Chiều ngày 23/6, Giáo sư sử học Phan Huy Lê đã qua đời tại bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tim, hưởng thọ 85 tuổi. Cùng điểm lại những nét chính về sự nghiệp của nhà sử học gạo cội Việt Nam.
Truyền thống gia đình và con đường lịch sử
Giáo sư sử học Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học của xứ Nghệ.
Cả bên nội, ngoại của ông đều là những dòng họ khoa bảng nổi tiếng với những danh nhân văn hoá lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy... Cụ thân sinh ông là tiến sĩ Phan Huy Tùng, một vị quan nổi tiếng thanh liêm, nhân hậu trong triều đình Huế.
|
Cố Giáo sư Phan Huy Lê. Ảnh: Hoàng Long. |
Năm 1952, chàng trai 18 tuổi Phan Huy Lê rời quê hương ra học Dự bị Đại học ở Thanh Hoá. Tại đây, vị Giáo sư tương lai có cơ hội được tiếp xúc với những trí thức cách mạng hàng đầu của đất nước. Vốn có năng khiếu và ham mê khoa học tự nhiên, ông từng định theo học ngành Toán – Lý. Nhưng nhận ra ở ông tố chất của một người có khả năng tư duy về lịch sử, xã hội, các bậc tiền bối là Giáo sư Trần Văn Giàu và Giáo sư Đào Duy Anh đã hướng ông vào học Ban Sử - Địa Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 1956, ông tốt nghiệp cử nhân, sau đó ông được nhận chức danh Trợ lý giảng dạy Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1958, khi mới 24 tuổi, ông đã trở thành chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại.
Từ năm 1988 ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch hội Sử học Việt Nam cho đến năm 2015.
Viết sử để góp sức xây dựng và bảo vệ tổ quốc
Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Phan Huy Lê đã để lại cho đất nước hàng trăm công trình nghiên cứu lớn nhỏ. Các công trình của ông tập trung vào hai lĩnh vực chính, thứ nhất là nghiên cứu về kinh tế - xã hội, thứ hai là lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc
Ở lĩnh vực kinh tế - xã hội, Giáo sư Phan Huy Lê quan niệm: Kinh tế - xã hội là cơ sở nền tảng của toàn bộ lịch sử, nước ta là một nước nông nghiệp nên nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam truyền thống không thể không bắt đầu từ nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Các tác phẩm tiêu biểu ông viết cho lĩnh vực này là “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ", "Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn" và các bộ địa bạ Hà Đông, Thái Bình, Hà Nội…
Ở lĩnh vực lịch sử chống ngoại xâm, Giáo sư Phan Huy Lê được coi là nhà nghiên cứu đầu ngành với một số lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu và tổng kết sâu sắc. Tác phẩm tiêu biểu của ông ở lịnh vực này là "Khởi nghĩa Lam Sơn", "Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam", "Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc", "Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288"...
Những công trình của Giáo sư Phan Huy Lê ở hai lĩnh vực trên là những sự đúc kết lịch sử quan trọng, đóng góp thiết thực về lý luận cho sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ tổ quốc.
|
Một số đầu sách của Giáo sư Phan Huy Lê. |
Ông chia sẻ về di sản lịch sử của tiền nhân: "Đất nước ta không rộng lớn lắm, lịch sử không để lại những công trình kỳ vĩ như Kim tự tháp, Vạn lý trường thành..., nhưng ông cha ta đã tạo dựng, lưu giữ và truyền lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một di sản thật vô giá với giang sơn tươi đẹp, đa dạng được lao động của con người khai phá, điểm tô; với những trang sử xây dựng và bảo vệ đất nước gian truân, hào hùng; với một kho tàng văn hoá phong phú và những giá trị truyền thống tiêu biểu cho sức sống và bản sắc dân tộc.
Đó chính là cội nguồn sức mạnh trường tồn của dân tộc, là nội lực lớn lao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, của công cuộc phục hưng dân tộc. Mỗi khi biết trân trọng, kế thừa và phát huy sức mạnh tiềm tàng đó, dân tộc ta có thể vươn lên đón nhận và hấp thụ mọi tinh hoa của thời đại, của các nền văn minh trong khu vực và trên thế giới mà vẫn giữ vững cốt cách, bản sắc dân tộc".
Hoàng Sa – Trường Sa trong sự nghiệp Giáo sư Phan Huy Lê
Giáo sư Phan Huy Lê đã có nhiều công trình nghiên cứu nhằm khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam bằng các chứng cứ lịch sử không thể bác bỏ. Tác phẩm tiêu biểu của ông ở đề tài này là cuốn “Châu bản triều Nguyễn những chứng cứ lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa Trường Sa”.
Trong tác phẩm, thông qua việc nghiên cứu 18 tờ Châu bản kết hợp với những tư liệu lịch sử đương thời, Giáo sư Phan Huy Lê đã chứng minh rằng từ thế kỷ 17, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và chính quyền các chúa Nguyễn rồi Tây Sơn đã thực sự nắm quyền quản lý và thực thi chủ quyền. Sang thời Nguyễn, các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này được tổ chức đều đặn và nâng lên một trình độ mới.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, trong những năm gần đây, với tư cách Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giáo sư Phan Huy Lê đã vận động không ngừng nghỉ cho việc đưa những kiến thức lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình học chính thức của nhà trường ở Việt Nam.
Về vấn đề này, ông đã chia sẻ với báo chí: “Lịch sử dân tộc không có gì khác hơn là cuộc sống của cộng đồng cư dân, cộng đồng các dân tộc diễn ra trong không gian và thời gian. Không gian địa lý đó chính là lãnh thổ của quốc gia - dân tộc. Vì vậy, theo tôi, chủ quyền biển, đảo cần gắn với lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của quốc gia. Đó là một nội dung của lịch sử dân tộc. Trong nội dung này cần đặc biệt chú ý đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa vì tính thời sự và yêu cầu trang bị hiểu biết khoa học kịp thời cho thế hệ trẻ. Nội dung này phải có trong sách giáo khoa môn sử của cả nước, không riêng một địa phương nào”.