Không đổ rác ngày mồng Một
Phong tục này xuất phát từ câu chuyện của người Trung Quốc. Truyện kể rằng ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó. Bởi vậy, người Việt Nam quan niệm nếu đổ rác ngày mồng Một thì cũng hết tài lộc của gia đình.
|
Ảnh minh họa. |
Không cho lửa đầu năm
Lửa tượng trưng cho màu đỏ, cho sự may mắn nên vào những đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác.
Không cho nước đầu năm
Nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi ”Tiền vào như nước”. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, mát lành
Không đi chúc Tết sáng mồng Một
Người Việt Nam thường tránh đi chúc Tết sáng đầu năm vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mồng một Tết người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.
Không làm đổ vỡ đồ dùng
Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kị.
Không tranh cãi, bất hòa
Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.
Không mặc quần áo màu đen- trắng
Với người Việt Nam, màu đen- trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo nhiều màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.
Không vay mượn đầu năm
Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ.Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.
Kiêng gặp gái, người vía dữ
Theo quan niệm dân gian, ra đường gặp gái hay người dữ vía là điều không may, đặc biệt là vào ngày mùng 1 đầu tháng.
Đối với những người có việc phải đi làm ăn xa hay người kinh doanh, buôn bán, họ rất kỵ ra đường gặp đàn bà hay người vía dữ. Họ quan niệm, gặp gái và người vía dữ đầu tháng sẽ khiến việc buôn bán cả tháng đó không thuận lợi.
Để xua đuổi sự xúi quẩy này, nhiều người thường đi vào lại nhà sau khi gặp gái. Thậm chí, có người phải hẹn gặp một người có tính cách cởi mở, hay gặp may vào đầu tháng khi ra ngoài ngõ.
Kiêng đi thăm phụ nữ đẻ
Những người làm ăn, buôn bán cho rằng họ đi thăm bà đẻ thì vận may trong công việc làm ăn của họ sẽ biến mất nhanh chóng nên thường họ chờ cho đứa bé đầy tháng và chọn dịp cuối tháng mới đến thăm.
Các tài xế cũng rất kiêng kỵ đi thăm gái đẻ, bởi họ quan niệm sẽ gặp nhiều vận hạn, xui rủi, làm ăn thất bát, tai nạn...
Đối với những người có bầu: Các cụ cho rằng, nếu bà bầu đi thăm bà đẻ thì con sẽ ganh nhau (em bé của bà đẻ và em bé trong bụng của bà bầu), đến lúc bà bầu đẻ con ra nó sẽ bị sài đẹn (ốm đau quặt kẹo).
Ngoài ra người ta còn kiêng nói những lời mang ý nghĩa xui xẻo, kiêng đi chúc tết khi trong nhà đang có tang, kiêng xuất hành ngày mùng 5…