là một trong những chuyện “thâm cung bí sử” hấp dẫn nhất của Thanh Triều. Vậy thì thực hư ra sao?
|
Chân dung Từ Hi Thái Hậu. |
Đầu năm 1980, Viện Y học Cổ truyền Bắc Kinh đã được phép mở lại kho thư tịch của triều đại Mãn Thanh liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho Từ Hi vốn từng bị niêm phong suốt gần một thế kỷ. Trong những tài liệu vô giá ấy, các học giả đã đặc biệt chú ý đến những toa thuốc bổ, toa thuốc trị bệnh, và cả những toa đặc chế mỹ phẩm mà Viện Thái Y đã biên soạn dành riêng cho bà. Những kết quả bước đầu của công trình nghiên cứu này đã được Viện Y học Cổ truyền Trung Quốc công bố vào tháng 11/1981.
Viện này đã thành lập “Nhóm đặc nhiệm” để tiến hành công trình khảo cứu về “Hoạt động của ngành Thái Y vào đời Mãn Thanh”, do giáo sư - bác sĩ Trần Khả Kí chủ trì.
Nhóm đặc nhiệm này đã được Chính phủ Trung Quốc cho phép mở lại kho thư tịch của Thanh triều để nghiên cứu những tài liệu nguyên bản đã bị niêm phong suốt gần một thế kỷ và họ đã phân loại các tài liệu ấy thành bốn nhóm: những hồ sơ bệnh án của các hoàng đế và hậu phi nhà Thanh, những toa thuốc viết cho các hoàng đế và hậu phi nhà Thanh, những hồ sơ lưu trữ của Thái Dược Viện và những tài liệu chính sử liên quan đến cuộc sống riêng tư của các hoàng đế và hậu phi nhà Thanh.
Sau gần 2 năm làm việc, đến tháng 11/1981, Nhóm đặc nhiệm đã chính thức công bố kết quả bước đầu từ công trình nghiên cứu của họ qua 3 tập tài liệu mà họ đã đúc kết, gồm:
“Thanh Cung Y án nghiên cứu” (Nghiên cứu những bệnh án trong Cung đình vào đời Thanh), “Thanh Cung phối phương nghiên cứu” (Nghiên cứu những toa thuốc trong Cung đình vào đời Thanh) và “Từ Hi Quang Tự y phương tuyển nghị” (Bàn về những toa thuốc của Từ Hi Thái hậu và Quang Tự Hoàng đế).
Cho đến thời điểm ấy, mặc dù công trình nghiên cứu mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, nhưng cũng đã làm giàu thêm cho nền y học cổ truyền của Trung Quốc cả về mặt phát triển lý luận lẫn kinh nghiệm chữa trị.
Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu này còn giúp làm sáng tỏ những điều bí ẩn từng gây nhiều tranh cãi về những biến cố trong lịch sử của Thanh Triều. Thí dụ như có phải vua Đồng Trị, con trai của Từ Hi đã chết vì bệnh giang mai hay do bị mẹ đầu độc? Phải chăng Từ Hi đã bức tử cháu của mình là vua Quang Tự, và Từ Hi chết trước hay Quang Tự chết trước?
Hồ sơ bệnh án và những toa thuốc của Từ Hi Thái hậu cho chúng ta biết thêm những gì về bà? Người ta tuyển chọn 209 toa thuốc của Từ Hi, chia thành 3 nhóm lớn gồm có các toa thuốc bổ, thuốc bệnh và mỹ dung (làm đẹp). Những toa thuốc này chẳng những cho người ta có thêm nhiều dữ kiện để tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của Từ Hi trong những năm bà cầm quyền, mà chúng còn bật mí, giải mã những biến cố lịch sử liên quan đến cuộc đời và nhân cách chính trị của bà.
Toa thuốc bổ thì có hai loại, thuốc “Ích thọ” (có ích cho tuổi thọ, có nghĩa là thuốc bổ toàn diện, nhắm vào hiệu quả lâu dài) và thuốc “Cường sinh” (giúp tăng cường sinh lực, công hiệu nhanh và có tác dụng như thuốc kích thích thời nay).
Từ Hi bắt đầu dùng các toa thuốc Ích thọ một cách đều đặn từ năm 1875 (40 tuổi) đến năm 1905 (70 tuổi). Có tất cả 12 toa Ích thọ khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng của bà, nhưng hầu hết đều chủ về bồi bổ tỳ vị. Thuốc được bào chế dưới dạng thuốc nước và thuốc viên để uống.
Từ Hi bắt đầu dùng các toa thuốc Cường sinh từ năm 1880 (45 tuổi) đến năm 1900 (65 tuổi). Có tất cả 16 toa Cường sinh khác nhau, hầu hết đều chủ về bồi bổ Thận và Khí. Thuốc được bào chế dưới dạng thuốc viên để uống và dầu cao để bôi trên da. Tuy Từ Hi mất vào năm 1908 khi bà 73 tuổi, cũng không phải là thọ lắm đối với một người tham sống như bà, nhưng thể trạng của bà khỏe mạnh cho đến tận những năm cuối đời.
Toa Mỹ dung (làm đẹp) của Từ Hi có 3 loại chính: dầu cao và phấn dùng để bôi ngoài da, thuốc gội đầu và nước tắm. Tùy thuộc vào trời nắng, trời gió, trời mưa hay trời tuyết khi Từ Hi đi ra ngoài, Viện Thái Y bào chế các loại nước tắm và thuốc gội đầu khác nhau để bà dùng khi hồi cung.
Có một điều lý thú là khi nhìn vào những toa thuốc của Từ Hi và Quang Tự, người ta thấy rằng nhiều vị thuốc với dược tính mạnh từng bị vua Khang Hi loại bỏ khi ông khâm định lại sách “Bản thảo cương mục” và không cho phép dùng trong thái y, thì đến đời Đồng Trị, Từ Hi lại cho phép dùng lại, mặc dù kiến thức về y dược của bà rất hạn chế và hơn nữa bà lại là người cực kỳ thận trọng trong việc dùng thuốc.
|
Kiệu Từ Hi. |
Từ Hi Thái hậu chữa bệnh như thế nào? Cùng một toa thuốc, người ta luôn luôn bào chế 2 liều lượng giống nhau, dưới sự giám sát trực tiếp của hai vị thái y. Và sau khi thuốc bào chế xong, hai vị này phải nếm trước rồi mới dâng lên cho Từ Hi dung.
Dưới đây là một số toa thuốc bổ trích từ tập tài liệu “Từ Hi Quang Tự y phương tuyển nghị”, ấn hành năm 1981 (Bắc Kinh, Trung Quốc). Những toa thuốc “Ích thọ” này đã được Viện Thái Y của Thanh triều biên soạn riêng cho Tây Cung Hoàng Thái Hậu Từ Hi. Tên của các vị thuốc trong tài liệu được ghi bằng hai thứ tiếng La-tinh (tên khoa học) và tiếng Hoa. Liều lượng thì được ghi bằng đơn vị gram. (Lưu ý: Chỉ xin giới thiệu để độc giả tham khảo, chứ không khuyến khích sử dụng).
Toa thuốc “Dưỡng tâm diên linh ích thọ đan” (Toa này được hai quan Thái Y Trang Thọ Hà và Lý Đức Trường lập vào ngày 9 tháng 11 âm lịch năm 1875, lúc Từ Hi Thái Hậu 40 tuổi): Phục Thần (15g); Bách Tử Nhân (12g); Đảng Sâm (12g); Bạch Thược (12g); Đơn Bì (12g); Đơn Qui (15g); Xuyên Khung (6g); Sinh Địa Hoàng (12g);Chi Tử (9g); Hoàng Cầm (9g); Trần Bì (9g);Bạch Truật (6g); Chỉ Xác (12g); Toan Táo Nhân (12g).
Toa thuốc “Trường xuân ích thọ đan” (Toa này được Viện Thái Y biên soạn vào ngày mùng 5 tháng 2 âm lịch năm 1880, khi Từ Hi Thái Hậu 45 tuổi): Thiên Đông (60g); Mạch Đông (60g); Thục Địa Hoàng (60g); Sơn Dược (60g); Ngưu Tất (60g);Sinh Địa Hoàng (60g); Đỗ Trọng (60g); Sơn Chu Du (60g);Phục Linh (60g); Nhân Sâm (60g);Mộc Hương (60g);Bách Tử Nhân (60g); Ngũ Vị Tử (60g);Ba Kích Thiên (60g);Xuyên Tiêu (30g); Tạch Tả (30g); Thạch Xương Bồ (30g);Viễn Chí (30g); Thổ Ti Tử (120g); Nhục Thung Dung (120g); Cao Kỷ Tử (45g); Phúc Bàn Tử (45g); Địa Cốt Bì (45g)…/.