Theo phong tục dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng được xem là ngày vía Thần Tài, là ngày cầu tài lộc, may mắn cho gia chủ. Ngày này đặc biệt quan trọng với những người làm ăn kinh doanh. Ngoài việc chuẩn bị lễ vật, dâng cúng Thần Tài, chuẩn bị lễ cúng thành tâm, dân gian còn chú ý tới những điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài.
Tượng Thần Tài và Ông Địa không được tẩy uế sạch trước khi bắt đầu lễ cúng
Cần lau sạch bụi bẩn tẩy uế bằng nước hoa bưởi hoặc nước gừng để làm sạch.
Khăn dùng tắm rửa cho tượng Thần Tài và Ông Địa không được dùng làm việc khác, sau khi lau tắm rửa 2 tượng sạch sẽ nên lau khô lại rồi mới bắt đầu làm lễ cúng.
Tuyệt đối không được để 2 tượng vẫn còn ướt mà tiến hành cúng bái.
Bên cạnh đó bàn thờ và các đồ cúng của Thần Tài nên được lau dọn sạch sẽ, không được để nhiễm bụi bẩn.
Đặt bàn thờ Thần Tài ở nơi không sạch sẽ
Bàn thờ cúng Thần Tài Thổ Địa cần được đặt ở nơi sạch sẽ, cấm kỵ đặt ở những nơi ô uế như nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà tắm, nơi phơi đồ,.. dễ bị thần linh quở trách.
Không nên đặt bàn thờ Thần Tài ở lối đi lại ồn ào không thanh tịnh trong việc thờ cúng.
Không nên đặt bàn thờ Thần Tài nhìn ra hướng: Đông Bắc, Tây Nam
Nói tục, tranh cãi trong ngày cúng vía Thần Tài
Vào ngày Thần Tài, cũng không nên nói tục, chửi bậy, tranh cãi hoặc nói lời to tiếng với nhau. Dân gian quan niệm Thần Tài là vị thần chuyên quản Tài - Phúc - Phú - Quý mang đến sự sung túc, tài lộc và may mắn. Việc nghênh đón Thần Tài đầu năm bằng những hành động như sắm lễ, dọn dẹp nhà cửa đều có nhiều ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân. Ngày này rất quan trọng, vì thế mọi người đều cố gắng giữ không khí vui vẻ, có như vậy việc kinh doanh mới thuận lợi, phát tài phát lộc.
Dùng đèn nháy hay bóng đèn điện thay cho đèn dầu, nến
Ban thờ Thần Tài không dùng đèn nháy, bóng đèn điện mà dùng đèn dầu, nến. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ dân gian, không có lý giải cụ thể. Nhưng từ lâu đã áp dụng như vậy, dần dần trở thành thông lệ.
Mặc quần áo hở hang không nghiêm túc
Không chỉ trong ngày vía Thần Tài mà việc mặc quần áo hở hang thiếu chỉnh tề nghiêm túc khi cúng bái là một điều cấm kỵ cần tránh. Khi ăn mặc như thế được cho rằng không tôn trọng thần linh dễ bị quở trách.
Khi cúng bái nên mặc trang phục gọn gàng, sạch sẽ, nghiêm chỉnh không rách rưới, xuề xòa để thể hiện sự tôn trọng của mình với thánh thần.
Đồ vật trên bàn thờ Thần Tài lộn xộn không đúng vị trí
Việc thờ cúng Thần Tài cần được lưu tâm trong việc sắp xếp vị trí các vật thờ cúng không được để lung tung.
Tượng Thần Tài để ở bên trái bàn thờ, bên phải là Tượng Ông Địa, chính giữa đặt bát nhang. Ba hũ gạo, muối và nước sẽ được đặt chính giữa hai ông cùng với mâm hoa quả ở bên trái, bình bông ở bên phải.
Đem lộc cúng Thần Tài cho người ngoài
Một số gia đình có thói quen sau khi cúng xong sẽ mang chia lộc cúng cho người khác trong ngày vía Thần Tài đây là điều cấm kỵ.
Người ta cho rằng nếu mang cho người ngoài không phải người thân trong nhà đồng nghĩa với việc lộc sẽ đi hết ra ngoài.
Ngoài ra để tránh bị thần linh quở trách không nên sinh sự, nói tục chửi bậy đánh nhau trong ngày vía Thần Tài dù trước hay sau làm lễ.