Đôi nét về Trạng Lường
Lương Thế Vinh (1441-1495), tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc làng Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, rất giỏi tính toán.
Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tông, chính sử chép về khoa thi này như sau: “Quý Mùi, [Quang Thuận] năm thứ 4 [1463], (Minh Thiên Thuận năm thứ 7). Mùa xuân,… Tháng 2, tổ chức thi Hội cho các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ người dự thi có tới 4.400 người, lấy đỗ 44 người.
Ngày 16, thi Điện cho các tiến sĩ. Sai Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Nguyễn Lỗi và Nhập nội đô đốc đồng bình chương sự tri Đông đạo chư vệ quân dân Quốc Tử Giám tế tửu Lê Niệm làm đề điệu. Chính sự viện tham nghị chính sự Nguyễn Phục làm giám thí, Môn hạ sảnh ty tả gián nghị đại phu tri Bắc đạo quân dân bạ tịch kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Như Đổ; Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ tri Đông đạo quân dân Nguyễn Vĩnh Tích; Quốc Tử Giám tế tửu Nguyễn Bá Ký làm độc quyền.
Vua ra hiên, thân hành ra đề văn sách hỏi về đạ xuất thân theo thứ bậc khác nhau… Ngày 22, truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Lương Thế Vinh và ban ân mệnh cho từng người. Sai các quan Lễ bộ đem bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa cho các sĩ nhân biết”.
Sau khi đỗ đạt, Lương Thế Vinh làm quan trải nhiều chức vụ, dần thăng đến chức Hàn lâm viện trực học sĩ, Chưởng viện sự, Nhập thị kinh diên. Đến ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn (1496), ông qua đời tại quê nhà, thọ 56 tuổi; biết tin này vua Lê Thánh Tông rất thương xót đã làm bài thơ: “Điếu Trạng nguyên Lương Thế Vinh”:
Chiếu thư Thượng đế xuống đêm qua,
Gióng khánh tiên đài kịp tới nhà.
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc,
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa,
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc.
Danh lạ còn truyền để quốc gia.
Khuất ngón tay than tài cái thế,
Lấy ai làm trạng nước Nam ta!
|
Tranh cổ vẽ chân dung Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Hình minh họa – Nguồn: vanhienvn. |
Chuyện đầu thai lần thứ nhất
Tục truyền rằng kiếp trước của Lương Thế Vinh đã thác sinh vào một nhà ở huyện Nam Xương (sau này là huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định), khi lên 7 tuổi được cha mẹ cho đi học; ở bên cạnh đường có con chó đá, mỗi khi thấy cậu học trò này đi qua thì nó lại vẫy đuôi mừng. Cậu bé về kể chuyện với cha, người cha bảo:
- Chó đá biết vẫy đuôi thì hẳn nó cũng biết nói. Con hỏi xem vì cớ gì mà nó mừng.
Hôm sau đi học qua, con chó lại vẫy đuôi, cậu bé đứng lại và hỏi, nó nói rằng:
- Ngày sau cậu đỗ Trạng nguyên nên tôi mừng vậy.
Nghe kể lại, người cha bấy giờ tin rằng con mình sau này sẽ đỗ cao, làm quan lớn, từ đó ông sinh kiêu ngạo, thường hay va chạm, tranh chấp với người khác và đe rằng: Mai sau con ông đỗ Trạng nguyên, ông sẽ hỏi tội chúng mày. (Người ta cho rằng câu tục ngữ: “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” được xuất phát từ chính câu chuyện này).
Thấy cha như vậy, cậu bé rất buồn, can ngăn mãi mà không được đành nói với mẹ rằng:
- Mẹ thì hiền hậu mà cha lại kém đức, con không ở đây nữa. Xin từ giã mẹ, con đi chỗ khác đây!
Cậu bé dặn mẹ cứ đến ngày ấy, tháng ấy thì tới làng Cao Hương, huyện Thiên Bản thì rõ. Lại còn dặn giữ lại sách vở của mình đã học. Nói xong thì mất.
Bấy giờ người phương Bắc xem thiên văn thấy vận nước Nam đang thịnh, người tài có nhiều, lại thấy Văn Khúc (sao văn học) sáng ngời giáng xuống bèn sai người sang nước ta tìm cách trấn yểm, diệt đi.
Lại nói, khi còn ở Nam Xương cậu bé đi chơi với một lũ trẻ con. Thầy phong thủy người Bắc qua đó, biết sao Văn Khúc (sao văn học) ở trong đám trẻ nhưng không rõ là đứa trẻ nào mới đem bỏ một quả bưởi xuống hố sâu, đố lũ trẻ ai lấy lên được sẽ thưởng tiền. Cậu bé không tự mình ra lấy nhưng bày cách cho một bạn đem nước đổ xuống, khi hố đầy nước thì quả bưởi sẽ tự nổi lên. Người phương Bắc kia gạn hỏi lũ trẻ mới biết được đó chính là mưu của cậu bé, đang nghĩ cách trừ đi nhưng không lâu sau đó thì cậu bé mất.
|
Đám trẻ con đùa nghịch. Hình minh họa – Nguồn: nxbkimdong. |
Chuyện đầu thai lần thứ hai
Truyền rằng, sau khi mất, hồn cậu bé thần đồng đi tìm nơi thác sinh, lúc đó thầy phong thủy người Bắc xem thiên văn, biết vị thần ấy đã đi sang làng Cao Hương, ông ta liền đuổi theo thì thấy thần đã nhập vào một khối đá lớn. Nghe người khách lạ hỏi mua, chủ khối đá tưởng hỏi đùa nên nói:
- Phải đủ một trăm quan tiền tôi mới bán
Khách trả đến bảy mươi quan, nhưng người chủ không biết thế nào, nghĩ rằng mình bị bỡn cợt, nhất định không bán. Khách thấy vậy liền bỏ đi.
Có một người đàn bà đi làm đồng về, qua đó nghe mọi người bàn tán chuyện có khách lạ hỏi mua khối đá bèn dừng lại rồi đến giậm chân vào khối đá mà nói:
- Khối đá này quý gì mà ông ta hỏi mua đắt thế ?
Không ngờ vị thần ở trong khối đá từ bấy giờ đầu thai ngay vào người đàn bà ấy.
Hôm sau, người khách phương Bắc kia quay lại định mua khối đá cho bằng được, nhưng khi đến biết thần đã xuất mất rồi mới nói rằng:
- Bây giờ thì một đồng tôi cũng chẳng mua.
Biết là không thể trấn yểm được nữa, ông ta đành trở về phương Bắc.
Lại nói cùng trong khoảng thời gian ấy, hoàng tử Lê Tư Thành (sau là vua Lê Thánh Tông) ra đời; sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về sự lạ trong việc sinh hạ ấy như sau: “Mẹ vua là Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Trước kia, khi còn là Tiệp dư, Thái hậu đi cầu tự, mơ thấy thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai. (Tục truyền rằng Thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thử thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất)”.
Trong tác phẩm Tang thương ngẫu lục cũng có đoạn chép cho biết thêm một số thông tin khác: “Khi trước Thái hậu có mang, chiêm bao thấy đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một vị tiên đồng giáng thế làm vua nước Nam và sai một ngọc nữ xuống để sánh đôi. Tiên đồng không vâng chỉ ngay, Thượng đế giận ném hòn ngọc khuê làm xây xát ở trán. Tiên đồng lạy tạ xin ban cho một người giúp việc. Thượng đế chỉ một viên trong ban sai theo đi giúp. Viên ấy cố từ, Ngài hẩy vào vai không cho từ. Lúc Thái hậu bừng tỉnh giấc thì sinh vua Thánh Tông, vế ngọc khuê ở trên trán vẫn còn”.
Vị thần được Ngọc Hoàng Thượng đế sai giáng trần để giúp tiên đồng, sau đó đầu thai vào nhà họ Lương ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản. Lúc sinh ra, thấy con mình rắn rỏi, tinh anh, người cha mới đặt tên cho con là Lương Thế Vinh. Lạ một điều, khi mới sinh ra cậu bé ngày đêm chỉ khóc ròng; cha mẹ rồi hàng xóm thay nhau bế ẵm, dỗ dành nhưng không có kết quả.
Lúc ấy, người mẹ kiếp trước nhớ lời con dặn đã tìm đến làng Cao Hương hỏi thăm. Nghe nói có một nhà họ Lương mới sinh con trai, đứa bé khóc suốt ngày đêm, bà tới đó xin bế đứa bé trong chốc lát. Lúc này đứa bé mới thôi khóc. Bấy giờ bà kể lại mọi chuyện cho chủ nhà nghe và từ đó thường xuyên qua lại thăm nom Lương Thế Vinh. Đến khi lớn, một hôm Lương Thế Vinh nói với mẹ trước rằng:
- Mẹ về đem sách vở của con thuở trước cùng với số tiền con chôn ở dưới gốc cây táo mang sang đây cho con.
Bà mẹ trở về đào dưới gốc táo, quả nhiên thấy có tiền liền đem sách và tiền đưa cho Lương Thế Vinh. Cha mẹ đẻ giờ mới thực sự tin, lại thấy người cha trước của con đã mất bèn đón bà mẹ trước về ở cùng.
|
Thái hậu xem mặt tân khoa Trạng nguyên. Hình minh họa – Nguồn: violet. |
Đến khoa thi Quý Mùi (1463) triều đình mở khoa thi, Lương Thế Vinh về kinh ứng thí và đỗ Trạng nguyên, lúc vào yết kiến, Lê Thánh Tông thấy vai ông bị lệch, chợt nhớ đến câu chuyện trong giấc mộng lạ mà mẹ kể khi trước bèn tâu với Thái hậu. Thái hậu cho gọi Lương Thế Vinh vào xem mặt thì thấy đúng là người đã gặp trong mộng, bà vui mừng nói với vua:
- Đây chính là người bề tôi mà Thượng đế cử xuống.
Từ đó Lê Thánh Tông rất mực tin dùng, coi trọng tài năng của Lương Thế Vinh, một nhân tài hiếm có. Thật đúng là vua tôi khánh hội, một bước chẳng rời.
Chuyện ly kỳ này được sách Tang thương ngẫu lục viết tiếp: “…Khoa Qúy Mùi (1463) niên hiệu Quang Thuận thứ 4, ngày truyền loa kỳ thi Đình, Trạng nguyên Lương Thế Vinh vào bái yết. Thấy vị tân khoa hai vai hơi lệch, không được bằng phẳng, vua kinh dị sai vào bái yết Hoàng Thái hậu. Thái hậu nhớ lại mộng cũ, thấy hình mạo Lương Thế Vinh rất giống. Hai cung đều rất vui vẻ. Vua bèn trao cho Lương làm chức Hàn lâm thị độ, dự vào hàng 28 ngôi sao trong Tao Đàn”.
Trong mục Nhân vật chí của bộ Lịch triều hiến chương loại chí cũng có đoạn viết liên quan đến Lương Thế Vinh như sau: “Lúc trước Hoàng Thái hậu Quang Thục có mộng thấy đến chỗ Thượng đế, Thượng đế cho một tiên đồng làm con nối và một tiên đồng giúp việc. Tỉnh dậy có mang, sinh ra Thánh Tông. Đến khoa ấy lấy ông đỗ, Thái hậu ngắm hình dáng, đúng như tiên đồng đã thấy ở trong mộng, bụng lấy làm lạ, có bảo với vua, vua cũng cho việc ấy là lạ. Vả lại vua thích căn chương của ông mới cho ông luôn luôn gần mình giúp về thư từ. Buổi đầu ông làm Trực học sĩ viện Hàn lâm, rồi quyền Cấp sự trung Công khoa. Trong đời Hồng Đức, ông trải thăng Thị thư viện Hàn lâm, nắm việc của viện, kiêm cả quán Sùng Văn và cục Tú Lâm. Phàm việc tờ bồi giao thiệp với nước ngoài, ông đều vâng mệnh nghĩ soạn, tiếng vang sang cả Trung Quốc, người Minh khen là nước ta có người giỏi”.