Lam Sơn - Lam Kinh là vùng đất thiêng, quê hương vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh trong mười năm ( 1418 – 1427) trường kỳ, gian khổ.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế ở Đông Đô ( Thăng Long, Hà Nội), lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều cực thịnh, “ quốc thái dân an” trong lịch sử phong kiến Việt Nam, triều đại Hậu Lê kéo dài 360 năm.
Trong cuốn “ Di tích lịch sử Lam Kinh”, năm 1430 vua Lê cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Tây Kinh (hay Lam Kinh), sau khi mất (1433) Lê Thái Tổ được an táng tại quê hương Lam Sơn. Sau khi nối ngôi, vua Lê Thái Tông tiếp tục xây dựng điện Lam Kinh ngày một quy mô, bề thế.
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây, Khu di tích Lam Kinh được công nhận là khu di tích Quốc gia năm 1962, đến năm 2012 được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Nằm trong khuôn viên rộng 200ha, bên trong khu di tích hiện vẫn lưu giữ những di tích, dấu tích, giá trị lịch sử, văn hóa…
Theo “Lịch triểu hiến chương loại chí”, điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên nước non xanh biếc, rừng rậm um tùm, Vĩnh Lăng của vua Lê Thái Tổ, Hựu Lăng vua Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê lăng nào cũng có bia…
Bên cạnh một số di tích lịch sử quý giá như Chính điện Lam Kinh, bia Vĩnh Lăng, Lăng mộ vua Lê Thái Tổ, thềm rồng, lăng vua Lê Thái Tông, sân rồng, lăng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao… khu di tích hiện còn cây “ổi cười” mang dáng rồng, được trồng từ năm 1933.
Theo lời kể của các cụ bô lão sống xung quanh Khu di tích Lam Kinh, cây “ ổi cười” đặc biệt này được ông Trần Hưng Dẫn (quê Nam Định) cung tiến năm 1933, do hiếm muộn đường con cái, ông Dẫn đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ, sau này vợ ông có thai và sinh được quý tử.
Để tỏ lòng thành kính, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và một cây ổi trồng trong khu lăng mộ.
|
Nhiều người thích thú khi chạm tay vào cây ổi “ biết cười” trong khuôn viên điện Lam Kinh, Thọ Xuân. Ảnh: Trung Lê. |
Một cán bộ khu di tích cho hay, cách đây hơn 11 năm, Bộ Khoa học & Công nghệ đã có nghiên cứu quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, song đến nay vẫn chưa có kết quả. Du khách mỗi lần có dịp tham quan Khu di tích đều rất ấn tượng với cây “ổi phì cười” độc nhất vô nhị này.
Cây ổi mang hình dáng rồng, chiều cao 3m, các cây, nhánh tỏa đi bốn hướng, thân cây sần sùi uốn lượn như rồng, phía dưới có chỗ lồi, lõm, gốc cây phủ rêu.
Điều đặc biệt ở chỗ, khi chạm nhẹ tay vào thân cây ổi thì các đầu lá rung rinh, rung lắc, nhắm mắt lại đầu óc cảm thấy lâng lâng, quay cuồng…
Cây ổi rất lạ, sinh trưởng chậm, quả chỉ to hơn ngón tay cái, nhưng cho trái quanh năm, khi chín tỏ mùi thơm, thường được dâng lên mộ vua.
|
Gốc cây ổi sần sùi, lỗ chỗ cực khó hiểu. Ảnh: Trung Lê. |
Ngoài cây ổi, trong khuôn viên di tích còn có cây sui 500 năm tuổi, cây đa - thị có tuổi đời trên 300 năm, nằm phía Tây Nam sân rồng của điện Lam Kinh. Không rõ từ bao giờ cây đa tự phát triển, ôm trọn cây thị trở thành một gốc hai ngọn: vừa đa vừa thị, màu nào thì cho quả ấy, nên dân gian hay gọi cây Đa - Thị. Hiện cây thị đã chết, còn lại cây đa. Hai loài cây ấy là cây Di sản Việt Nam.
|
Du khách thích thú chụp ảnh dưới cây đa 300 năm tuổi. Ảnh: Trung Lê. |
|
Cây sui 500 năm tuổi. Ảnh: Trung Lê.
|
Đến với điện Lam Kinh, người dân còn được truyền tay nhau câu chuyện về cây lim “hiến thân” kỳ lạ.
Cây lim cổ thụ, cao nhất nhì rừng núi Lam Kinh, được người dân địa phương gọi là cây lim “cò” vì trước đây cò hay về đậu. Điều kỳ lạ, tháng 10/2010 cung điện chuẩn bị khởi công, cây lim đang xanh tốt bất ngờ trút lá chết khô.
Đáng nói, sau khi hạ, thân cây lim hoàn toàn đặc ruột ( trong khi đặc tính của thân lim thường hay rỗng) rất hợp để làm trụ cột. Và rồi, cây lim bỗng dưng trở thành vật liệu để làm đủ bộ cột, gồm: cột cái, cột quân, cột góc, thượng lương phục vụ lễ phạt mộc, khởi công tháng 10/2010.
Đến nay, không ai lý giải được sự trùng hợp ngẫu nhiên đó, dường như cây lim có tuổi đời 600 năm tuổi này sinh ra để phụ dựng Chính điện Lam Kinh…
Hàng năm, cứ vào ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 ( giỗ Lê Lợi), tháng 8 Âm lịch, người dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội Lam Kinh để tưởng nhớ công lao của cha ông, Hoàng triều Lê tộc…