Dân gian có câu ca rằng: "Không chồng mà chửa mới ngoan/Có chồng mà chửa thế gian sự thường"
Nói đến Lương Thế Vinh, người ta thường nghĩ đến tài văn chương thơ phú và nhất là toán học của ông mà ít ai biết rằng ông còn là một người đa tài trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, tôn giáo … và cả về luật pháp với những cống hiến thú vị, hiệu quả.
Dân gian có câu ca rằng: “Không chồng mà chửa mới ngoan/Có chồng mà chửa thế gian sự thường”, đó như một sự phản ứng lại những khắt khe của quan nệm đương thời.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, dù đã có cái nhìn thoáng đãng hơn nhưng những người phụ nữ ở vào trường hợp ấy ít nhiều vẫn chịu điều ra tiếng vào của dư luận nói gì đến xã hội phong kiến thời xưa thì chuyện “không chồng mà chửa” bị người đời nhìn với ánh mắt nhiều dị nghị, khinh miệt.
Người ta cho rằng đó là thước đo đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ, nếu một người không chồng mà chửa là gây ra chuyện tày trời, làm mất danh tiết, không thể chấp nhận được, do đó họ bị dẫn đi khắp làng để bêu xấu, bị cạo đầu bôi vôi rồi thả trôi sông… chịu những hình phạt vô cùng nghiệt ngã do lễ giáo phong kiến.
|
Tranh minh họa. |
Tuy nhiên, trên phương diện quản lý nhà nước, mặc dù chuyện chửa hoang bị phản đối quyết liệt nhưng pháp luật vẫn đặt ra các quy định khác nhau về vấn đề này, có sự cân nhắc nặng nhẹ về mặt tình tiết, điều kiện, hoàn cảnh để xử lý sao cho hợp tình hợp lý.
Quy định ít nhiều tiến bộ đó thể hiện sự nhân đạo, minh bạch trong pháp luật nhà Hậu Lê và còn có đóng góp của các danh nhân, văn thần nổi tiếng mà Lương Thế Vinh là một người trong số đó.
Trong sách Hồng Đức thiện chính thư có đoạn cho biết việc Trạng nguyên họ Lương dâng sớ lên vua Lê Thánh Tông đề xuất cách xử lý chuyện “không chồng mà chửa” như sau:
“Nhà nọ có cô con gái, đóng cửa kén chồng. Cô ta mới lớn, xuân tình phát triển, một hôm gặp anh học trò, muốn kết thành vợ chồng mà không dám tỏ tình. Khi đó có người hàng xóm nghèo khổ, cô ta trong bụng không ưng nhưng tình dục khó át đi, bèn thông dâm với người đó dẫn đến có thai.
Cha mẹ cô ta biết chuyện bèn tra hỏi cô gái. Cô ta thấy việc không thể giấu, đành kể thực tình. Cha mẹ cô ta tức giận vì thấy người kia nghèo khổ, bèn vu cho anh học trò và phát đơn kiện. Người học trò đó khai rằng:
Không hề có chuyện đó, chính cô ta thông dâm với người hàng xóm nghèo khổ, xin bắt anh ta đến để đối chất. Quan khám án căn cứ vào luật phán xử rằng: Việc người con gái thông dâm xảy ra nơi kín đáo, lại không khám nghiệm được, khó mà có bằng cớ, ý muốn là không có bằng cớ để xử theo pháp luật.
Nhưng trong đơn kiện trình đã có dấu tích, cô gái có thai chính là bằng chứng. Quan khám án bèn bắt cả hai người phải thề, người học trò đồng ý thề, còn người hàng xóm nhất định không chịu thề.
Quan lại tra hỏi người nào thông dâm với thị, lúc đó thị mới khai thực là anh hàng xóm. Nhưng việc này xử là anh hàng xóm vu vạ cho anh học trò, về lý phải chịu tạ tội, anh hàng xóm phải trị tội nặng, song chiếu theo điều luật, có điều đúng và có điều chưa đúng, nên sự khốc hại lại càng thậm tệ.
Nay thần là Lương Thế Vinh, xét trong luật nhà Minh có nói rằng: Xét về tình không có dấu tích, nên dễ vu oan, nếu không bắt được quả tang thì việc đó không có bằng cớ và chỉ là lời khai người nào đó thông dâm với mình.
Nếu lời khai không có bằng chứng thì đều không xét tội. Gian phụ có thai thì ở phía gian phụ là có bằng chứng, mà ở phía nam phu lại không có bằng chứng, chỉ có thể xử gian phụ cái tội thông gian… Căn cứ vào những điều đó, kính cẩn tâu xin ban bố điều lệ để thi hành”.
Trên cơ sở những tấu trình của quan Trạng Lương Thế Vinh, vua Lê Thánh Tông xét thấy cần ban bố một số quy định về vấn đề “nhạy cảm” này nhằm chấn chỉnh phong hóa, giữ gìn nền nếp gia phong, đạo đức xã hội nên vào năm Bính Thân (1476) niên hiệu Hồng Đức thứ 7, đã ra chiếu lệnh với cách xử lý những sự việc liên quan như sau:
“Nếu là thông dâm thì phạt đánh 80 trượng. Có chồng mà thông dâm thì phạt đánh 90 trượng; dụ dỗ, tán tỉnh người khác thông dâm, phạt đánh 100 trượng, lưu đày 3000 dặm.
Thông dâm với trẻ nhỏ từ 12 tuổi trở xuống thì tuy là thuận tình nhưng vẫn xử theo tội cưỡng dâm, tội thông dâm và tội dụ dỗ người khác thông dâm, nam nữ cùng tội như nhau.
Những đứa trẻ do thông dâm mà sinh ra là trai hay gái đều bắt gian phu phải nuôi dưỡng, gian phụ thì tùy cho người chồng gả hay bán, hoặc người chồng vẫn giữ lại làm vợ thì cũng cho phép.
Nếu gả bán gian phụ cho gian phu thì người chồng và gian phu mỗi người bị phạt đánh 80 trượng, gian phụ phải li dị trở về nhà mình, tài sản thì bị tịch thu sung công.
Trường hợp cưỡng dâm thì đàn bà, con gái không bị xử tội. Những kẻ môi giới, chứa chấp làm nơi thông dâm, đều bị xử tội giảm một bậc so với kẻ phạm tội thông dâm. Nếu thỏa thuận riêng với kẻ thông dâm thì cũng bị xử tội, giảm một bậc.
Nếu không bắt được quả tang, không có bằng chứng hoặc không chỉ ra được thủ phạm thì không được xử tội. Nếu gian phụ có thai, không tìm ra được thủ phạm thì không được gán tội cho người khác, nếu vi phạm điều này sẽ bị xử tội “thêm bớt tội cho người”.
Lương Thế Vinh (1441-1495) tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Vụ Bản, Nam Định), từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, rất giỏi tính toán, không sách nào không đọc, am tường nhiều việc… Là một người đầy tài năng nên xung quanh cuộc đời Lương Thế Vinh được bao phủ bằng nhiều thuyết lạ.
Theo Phunutoday