Độc chiêu trị quốc của các minh quân Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Trong thời phong kiến, nhiều vị vua anh minh của Việt Nam đã có rất nhiều độc chiêu để tề gia trị quốc khiến đất nước được thái bình thịnh trị.

Trong thời phong kiến, nhiều vị vua anh minh của Việt Nam đã có rất nhiều độc chiêu để tề gia trị quốc khiến đất nước được thái bình thịnh trị.
Lý Thái Tông nêu gương chống hàng ngoại

Người Việt ta hay có thói ưa thích hàng ngoại mà chê bai hàng nội. Để bảo vệ và phát triển hàng nội, vua Lý Thái Tông từng có một hành động rất hay. Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Tháng 2 (năm Canh Thìn- 1040) vua đã dạy được cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy, vua xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho để ban cho các quan. Các quan từ ngũ phẩm trở lên thì được ban áo bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì được ban áo bằng vóc. Nhà vua làm vậy để tỏ ý là vua sẽ không dùng gấm vóc của nước Tống nữa. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Việc làm này của Vua, trong cái tốt lại còn có cái tốt nữa. Vua không quí vật lạ, ấy là muốn tỏ ra hậu đãi với kẻ dưới”.
Doc chieu tri quoc cua cac minh quan Viet Nam
 Chùa Một Cột, công trình tinh tế được xây dựng sau giấc mơ của vua Lý Thái Tông và đến hôm nay vẫn là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần trong bộ Việt sử giai thoại, khi chép lại truyện này có bình luận: Muốn dân chăm nghề canh cửi, trước quí tộc phải làm gương. Cung nữ mà còn dệt vải, thứ dân ai dám nói nghề dệt vải là thấp hèn. Muốn khắp thiên hạ dùng hàng nội, trước hoàng đế phải làm gương. Đấng chí tôn mà còn mặc hàng lụa là trong nước sản xuất, quan dân các hạng ai dám chê đó là mặt hàng chả ra gì. Vua Lý Thái Tông ít nói, ít để chí ở sự lập ngôn, chỉ lo lòng làm gương cho thiên hạ. Xem ra, gương ấy không phải chỉ sáng một đời cho quan dân một thời, nay đọc lại sử, thấy cũng đáng suy ngẫm lắm thay”.
Bên cạnh đó, vua Lý Thái Tông còn rất chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp. Trong thời gian trị vì, nhà vua từng nhiều lần tổ chức lễ tịch điền và tự tay mình cầm cày vào đầu năm. Việc nhà vua đích thân cầm cày ngoài ý nghĩa khuyến khích nông dân tích cực sản xuất còn có một ý nghĩa khác là nhắc nhở các quan lại lưu tâm đến nông nghiệp.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng: “Mùa xuân, tháng 2 (năm Mậu Dần, 1038) vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Vua sai hữu ti dọn cỏ đắp đàn rồi thân tế Thần Nông, tế xong, tự cầm cày để muốn làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: - Đó là việc của nông phu, Bệ hạ cần gì làm thế ?
Vua nói: - Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo? Nói xong, Vua đẩy cày ba lần rồi thôi”. Sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận trong Đại Việt sử ký rằng: Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay !”.
Cũng trên tinh thần khuyến khích nông nghiệp và yêu thương dân chúng thiết tha đó, vua Lý Thái Tông từng làm một việc rất lạ. Vào năm Giáp Thân (1044), nhân thấy được mùa lớn, Thái Tông tuyên bố: “Nếu trăm họ đã no đủ, trẫm lo gì không no đủ”. Nói xong liền hạ lệnh xá một nửa tiền thuế cho cả nước. Thời trước triều đình cũng thường miễn giảm thuế cho dân nhưng chỉ trong trường hợp mất mùa hoặc hạn hán. Còn ở đây, vua Thái Tông lại giảm thuế cho dân khi được mùa. Đó là việc làm lạ với tiền lệ nhưng có tác dụng cổ vũ nông dân rất lớn.
Trần Nhân Tông dạy con “học làm vua”
Thời Trần các vua có lệ nhường ngôi sớm cho con còn mình thì xưng là Thái thượng hòa. Thực chất việc này nhằm cho các ông vua con có một thời gian tập sự “nghề làm vua” dưới sự uốn nắn của vua cha và qua đó sẽ tránh được các sai lầm do sự non yếu buổi đầu.
Trong ý nghĩa đó, sử sách vẫn còn ghi lại một câu chuyện rất ý nghĩa về cha con vua Trần Nhân Tông. Sau khi nhường ngôi cho con là vua Anh Tông, thượng hoàng Nhân Tông lui về Thiên Trường. Một lần Nhân Tông đột ngột lên Thăng Long xem con xử lý công việc thế nào và quan lại không ai hay biết.
Doc chieu tri quoc cua cac minh quan Viet Nam-Hinh-2
Ảnh minh họa.
Nhưng lúc ấy vua Anh Tông uống rượu say nên ngủ không ai đánh thức được. Thượng hoàng liền đi xem hết các cung điện một hồi lâu. Đến khi người hầu trong cung dâng cơm, Thượng hoàng không thấy vua đâu mới hỏi. Khi biết chuyện, ngài rất giận bèn lập tức trở về Thiên Trường và hạ chiếu cho trăm quan ngay ngày hôm sau phải về Thiên Trường đầy đủ để nghe chỉ dụ.
Đến quá trưa hôm sau, vua Anh Tông mới tỉnh dậy. Người trong cung đem việc đó tâu lên, vua sợ quá đi bộ ra ngoài. Khi về qua chùa Tư Phúc, gặp người học trò là Đoàn Nhữ Hài. Vua hỏi, Nhữ Hài vội vàng cúi rạp xuống đất thưa là học trò đi học. Vua cho theo vào cung, bảo rằng : - Mới đây, trẫm say rượu, bị Thượng hoàng hỏi tội, nay muốn dâng biểu tạ tội, nhà ngươi hãy thảo giúp ta tờ biểu ấy. Nhữ Hài vâng lời, thảo xong ngay.
Nhà vua liền dùng thuyền nhỏ, cho Nhữ Hài đi theo, đêm thì tới Thiên Trường. Sớm hôm sau vua sai Nhữ Hài đội tờ biểu dâng lên. Thượng hoàng hỏi: Người dâng biểu là người nào? Người hầu cận thưa rằng: Đấy là người của Quan gia sai dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng không nói gì cả. Trời xẩm tối, gió mưa ầm ĩ mà Nhữ Hài vẫn quỳ gối không nhúc nhích, Thượng hoàng bèn cho lấy tờ biểu vào xem, thấy lời lẽ ý tứ thiết tha thành khẩn, mới cho triệu Nhà vua vào và dạy rằng: Ta không có người con nào nữa để nối ngôi hay sao? Nay ta còn sống mà đã thế, sau này sẽ ra sao? Nhà vua cúi đầu tạ tội.
Thượng hoàng hỏi: Ai soạn tờ biểu này? Nhà vua tâu: Tên học trò là Đoàn Nhữ Hài. Thượng hoàng lại cho triệu Đoàn Nhữ Hài vào, dụ bảo rằng: Tờ biểu nhà ngươi soạn thực hợp ý ta. Sau đó, Thượng hoàng cho nhà vua lại được làm vua như cũ, trăm quan lại trở về triều như trước. Sau lần bị cha trách tội này, sử cũ ghi rằng vua Anh Tông không bao giờ uống rượu nữa và trong việc tuyển chọn quan lại ngài cũng không cất nhắc những kẻ bê tha rượu chè.
Lê Thánh Tông chống bè đảng và tệ “con ông cháu cha”
Dưới thời Lê Thánh Tông, nhà vua rất chú trọng việc tìm kiếm người tài để làm việc triều đình. Ngoài các khoa thi tổ chức định kỳ, vua còn chú trọng cả các hình thức chọn quan lại khác thông qua giới thiệu, tiến cử. Ông từng ra sắc chỉ yêu cầu các quan lại phải tìm kiếm và tiến cử người tài đức và liêm khiết cho triều đình.
Doc chieu tri quoc cua cac minh quan Viet Nam-Hinh-3
 Ảnh minh họa triều đình nhà Lê.
Tuy nhiên nếu không giám sát và quản lý chặt chẽ thì việc tiến cử này lại có thể trở thành một khe hở để các quan lại lôi kéo bè đảng và đưa vào bộ máy những người thân thích hoặc con cháu mình. Để chống việc xây dựng bè đảng và sắp xếp cho con cháu, vua Lê Thánh Tông ban hành thành quy định rằng nếu ai dựa trên tình thân và lợi ích riêng mà tiến cử kẻ không đủ năng lực ra làm quan thì sẽ bị khiển trách hoặc bị phạt tùy vào hình thức.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm 1467, vua Lê Thánh Tông từng nói với quần thần rằng: “Lục bộ, lục khoa và ngự sử đài nếu ai đề cử không phải người tốt, sẽ luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức, nếu cử được người xứng đáng, quyết nhiên sẽ được trọng thưởng”.
Cũng theo Cương mục chép rằng: Tháng 6/1467, nhà vua ra chơi Đông cung, hỏi Thái tử về nghĩa sách. Thái tử đem nghĩa sách mà Nguyên Tiềm đã dẫn giải cho từ trước để thưa lại. Nhà vua triệu bọn Nguyên Tiềm và Tạ Bưu đến phượng nghi đường bắt làm ba bài thi thể văn chiếu, chế và biểu. Ba bài của Tiềm và Bưu đều bất thành văn lý. Vua bèn quở trách bọn Nguyễn Như Đổ, Trần Phong và Trần Thốc về tội bảo cử người không xác đáng và bãi chức bọn Nguyên Tiềm và Tạ Bưu”.
Đến năm 1488 nhà vua lại quy định chặt chẽ để tránh tình trạng bè cánh rằng: “Nếu anh em ruột, anh em con chú, con bác, cô cậu ruột thì chỉ cho một người làm xã trưởng, anh em họ hàng không được cùng làm với nhau để tránh nạn đồng đảng phe cánh”. Nhờ vậy trong triều đại Lê Thánh Tông, quần thần nhiều người giỏi và đất nước phát triển rất thịnh trị.

Nam Khánh

Bình luận(0)