Nằm ở số 12 Ngô Quyền, tòa nhà Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) là một công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt của Hà Nội thời thuộc địa. Đây cũng là một di tích lịch sử gắn liền với sự hình thành của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Được xây vào năm 1918-1919, tòa nhà là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc tân cổ điển thời Pháp thuộc với bố cục các mặt đăng đối, mặt đứng với hàng cột cổ điển khỏe khoắn cùng những chi tiết Baroque, Phục hưng.Về công năng, ban đầu tòa nhà là Phủ Thống sứ Bắc Kỳ - cơ quan đầu não của chính quyền thực dân Pháp tại miền Bắc Việt Nam. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, công trình trở thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ.Trong Cách mạng Tháng Tám, vào ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945), lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ Phủ Khâm sai. Đây là một trong những nơi cờ đỏ sao vàng được kéo lên đầu tiên ở Hà Nội.Từ sau Lễ Độc lập ngày 2/9/1945, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ phủ, có vai trò như một tổng hành dinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời làm việc.Ở Bắc Bộ phủ, các chiến sĩ của một đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ Hoàng Diệu làm nhiệm vụ bảo vệ Hồ Chủ tịch. Tại đây, Người tiếp khách trong và ngoài nước, các đoàn đại biểu nhân dân, nhân sĩ, trí thức, công thương gia yêu nước... đề ra các chính sách đối nội đối ngoại.Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở Bắc Bộ phủ đến khoảng tháng 11/1946 thì rời ra ngoại thành, đến địa điểm bí mật tại Đấu Đong ở Bưởi và Biệt thự cây liễu ở gần Cầu Mới rồi ra Vân Canh, nhằm đáp ứng với yêu cầu hoạt động trong hoàn cảnh cách mạng mới.Có thể nói, Bắc Bộ phủ là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu đầy thử thách, vượt qua mọi âm mưu của thù trong giặc ngoài nhằm lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.Ít lâu sau khi Cụ Hồ rời Bắc Bộ phủ, tòa nhà này trở thành nơi diễn ra trận đánh khốc liệt nhất của cuộc Toàn quốc kháng chiến mùa đông năm 1946. Tại đây, từ đêm 19/12 đến chiều 20/12/1946, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã anh dũng để bảo vệ tòa nhà.Sau 6 đợt tấn công bị đẩy lui, thương vong 122 lính lê dương, thiệt hại 4 xe tăng và thiết giáp, 3 xe vận tải, quân Pháp đã chiếm được tòa nhà. Số binh sĩ Vệ quốc đoàn tử trận là 45 người.Vô số vết đạn của trận đánh lịch sử ấy vẫn còn lưu dấu trên cánh cổng và hàng rào đúc bằng thép của Bắc Bộ phủ, như chứng tích không bao giờ mờ phai cho tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong buổi đầu độc lập.Sau khi giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ. Từ năm 2005, tòa nhà được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam.Mời quý độc giả xem video: Quốc Khánh Việt Nam qua các thời kỳ và lễ thượng cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2020. Nguồn: VTV.
Nằm ở số 12 Ngô Quyền, tòa nhà Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) là một công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt của Hà Nội thời thuộc địa. Đây cũng là một di tích lịch sử gắn liền với sự hình thành của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Được xây vào năm 1918-1919, tòa nhà là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc tân cổ điển thời Pháp thuộc với bố cục các mặt đăng đối, mặt đứng với hàng cột cổ điển khỏe khoắn cùng những chi tiết Baroque, Phục hưng.
Về công năng, ban đầu tòa nhà là Phủ Thống sứ Bắc Kỳ - cơ quan đầu não của chính quyền thực dân Pháp tại miền Bắc Việt Nam. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, công trình trở thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ.
Trong Cách mạng Tháng Tám, vào ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945), lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ Phủ Khâm sai. Đây là một trong những nơi cờ đỏ sao vàng được kéo lên đầu tiên ở Hà Nội.
Từ sau Lễ Độc lập ngày 2/9/1945, tòa nhà được đổi tên thành Bắc Bộ phủ, có vai trò như một tổng hành dinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời làm việc.
Ở Bắc Bộ phủ, các chiến sĩ của một đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ Hoàng Diệu làm nhiệm vụ bảo vệ Hồ Chủ tịch. Tại đây, Người tiếp khách trong và ngoài nước, các đoàn đại biểu nhân dân, nhân sĩ, trí thức, công thương gia yêu nước... đề ra các chính sách đối nội đối ngoại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở Bắc Bộ phủ đến khoảng tháng 11/1946 thì rời ra ngoại thành, đến địa điểm bí mật tại Đấu Đong ở Bưởi và Biệt thự cây liễu ở gần Cầu Mới rồi ra Vân Canh, nhằm đáp ứng với yêu cầu hoạt động trong hoàn cảnh cách mạng mới.
Có thể nói, Bắc Bộ phủ là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu đầy thử thách, vượt qua mọi âm mưu của thù trong giặc ngoài nhằm lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ít lâu sau khi Cụ Hồ rời Bắc Bộ phủ, tòa nhà này trở thành nơi diễn ra trận đánh khốc liệt nhất của cuộc Toàn quốc kháng chiến mùa đông năm 1946. Tại đây, từ đêm 19/12 đến chiều 20/12/1946, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã anh dũng để bảo vệ tòa nhà.
Sau 6 đợt tấn công bị đẩy lui, thương vong 122 lính lê dương, thiệt hại 4 xe tăng và thiết giáp, 3 xe vận tải, quân Pháp đã chiếm được tòa nhà. Số binh sĩ Vệ quốc đoàn tử trận là 45 người.
Vô số vết đạn của trận đánh lịch sử ấy vẫn còn lưu dấu trên cánh cổng và hàng rào đúc bằng thép của Bắc Bộ phủ, như chứng tích không bao giờ mờ phai cho tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” trong buổi đầu độc lập.
Sau khi giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ. Từ năm 2005, tòa nhà được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video: Quốc Khánh Việt Nam qua các thời kỳ và lễ thượng cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2020. Nguồn: VTV.