Hôn nhân giữa vua Bảo Đại và cô Nguyễn Hữu Thị Lan được lưu lại qua một số tư liệu, sách vở. Cuốn Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ mới phát hành của Nguyễn Vĩnh Nguyên ghi lại buổi gặp lãng mạn, mở ra nhân duyên của vị vua cuối cùng.
|
Sách Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ. Ảnh: NXB Trẻ.
|
Cuộc gặp lãng mạn
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy lên ngôi vua năm 1925 khi 12 tuổi, lấy hiệu Bảo Đại, sau đó quay lại Pháp tiếp tục du học. Năm 1932, ông về nước. Mùa đông năm ấy, ông gặp người con gái phương Nam, sau này trở thành Nam Phương hoàng hậu.
Cuốn sách mô tả chi tiết cuộc gặp vào một chiều muộn mùa đông năm 1932, giữa tiết trời Đà Lạt se lạnh. Họ gặp nhau tại Langbian Palace - khách sạn xa hoa bậc nhất thành phố.
Khung cảnh thơ mộng với “lác đác những khóm hoa đêm dưới ánh đèn vàng mờ ảo sương khói”, “nội thất hoa mỹ của Langbian Palace ít nhiều gợi nhớ những bữa tiệc tối của giới quý tộc Paris”.
Tại đại sảnh, giữa ánh đèn nến lung linh, tiếng nhạc dìu dặt, toàn quyền Pasquier giới thiệu với Bảo Đại một tiểu thư, ái nữ của điền chủ Nguyễn Hữu Hào, cô Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan.
Nguyễn Hữu Thị Lan khi ấy là “cô gái 18 tuổi, dáng mảnh khảnh, dung nhan toát ra vẻ sang cả, hiền từ”. Gia đình cô có dinh thự lớn ở Đà Lạt và cô vừa mãn khóa ở Pháp, trở về Việt Nam.
Ban đầu còn dè dặt, sau đó, cô gái 18 tuổi và vị hoàng đế trưởng thành tại Pháp nhanh chóng làm quen, chuyện trò theo phong thái của những người trẻ lớn lên ở phương Tây.
Vẻ dịu dàng, kín đáo, lối ăn mặc, trang điểm nhẹ, cô gái không giấu hết vẻ ngượng ngùng. Bảo Đại đã mời cô khiêu vũ trong tiệc tối hôm ấy.
Nam Phương Hoàng hậu sau đó trả lời trên báo chí về buổi gặp. Thị trưởng Đà Lạt đã mời ông Lê Phát An (cậu của bà) đến dự tiệc chiêu đãi. Bà do dự không muốn đến, nhưng vợ chồng cậu thuyết phục nên bà thuận theo.
Tại đại lễ đường, Nguyễn Hữu Thị Lan đi cùng bà Charles (vợ của Jean Francoise Eugene Charles, gia đình giám hộ Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy trong thời gian du học ở Pháp) đến bái yết nhà vua.
“Sau lần gặp đầu tiên đó, chúng tôi thỉnh thoảng gặp lại nhau để tâm tình. Marie Thérèse rất thích thú nói về những ngày du học bên Pháp. Chúng tôi gặp gỡ trong tình yêu âm nhạc và các môn thể thao. Cô có vẻ đẹp yểu điệu của người miền Nam”, Bảo Đại viết trong hồi ký.
Vị vua trẻ say mê vẻ đẹp của người con gái hiền dịu: “Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê”.
Chưa đầy hai năm sau, vua Bảo Đại và tiểu thư phương Nam kết hôn. Hôn lễ được Bảo Đại kể lại: “Ngày cưới là 20/3/1934. Đám cưới được cử hành trước triều đình và các đại diện của Pháp. Đó là một vấn đề mới mẻ, vì từ xưa đến nay chưa bao giờ như vậy. Tôi cũng có quyết định tấn phong ngay cho vợ, tước hiệu là hoàng hậu, sau khi cưới, điều mà từ xưa, mẫu thân tôi chỉ được phong sau khi phụ hoàng đã băng hà”.
“Tôi tấn phong cho vợ là Nam Phương Hoàng hậu, có nghĩa là hương thơm của miền Nam, đồng thời cũng theo một sắc dụ, tôi cho phép hoàng hậu được mặc áo màu vàng da cam, vốn chỉ dành riêng cho hoàng đế”.
|
Quốc trưởng Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu tiếp Tổng thống Pháp Vincent Auriol và phu nhân năm 1953. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
|
Sắp đặt hay tình yêu?
Có nhiều ý kiến khác nhau quanh hôn nhân của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Báo giới và nhiều người ngợi ca cặp giai nhân tài tử này thật đẹp đôi, có nhiều nét tương đồng khi cùng ăn học lâu năm ở Pháp.
Tuy vậy, trong cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam (NXB Phụ Nữ), tác giả tác giả Daniel Grandclément cho rằng: “Chính quyền Pháp đã ấp ủ vun đắp cuộc tình duyên này… Ông Charles hẳn nghĩ rằng người phụ nữ đoan trang này sẽ có sức nặng trong bộ óc của vị quân vương trẻ tuổi”.
Dù vậy, Daniel Grandclément vẫn nhận định: “Cuối cùng và trên hết, cặp uyên ương hài lòng thấy ước nguyện của họ đã đạt. Tình yêu của họ đối với nhau là có thực, chắc chắn quan trọng hơn những tính toán chính trị”.