Theo cuốn Ngọc Lịch Sao Truyện, Mạnh Nguyệt Nương còn có tên gọi khác là Mạnh Bà, sống vào thời kì Tây Hán. Mạnh Nguyệt Nương vốn xuất thân khuê các, từ nhỏ đã được học nhiều loại sách của Nho Gia, tới khi lớn lên đã chuyên tâm niệm tụng các loại kinh Phật.
Sinh thời, Mạnh Bà đã sống như người tu hành, ăn chay, không sát sinh, cư xử phải đạo. Chính vì vậy, đến năm 81 tuổi bà vẫn trông như 1 thiếu nữ và vẫn còn trinh trắng, người đời đã gọi bà với tên gọi là Mạnh Bà A Nãi. Suốt 49 năm tu luyện trong núi Võ Đang, làm huynh muội với 1 vị thần tinh tú của Đạo gia, là Chân Đại Đế, cuối cùng bà đã đắc đạo thành tiên.
Ảnh minh họa
Mạnh Bà được Ngọc Hoàng giao nhiệm vụ đảm bảo tất cả những linh hồn sắp được chuyển kiếp đầu thai sẽ phải được uống Canh Mạnh Bà để không còn nhớ rõ về kiếp trước của mình như thế nào, cũng như những gì mình đã trải qua ở Âm phủ. Tránh việc con người vẫn sinh lòng sân si, thù hận.
Canh Mạnh Bà là gì?
Mỗi một người trong dương gian đều có một cái chén của mình đặt tại âm gian. Chiếc chén này hứng đựng từng giọt nước mắt chảy suốt một đời của họ. Nước mắt của yêu-hận-tình-thù, của danh-lợi-tình khi còn sống.
Khi qua cầu Nại Hà, Mạnh Bà hỏi có uống canh không. Nếu không uống thì không qua được cầu, không được đầu thai chuyển kiếp. Nhờ có bát canh đó mà chúng ta quên hết hỉ nộ, ái ố của cuộc đời từ những kiếp trước để bắt đầu lại một cuộc đời mới tươi đẹp hơn.
Đó là lý do vì sao người ta đến trong cuộc đời này mà chẳng hề nhớ gì về những đời trước. Đó cũng là lý do những đứa trẻ có đôi mắt thơ ngây, trong sáng như thiên thần vì trong tâm trí chúng hoàn toàn trống rỗng.
Tuy vậy, những truyền thuyết kể về Mạnh Bà và canh Mạnh Bà không ai có thể chứng minh được thực hư ra sao. Dân gian vẫn thường lưu truyền 1 câu chuyện như vậy, những người yêu nhau còn tin rằng: “Qua cầu Nại Hà không uống canh Mạnh Bà. Để kiếp sau còn nhớ, kiếp sau còn mãi đi tìm” để hẹn ước với nhau, để hứa với nhau một mối tình chung thủy.