“Cơ cấu trí khôn”, “Trí khôn phi học đường” và “Trí khôn không sáng tạo” được đánh giá là ba cuốn sách hấp dẫn và cực hữu ích về tâm lý giáo dục của tác giả Howard Gardner.
|
Tác giả Howard Gardner. |
Ba cuốn sách đều được NXB Tri thức xuất bản, phát hành.
|
Ba cuốn sách hấp dẫn của Howard Gardner về tâm lý giáo dục. |
Ở
cuốn “Cơ cấu trí khôn” (Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn), Howard Gardner đã giúp chúng ta có một cách nhìn tâm lí học vào trí khôn con người. “Cái trí khôn người đó không thể được nhận ra theo lối suy đoán, áng chừng đã đành. Nó lại càng không thể là cái kết quả "khoa học", hiện ra thành một con số tròn sau vài giờ đồng hồ đo nghiệm, nhất là lại chỉ "test" với cây bút và tờ giấy. Và nếu như, trong phạm vi nhỏ nào đó, các kết quả đo nghiệm tâm lí học có đúng với "thực tế", thì cũng cần lí giải vì sao nó đúng. Dĩ nhiên, ngược lại, nếu con số IQ sai với thực tế, thì cũng cần lí giải vì sao lại sai”. Howard Gardner giúp chúng ta làm công việc lí giải đúng sai đó.
|
Sách "Cơ cấu trí khôn" - Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn. |
“Trong lời mở đầu cuốn sách Giáo dục đạo đức (Éducation morale), nhà xã hội học Pháp Emile Durkheim viết: “Bởi vì, trong tư cách nhà sư phạm chúng ta sắp bàn tới chuyện giáo dục đạo đức, nên có lẽ chúng ta cần thiết phải cùng nhau thống nhất cách hiểu về khái niệm sư phạm”. Suy từ đó ra, có lẽ cũng có thể nói như sau chăng: hễ đã bàn về chuyện sư phạm, thì chắc chắn thế nào chúng ta cũng phải bàn về tâm lý học.
Trong việc thực hiện chiến lược con người, không thể thiếu vắng những hiểu biết Tâm lí học. Vì một lẽ dễ hiểu: bất kì trẻ em nào trên con đường trưởng thành để tham gia tích cực vào nguồn lực xây dựng đất nước, đều không thể không đi qua cánh cửa giáo dục. Cánh cửa giáo dục đó mở ra với người công dân bé nhỏ nếu không sớm hơn được thì cũng phải từ khi em lọt lòng. Vì thế mà Tâm lí học có tầm quan trọng lớn lao đối với mỗi người chịu trách nhiệm sự nghiệp giáo dục, từ bậc làm cha mẹ đến thầy giáo và cô giáo ở nhà trường (nhất là trường Mẫu giáo và Tiểu học). Các nhà giáo dục chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đó suy cho cùng đều phải đụng tới một vấn đề cốt lõi: trí khôn. Các bà đỡ đó sẽ giúp trí khôn con em mình hình thành và phát triển ra sao, sẽ giúp trí khôn đó nảy nở hay làm nó thui chột, sẽ nhìn nhận và tác động vào trí khôn đó một cách tỉnh táo hay ảo tưởng, những điều đó hệ trọng vô cùng.
Trong khi đó, ở cuốn “Trí khôn phi học đường” (Tư duy của trẻ trước tuổi đi học và nhà trường theo đó nên dạy thế nào?) Gardner lại cho thấy: Ở hầu hết mọi người học đều tồn tại dai dẳng một trí khôn “phi học đường”của đứa trẻ lên 5 đang vùng vẫy đòi thoát ra ngoài để tự bộc lộ”.
|
Trong cuốn "Trí khôn phi học đường", tác giả Gardner phân tích tư duy của trẻ trước tuổi đi học và nhà trường theo đó nên dạy thế nào. |
Gardner mở đầu cuốn sách “Trí khôn phi học đường” bằng việc nêu ra hai câu hỏi “khó hiểu” rất quan trọng, liên quan đến việc học tập của con người: tại sao trẻ em, trong những năm đầu của cuộc đời, có thể học nói, học hát, tập đi xe đạp, nhảy múa và học hỏi để thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác mà không cần tới một sự giáo dục chính thức? Và tại sao cũng những đứa trẻ ấy khi đến trường đôi khi lại gặp phải nhiều khó khăn trong học tập? Ngay cả khi những học sinh này tỏ ra nắm vững những kiến thức đã được truyền thụ, Gardner vẫn cho rằng sứ mệnh giáo dục chưa được hoàn thành một cách trọn vẹn. Ông dẫn ra những nghiên cứu cho thấy, hầu hết học sinh hay sinh viên chưa có được những hiểu biết chính xác và thực sự sâu sắc về những khái niệm và những kiến thức “đã học”.
Và để kết thúc cuốn “Trí khôn phi học đường”, Gardner đã dẫn một câu nói của nhà soạn nhạc người Nga thế kỉ XX Igor Stravinsky: “Càng bị nhiều ràng buộc áp đặt, mỗi người lại càng phải tự mình giải phóng chính mình khỏi những xích xiềng cùm trói tinh thần.
Còn với cuốn “Trí khôn sáng tạo” (Mổ xẻ trí khôn sáng tạo qua cuộc đời của Freud, Einstein, Picasso, Stravinsky, Eliot, Graham và Gandhi) Gardner lại thực hiện công việc khảo sát tiến trình sáng tạo của 7 danh nhân thuộc 7 lĩnh vực trí khôn khác nhau: Freud, Einstein, Picasso, Stravinsky, Eliot, Graham và Gandhi để rút ra những đặc điểm của tính sáng tạo của các cá nhân trong mối quan hệ giữa tư chất bẩm sinh, ảnh hưởng gia đình, quan hệ nghề nghiệp, xã hội và chính trị.
|
Cuốn “Trí khôn sáng tạo” có nội dung hấp dẫn, mổ xẻ trí khôn sáng tạo qua cuộc đời của Freud, Einstein, Picasso, Stravinsky, Eliot, Graham và Gandhi. |
Sức sáng tạo của các thiên tài chính là niềm kiêu hãnh của con người trước tạo hóa. Bởi không chỉ dừng lại ở việc định nghĩa cái đã biết, họ còn có thể tìm ra cái chưa biết ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau: từ thiên văn, vật lý, sinh học, tâm lý học, nghệ thuật v.v… Bởi vậy, sáng tạo là quyền năng-cũng là vẻ đẹp độc đáo nơi con người.
Những con người sáng tạo thường có đặc trưng là ngay từ thuở nhỏ đã không bị áp đặt về mặt nhận thức, cũng như không bao giờ bị bó buộc với một câu trả lời duy nhất cho mọi câu hỏi. Con người sáng tạo cũng luôn giữ trong mình đôi mắt trẻ thơ và thường sẽ buộc phải lớn lên trong bầu không khí nghiêm khắc, quy củ (sự đè nén này tạo nên sức phản kháng sôi sục, tiền đề cho tính sáng tạo). Bản thân họ cũng có những nhược điểm như khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ đồng thời hiếm khi đạt đến sự phát triển đồng đều các năng lực như người bình thường.
Ngoài ra, trong qua trình nghiên cứu, những người sáng tạo còn có không ít đặc điểm cần được tiếp tục làm rõ như tình trạng “thỏa thuận Faust”- sức sáng tạo có sự kết nối đặc biệt với những cảm hứng xuất thần và những người sáng tạo chấp nhận sự đánh đổi sức khỏe, thời gian, các mối quan hệ, vật chất để tìm kiếm ý tưởng.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận tầm quan trọng của trí khôn sáng tạo cũng như những người sáng tạo trong diễn trình phát triển của nhân loại. Nhờ trí tưởng tượng, lòng nhiệt huyết mà con người mới ngày càng trở nên hoàn thiện để mở rộng giới hạn của bản thân hơn…
“Trí Khôn Sáng Tạo” thực sự là một trong những cuốn sách có uy tín và hấp dẫn về tâm lý học giáo dục. Sách có giá trị tham khảo quan trọng trong thời kỳ giáo dục Việt Nam đang chuyển đổi căn bản từ giáo dục mang tính áp đặt sang nền giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, phát huy trí sáng tạo của người học.
Howard Gardner là Giáo sư Tâm lý học Nhận thức và Tâm lý học Giáo dục bậc Cao học tại Khoa Giáo dục của Đại học Harvard (Quỹ John Hobbs and Elisabeth A. Hobbs). Ông được trao nhiều phần thưởng, trong đó có Giải MacArthur năm 1981. Năm 1990, ông là người Mỹ đầu tiên nhận Giải Grawemeyer về Giáo dục của Đại học Louisville. Năm 2000, ông được nhận Giải Guggenheim. Gardner đã viết hàng trăm bài nghiên cứu và 30 cuốn sách (được dịch ra hơn 30 thứ tiếng).