí tôi in đậm hình ảnh người dân đứng bên đường vẫy cờ hoa chào đón đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô trong bầu không khí hào hùng, náo nức...”, Bà Hoàng Lan Dung (Hà Nội) bồi hồi nhớ lại.

Mái tóc bạc trắng, nụ cười tươi hồn hậu, giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp, bà Hoàng Lan Dung gây ấn tượng với người tiếp xúc với vẻ đẹp của một phụ nữ “Hà Nội gốc”. Trong buổi sáng mùa thu tháng 10 nắng vàng như rót mật, gió thổi bay phơi phới trên các tuyến phố đã rộn ràng không khí kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, bà Hoàng Lan Dung bồi hồi chia sẻ với phóng viên ký ức không thể nào quên về ngày 10/10/1954 - bà có mặt trong đoàn quân vào tiếp quản Thủ đô.
Ky uc tiep quan Thu do cua nu sinh “Ha Noi goc”
 Bà Hoàng Lan Dung (áo đen đứng cuối) trong một lần vinh dự được gặp Bác Hồ.
Bị thực dân Pháp bắt 2 lần nhưng... lại thả
Bà Hoàng Lan Dung sinh năm 1934, ở làng Thạch Khối, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận (nay là phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Năm 1947, bà tham gia đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội. Bà cùng với các học sinh, sinh viên tham gia rải truyền đơn, đặc biệt là đi đầu trong phong trào đấu tranh chống hoạt động bắt lính của bọn thực dân.
Ky uc tiep quan Thu do cua nu sinh “Ha Noi goc”-Hinh-2
Bà Hoàng Lan Dung bồi hồi chia sẻ với PV về ký ức ngày tiếp quản Thủ đô hào hùng. Ảnh: Mai Loan.
Vào thời điểm bấy giờ, chính quyền Pháp ở Đông Dương cho người đến các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội bắt các nam sinh đưa ra chiến trường. Cô nữ sinh Lan Dung nhận nhiệm vụ cùng với các nữ sinh vào trại lính yêu cầu thả nam sinh và vận động nam sinh trốn trại. Những hoạt động tích cực của bà đã bị thực dân Pháp “để mắt”, theo dõi. Hai lần, bà đã bị thực dân Pháp bắt.
Lần thứ nhất, cuối năm 1953, khi đến trại lính Ngọc Hà đòi thả các nam sinh, bà đã bị lính Pháp bắt. Tại Sở mật thám Pháp, bà bị tra khảo: Có phải bà là Việt Minh hay không, vì sao lại vào trại lính tuyên truyền như vậy? Tuy là một nữ sinh còn nhỏ tuổi, bà Dung bình tĩnh trả lời: “Tôi không tham gia tổ chức nào cả. Tôi đòi thả các nam sinh vì trong số đó có bạn trai của tôi. Nếu không tin, cứ tới nhà tôi lục soát”.
Lính Pháp đến nhà bà lục soát, không tìm được bằng chứng gì. Lại thấy gia đình bà thuộc giai tầng tiểu tư sản, chúng đành phải trả tự do cho nữ sinh Lan Dung.
Lần thứ hai bà bị lính Pháp bắt là năm 1954, gần đến ngày Giải Phóng Thủ đô. Hôm đó, sau buổi tan trường, đến đoạn chợ Hàng Da, bà Dung nhặt một tờ truyền đơn dưới đất lên xem. Một người bạn bảo bà đưa cho cùng xem, bà liền đưa cho bạn. Đúng lúc đó, lính Pháp ập tới, cho là bà đang truyền đơn, liền bắt bà về Sở Mật thám.
Tại Sở Mật thám, bà Lan Dung bị tra hỏi có phải là người rải truyền đơn, tham gia Việt Minh không? Bà cứng rắn trả lời: “Tôi chỉ là học sinh đi học về”. Một thầy giáo dạy học Pháp văn của bà xác nhận: “Đây là học sinh của tôi, vừa tan khỏi lớp thấy truyền đơn thì xem. Nếu muốn bắt thì phải bắt những người truyền đơn chứ?”. Không tìm được bằng chứng nào, lính Pháp lại đành phải thả bà.
“Và một kỷ niệm khiến tôi không thể nào quên. Hôm đó, tôi cùng hai người bạn tan học cùng đạp xe về nhà, chúng tôi đều đội nón. Khi qua tới đoạn đường Trần Hưng Đạo, thì gặp một xe Jeep của lính Pháp. Chúng trêu đùa, lật nón của cô bạn đi ngoài cùng. Bạn ngã xuống, bị bánh xe chèn qua, gẫy chân. Nhưng xe Jeep không dừng lại. Tôi cùng người bạn còn lại phải vẫy xe, đưa bạn vào Bệnh viện Phủ Doãn (Bệnh viện Việt Đức bây giờ) cấp cứu. Phải sống trong cảnh với những uất ức như vậy mới thấy được độc lập tự do là quý giá vô cùng, không gì có thể sánh được”, bà Dung chia sẻ.
“Trong đầu tôi nhớ rõ từng chi tiết ngày Giải phóng Thủ đô”
Nhắc tới ngày 10/10 Giải phóng Thủ đô, giọng bà Hoàng Lan Dung rưng rưng xúc động. “Bà có còn nhớ rõ về ngày hôm đó không?”. “Ôi nhớ chứ, trong đầu tôi vẫn nhớ rõ từng chi tiết, như vừa mới hôm qua. Làm sao có thể quên một ngày đặc biệt như thế”, bà Lan Dung nói.
Giữa năm 1954, bà được Thành ủy Hà Nội cử ra Vân Đình, Hà Tây (nay là thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) để học lớp tiếp quản Thủ đô, về những chính sách của Đảng đối với nhân dân Thủ đô. Chẳng hạn, đối với những người buôn bán, phải tạo điều kiện cho họ phát triển… Đối với công chức, viên chức thì xem xét, phân loại thế nào…
Ngoài ra, bà cùng với các hội viên đi rải truyền đơn, tuyên truyền cho nhân dân về ngày chiến thắng, huy động người dân may cờ Tổ quốc chờ ngày giải phóng...
Ky uc tiep quan Thu do cua nu sinh “Ha Noi goc”-Hinh-3
 Đoàn quân giải phóng hành quân vào Thủ đô qua phố Hàng Đào. Bà Dung chia sẻ, mỗi khi xem lại những bức ảnh này, bà lại bồi hồi xúc động. Ảnh tư liệu. 
Đúng ngày 10/10/1954, bà Lan Dung được cử cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 từ hướng Xuân Mai về tiếp quản Thủ đô.
“Không khí lúc đó tưng bừng lắm, không gì có thể kể xiết được niềm vui mừng của người dân Hà Nội lúc bấy giờ khi đang trong vùng tạm chiếm chịu bao áp bức, dồn nén, nay được đón những người kháng chiến trở về, cuộc sống được tự do. Tôi đứng trên xe ô tô mui trần cùng các chiến sĩ.
Chúng tôi đi từ Vân Đình về qua phố Trần Hưng Đạo, qua phố Cửa Nam, rồi tập kết ở bệnh viện 108. Nhân dân Thủ đô, từ người già tới trẻ nhỏ vẫy cờ hoa đón chào, gương mặt hân hoan. Thật đúng hệt như câu hát: “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về…”. Được về tiếp quản và làm chủ chính mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, qua nhiều đấu tranh, là cảm xúc không thể nào diễn tả hết được”, bà Dung nhớ lại.
Cho đến giờ, mỗi khi xem lại những hình ảnh trong ngày Giải phóng Thủ đô trên các phương tiện truyền thông, bà lại thấy bồi hồi như vừa mới hôm qua. Bà càng thấy yêu, trân quý một Hà Nội bình yên hôm nay.
3 lần được gặp Bác Hồ

Sau ngày Giải phóng Thủ đô, bà Hoàng Lan Dung là cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội. Năm 1956, bà được cử sang dạy học, làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mầm non A (số 88, phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm). Sau đó, bà về công tác tại Sở GD&ĐT Hà Nội, làm Trưởng phòng Mẫu giáo. Năm 1977, bà về làm công tác Chánh Thanh tra của Sở GD&ĐT Hà Nội. Trong quá trình công tác, bà Lan Dung đã vinh dự 3 lần gặp Bác Hồ, là động lực cho bà phấn đấu, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục Thủ đô.

Khi nghỉ hưu, bà Dung cùng chồng tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, thiệt thòi. 
 

Mời quý độc giả xem video: Bà Hoàng Lan Dung bồi hồi nhớ lại ký ức ngày Giải phóng Thủ đô. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)