Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Từ nhỏ, ông đã có chí khí khác thường, không ham danh lợi mà chỉ mong lập công cho non sông. Ông là một trong những danh tướng nhà Trần, nổi tiếng với những chiến công chống lại quân xâm lược Mông-Nguyên vào thế kỷ 13. Ông xuất thân là một nông dân, nhưng đã được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phát hiện và đào tạo, trở thành một vị tướng văn võ song toàn, có tài chỉ huy và dũng mãnh chiến đấu. Ông cũng là một nhà thơ có tài, để lại nhiều bài thơ ca ngợi quê hương, tự do và anh hùng.
Trong 1 lần Hưng Đạo Đại Vương có việc quân qua vùng đất Phù Ủng, khi đó Phạm Ngũ Lão đang đan sọt ngoài đường, mải nghĩ về cuốn sách Binh thư nên không biết quan quân đến. Một người lính dùng giáo xuyên vào đùi ông, nhưng ông vẫn không hề có phản ứng gì. Hưng Đạo Đại Vương thấy vậy liền trò chuyện sau đó sai người lấy thuốc đắp vết thương cho ông rồi dò hỏi xem ông có quan tâm đến việc quân Nguyên Mông sắp tiến vào Đại Việt. Đồng thời hỏi Phạm Ngũ Lão về binh thư và ông đều trả lời rành mạch. Ngay lúc đó, Hưng Đạo Vương đã mở lời chiêu mộ ông về dưới trướng mình.
Được rèn cặp dưới trướng Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão trưởng thành, phát huy được những sở trường để trở thành vị tướng tài năng kiệt xuất, lập được nhiều chiến công. Năm 1285, khi giặc Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão đương giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, trấn giữ vùng Ải Bắc, đã đem quân phối hợp với các cánh quân của Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản đánh cho giặc đại bại ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, chém đầu Toa Đô và khiến chủ tướng giặc là Thoát Hoan phải bạt vía.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1287), Phạm Ngũ Lão đánh úp khiến quân của Thoát Hoan không thể chạy thoát. Chủ tướng phải trà trộn vào đám tàn quân mới thoát về nước và không dám đặt chân lên Đại Việt thêm lần nào nữa.
Phạm Ngũ Lão, viên hổ tướng mà giặc Nguyên Mông phải khiếp sợ, khi đó mới ngoài 30 tuổi. Những năm sau đó, ông còn được triều đình giao chỉ huy nhiều trận đánh. Ông nhiều lần dẫn quân trừng phạt sự xâm chiếm của Ai Lao và Chiêm Thành. Trận đánh nào ông cũng giành chiến thắng nên được gọi là vị tướng bách chiến bách thắng.
Không chỉ là tướng giỏi khi ra trận, Phạm Ngũ Lão còn rất tài tình trong làm thơ. Ông đã sáng tác nhiều bài thơ bằng chữ Hán, thể hiện tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và tinh thần anh hùng. Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông đó là Thuật hoài (Tỏ lòng).
Năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất ở Thăng Long. được triều đình truy tặng là Điện úy Thượng tướng quân và có miếu thờ ở Hà Nội. Ông cũng được dân gian kính trọng và tôn sùng là một vị anh hùng dân tộc. Nhiều nơi đã đặt tên đường phố, công trình theo tên ông để ghi nhớ công lao của ông.