Thái hậu đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là ai?
Tuyên Thái Hậu vốn chỉ là một phụ nữ địa vị khá thấp trong hậu cung của Tần Huệ Vương. Bà là người nước Sở và nhiều sử liệu cho thấy, bà chỉ là một người thiếp của Tần Huệ Vương.
Trong triều đại của Tần Huệ Vương, Tuyên Thái Hậu được gọi là Tú Bát Tử, đây không phải là tên gọi mà là một tước hiệu.
|
Tuyên Thái Hậu vốn là ái thiếp của Tần Huệ Vương. |
Trong hậu cung của các triều Tần, cấp bậc tước hiệu được chia làm 8 bậc gồm: Hoàng hậu, phu nhân, mỹ nhân, lương nhân, bát tử, thất tử, trưởng sử, thiếu sử. Như vậy, tước hiệu bát tử của Tuyên Thái Hậu hoàn toàn không cao.
Mặc dù địa vị không cao nhưng Tuyên Thái Hậu là mỹ nhân rất được Tần Huệ Vương sủng ái. Chỉ cần nhìn số lượng con cái mà Tuyên Thái Hậu sinh cho Tần Huệ Vương thì cũng đủ rõ.
Trong triều đại phong kiến, hậu cung luôn là chốn bạt ngàn mỹ nữ, việc một phụ nữ được hoàng đế sủng hạnh một đêm thôi cũng là rất khó.
Thế nhưng, dù cấp bậc trong hậu cung không cao, song Tuyên Thái Hậu lại sinh cho Tần Huệ Vương tới ba người con trai. Điều này đủ chứng tỏ sự sủng ái mà Tần Huệ Vương dành cho Tuyên Thái Hậu.
Tuy nhiên, con trai đầu của Tú Bát Tử là Doanh Tắc đã bị đưa tới nước Yên làm con tin. Nước Yên tuy là nước nhỏ, cũng không phải là nước sát cạnh nước Tần, càng không thể nói tới chuyện đối kháng với Tần.
Vậy vì sao nước Tần lại để một vương tử của nước mình tới Yên làm con tin? Nguyên nhân có lẽ chỉ có một. Đó là vì vương hậu của Tần Huệ Vương vì quá ghen ghét với người phụ nữ được ông ta sủng ái, nên mới đưa đứa con trai do cô ta dứt ruột đẻ ra tới nước Yên làm con tin để trả thù.
Sau khi Tần Huệ Vương qua đời, con trai trưởng là Tần Vũ Vương lên ngôi. Tuy nhiên, Tần Vũ Vương lại là kẻ “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Những người được Tần Vũ Vương trọng dụng cũng chẳng khác với phẩm chất của ông ta là bao.
Lịch sử luôn ẩn chứa những điều thần kỳ như vậy. Nếu như vị Tần Vũ Vương này chỉ sống thêm 2 năm nữa, toàn bộ lịch sử nước Tần có thể đã khác. Tuy nhiên, lúc này ông trời đã quyết định đem “thiên mệnh” giao cho nước Tần.
Ngồi trên ngai vàng chưa ấm chỗ, Tần Vũ Vương đã chết. Đó là vào năm 307 trước Công nguyên. Cái chết của Tần Vũ Vương khá hài hước.
Sách “Sử ký” có chép: “Tần Vũ Vương và một đại lực sĩ tên là Mạnh Thuyết thi xem ai có thể nâng chiếc đỉnh khỏi mặt đất, không may đỉnh rơi, gẫy xương mà chết”.
Vương hậu của Tần Vũ Vương là một người phụ nữ nước Ngụy. Không may, vương hậu này không sinh cho Tần Vũ Vương người con trai nào.
Cũng không thấy sử sách có ghi chép những về những người con do những phi tần khác sinh cho Tần Vũ Vương. Không có con nối dõi, đương nhiên nhưng người anh em của Tần Vũ Vương sẽ trở thành những ứng cử viên sáng giá cho chiếc ngai vàng.
Con trai của Tần Huệ Vương tổng cộng có bao nhiêu người, chúng ta không biết được, tuy nhiên, từ số lượng con mà Tuyên Thái Hậu sinh cho Tần Huệ Vương thì cũng đủ biết là không ít.
Ngai vàng luôn luôn là thứ thịt ít sói nhiều, muốn có được nó đương nhiên phải bỏ ra không ít công sức. Cơ hội luôn dành cho những người biết chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.
Lúc bấy giờ, có hai nhóm người có sự chuẩn bị: Một nhóm chính là vợ và mẹ của Tần Vũ Vương. Họ rất nhanh chóng đề xuất đưa công tử Tráng làm vua. Một nhóm khác chính là nhóm lợi ích do Tuyên Thái Hậu là người đứng đầu.
Tuyên Thái Hậu ngay từ đầu đã nhìn thấy Tần Vũ Vương ngồi trên ngai vàng không ổn, sớm muộn gì cũng xảy ra chuyện, trong khi đó, con trai do mình sinh ra đều đang ở độ tuổi tráng niên, rất có thể trở thành những người tranh đoạn ngai vàng. Vì vậy, Tuyên Thái Hậu ngay từ rất sớm đã có sự chuẩn bị kỹ càng.
Đầu tiên, Tuyên Thái Hậu bí mật liên hệ với nước Yên và Triệu để hai nước này mang quân bao vây bên ngoài tạo thanh thế cho mình.
Sau đó, đề xuất đưa con trai cả của mình là Doanh Tắc từ nước Yên trở về lên ngôi. Nước Triệu không hề biết việc này sau đó sẽ khiến toàn bộ nước Triệu bị diệt vong.
Ở bên trong, lực lượng của Tuyên Thái Hậu hoàn toàn dựa vào thế lực của người em cùng mẹ khác cha của mình là Ngụy Nhiễm. Kết quả không nằm ngoài dự kiến, Doanh Tắc được đưa từ nước Yên trở về và lên ngôi.
Cuộc chiến tranh giành vương vị ở nước Tần kéo dài trong suốt 3 năm kết thúc bằng phần thắng nghiêng về phe Tuyên Thái Hậu.
Những người chiến thắng là những người có trọn niềm vui, còn những người thất bại đương nhiên là những người phải chịu thảm kịch đau đớn nhất. Công tử Tráng, Huệ Văn Hậu cho tới những vương tử khác của Tần Huệ Vương đều bị Ngụy Nhiễm giết sạch.
Ngay cả Vũ Vương Hậu cũng bị đuổi về nhà mẹ đẻ ở nước Ngụy. Còn Ngụy Nhiễm, nhờ có công lao giúp Tuyên Thái Hậu đưa con trai lên ngôi vương đã được phong làm Tướng quân.
Còn Doanh Tắc, vốn là một vương tử bị đẩy sang nước Yên làm con tin, nay trở thành Tần vương, sử sách gọi là Tần Chiêu Tương Vương.
Còn Tú Bát Tử - Tuyên Thái Hậu, từ một người thiếp hạng hai trong hậu cung, nay trở thành bà thái hậu quyền lực nhất của cường quốc phía tây Trung Quốc.
Chuyện ngoại tình hy hữu của Tuyên Thái Hậu
Chuyện kể rằng, thời bấy giờ, Nghĩa Cừ Vương, thủ lĩnh nước Hung Nô quy phục triều Tần. Tuy nhiên sau khi Chiêu Tương Vương lên ngôi, Nghĩa Cừ Vương tỏ ra kiêu ngạo, không coi Chiêu Tương Vương ra gì, có ý đồ phản lại triều Tần.
Trong tình huống lúc bấy giờ, bên ngoài là 6 nước luôn dòm ngó chờ đợi nước Tần sơ hở, bên trong triều chính vẫn chưa ổn định, nếu như người Hung Nô nổi dậy chống lại nước Tần thì chắc chắn rằng nước Tần không diệt vong cũng kiệt quệ.
Trong tình thế đó, Tuyên Thái Hậu đã có 1 quyết định mà cho tới nay các sử gia lẫn những kẻ hậu thế vẫn còn chì trích không ngớt: Tư thông với Nghĩa Cừ Vương. Đây không phải là chuyện tình 1 đêm dù là vì mục tiêu chính trị hay thỏa mãn dục vọng.
Ngược lại đó là 1 sự hy sinh mang ý nghĩa lâu dài. Bởi lẽ, sau những cuộc dan díu ấy, Tuyên Thái Hậu đã có với Nghĩa Cừ Vương tới 2 người con.
Mối quan hệ giữa Tuyên Thái Hậu và Nghĩa Cừ Vương kéo dài trong thời gian rất lâu. Cho tới khi triều đình nước Tần bắt đầu ổn định và vững mạnh trở lại, Tuyên Thái Hậu bắt đầu tìm cách lật mặt với người tình của mình.
Đầu tiên, Tuyên Thái Hầu lừa Nghĩa Cừ Vương tới cung Cam Tuyền. Nghĩa Cừ Vương và Tuyên Thái Hậu là tình nhân trong suốt nhiều chục năm, vì vậy, Nghĩa Cừ Vương hoàn toàn không có chút nghi ngờ nào về tình cảm và Tuyên Thái Hậu dành cho mình. Tuy nhiên, trong hiện thực, đôi lúc tình cảm khó mà tin cậy được.
Đợi chờ Nghĩa Cừ Vương ở cung Cam Tuyền không phải là cuộc hoan lạc như những lần gặp trước mà ngược lại là cái chết đau đớn.
Tuyên Thái Hậu ra lệnh cho binh sĩ phục vụ bên ngoài, đợi khi Nghĩa Cừ Vương vừa tới là xông ra giết ngay.
Hành động này của Tuyên Thái Hậu chứng tỏ, bà ta đối với Nghĩa Cừ Vương hoàn toàn không có chút tình cảm nào, tình nghĩa đương nhiên lại càng không.
Về 2 người con mà Tuyên Thái Hậu sinh cho Nghĩa Cừ Vương, sử sách cũng không hề ghi chép lại, không biết số phận ra sao. Nhiều người nói rằng, 2 người con đó đều bị Tuyên Thái Hậu giết chết cùng với Nghĩa Cừ Vương.
Có người lại nói, hổ dữ cũng không ăn thịt con, Tuyên Thái Hậu không thể nào giết con do mình đẻ ra cho dù có thù ghét cha chúng đến thế nào.
Tuy nhiên, thời bấy giờ, nước Tần nổi tiếng là “đất nước lang sói”, người nước Tần nổi tiếng là những kẻ nghiêm khắc và tàn nhẫn. Việc Tuyên Thái Hậu giết 2 người con của Nghĩa Cừ Vương do mình sinh ra cũng không phải là không có khả năng.
Nghĩa Cừ Vương chết, mối lo bị tấn công từ sau lưng của nước Tần được loại bỏ. Nước Tần nhanh chóng quay trở lại với mục tiêu lớn hơn: Thống nhất Trung Quốc.
Nhãn quan kiệt xuất của Tuyên Thái Hậu
Lúc bấy giờ, đại cục nước Tần về cơ bản đã ổn định, nhưng trên thực tế thì nước Tần vẫn chưa thoát khỏi tình thế nguy hiểm.
Bởi lẽ, các nước chư hầu đều chăm chú theo dõi mọi động thái của nước Tần và nước Tần có nguy cơ phải đối mặt với sự hợp tác của các nước chư hầu còn lại nhằm chống lại mình.
Để tránh được nguy cơ này, Tuyên Thái Hậu đã thực hiện kế hoạch dùng hôn nhân để tạo liên minh rất táo bạo. Tuyên Thái Hậu lệnh cho Chiêu Tương Vương lấy công chúa nước Sở làm vương hậu, đồng thời gả một công chúa nước Tần cho nước Sở.
Tiếp đó, Tuyên Thái Hậu tìm mọi cách để giữ mối quan hệ với hai nước Triệu và Yên. Nhờ vậy, tình thế nước Tần dần dần ổn định trở lại, thoát khỏi cơn nguy hiểm.
Trong các vấn đề nội bộ, Tuyên Thái Hậu sẵn sàng sử dụng những thế lực ngoại thích, những người thân cận với mình về mặt huyết thống, bất chấp mọi lời ra tiếng vào.
Do Sở Hoài Vương tiến cử, Tuyên Thái Hậu đã để một người cùng họ với mình tên là Thọ đảm nhiệm chức tể tướng triều Tần. Ngụy Nhiễm tiếp tục được thăng quan, nắm giữ toàn bộ lực lượng quân đội, tước phong Nhương Hầu (nay là huyện Trịnh, Hà Nam), sau đó lại phong thêm cả Đào Ấp (nay là Định Đào, tỉnh Sơn Đông).
Ngoài ra, một người em cùng cha khác của Tuyên Thái Hậu là Mễ Nhung cũng được phong Hoa Dương Quận, đất phong ban đầu là Cao Lăng, tỉnh Thiểm Tây, sau đổi phong làm Tân Thành Quân, đất phong ở huyện Mật, tỉnh Hà Nam.
Công tử Thị được phong làm Kinh Dương Quân, đất phong ở Kinh Dương, tỉnh Thiểm Tây, sau đó đổi đất phong về Nam Dương, Hà Nam. Công tử Khôi được phong làm Cao Lăng Quân, đất phong ở Cao Lăng, Thiêm Tây, sau đó lại đổi đất phong về Yển Thành, Hà Nam.
Nhiều người cho rằng, Tuyên Thái Hậu dùng người chỉ dựa vào thân thích, mục đích là nhằm củng cố và mở rộng thế lực của mình trong triều đình. Thực tế không hẳn như vậy.
Xem những nơi đất phong cho con cháu, anh em của Tuyên Thái Hậu có thể thấy, những vùng đất đó không phải là vùng đất thuộc lãnh thổ nước Tần mà là những vùng đất đánh chiếm được.
Những huyện Trịnh, Nam Dương, Yển Thành đều là những vùng đất nước Tần cướp được của nước Hàn từ năm 310 tới năm 291 trước Công nguyên.
Còn huyện Mật là vùng đất triều Tần cướp được của nước Sở vào năm 300 trước Công nguyên. Đất Định Đào của Sơn Đông thì vốn là đất của nước Tề.
Cướp đoạt đất đai thực tế chỉ là bề mặt. Sự lợi hại của Tuyên Thái Hậu chính là việc bà ta rất coi trọng nhân tài. Chẳng hạn như Vũ An Hầu Bạch Khởi chính là nhân tài do Ngụy Nhiễm đề bạt.
Kỳ thực, lúc bấy giờ nếu như không có được Tuyên Thái Hậu coi trọng và cất nhắc thì có lẽ Bạch Khởi mãi mãi chỉ là một anh lính quèn dưới trướng của Ngụy Nhiễm mà thôi.
Tuyên Thái Hậu sau đó cũng tiếp thu truyền thống sử dụng các nhân sĩ trí thức nước ngoài của các bậc tiền bối nước Tần, rất muốn thu hút càng đông nhân tài nước ngoài tới Tần. Người đầu tiên Tuyên Thái Hậu nhắm tới chính là con trai thứ của Tề Tuyên Vương – Mạnh Thường Quân.
Muốn mời được một người như Mạnh Thường Quân tới nước Tần làm tướng quốc, đương nhiên nước Tần phải bỏ ra một số vốn không hề nhỏ.
Đầu tiên, Tuyên Thái Hậu ra lệnh cho con trai mình là Kinh Dương Quân tới nước Tề làm con tin để đổi Mạnh Thường Quân tới Tần.
Kinh Dương Quân không chút suy tư lên đường vì nghĩ rằng, mình có mẹ và một nước Tần mạnh mẽ ở sau lưng, đến một nước nhỏ như nước Tề thì chẳng có gì phải e sợ, chỉ giống như đi du lịch vậy thôi.
Tuy nhiên, khi tới nước Tề Kinh Dương Quân mới biết rằng người nước Tề vốn không dám giữ Kinh Dương Quân ở lại làm con tin. Sau khi ăn uống tiệc tùng, du ngoạn khắp nơi ở nước Tề, Tề Vương đã để cho Mạnh Thường Quân và Kinh Dương Quân cùng nhau trở về nước Tần.
Tuy nhiên, tuy nhiên, những môn khách của Mạnh Thường Quân thì khuyên ông ta không nên tới nước Tần, cho rằng chuyến đi này lành ít dữ nhiều. Mạnh Thường Quân nghe theo lời kiến nghị của họ. Vì vậy, lần đầu tiên đi nước Tần của Mạnh Thường Quân không thành.
Ban đầu, nước Tần mời Mạnh Thường Quân tới chắc chắn là có thành ý mời ông ta tới làm tướng quốc. Vì vậy, khi nước Tần lần thứ hai mời Mạnh Thường Quân, ông ta đã đồng ý.
Tuy nhiên, có lẽ lần thứ hai này Tuyên Thái Hậu đã qua đời, cho nên sau khi Mạnh Thường Quân tới nước Tần lần thứ hai thì mới xảy ra nhiều biến cố.
Đầu tiên là cuộc tranh cãi trong nội bộ nước Tần. Có người nói với Chiêu Tương Vương rằng: Mạnh Thường Quân là người hiền nhưng lại mang họ Tề, nay làm tướng quốc nước Tần, tất sẽ đặt nước Tề lên trước rồi mới tính cho nước Tần, như vậy thì nước Tần chẳng nguy lắm hay sao?
Chiêu Tương Vương nghe xong, nghĩ rằng kiến nghị này có lý, nên khi gặp Mạnh Thường Quân không những không nhắc tới chuyện cất nhắc làm tướng quốc mà còn tìm cách giam lỏng Mạnh Thường Quân, thậm chí còn muốn giết ông ta.
Mạnh Thường Quân và Kinh Dương Quân quan hệ với nhau rất tốt. Khi Kinh Dương Quân biết được ý đồ của Chiêu Tương Vương đã đem mọi chuyện nói lại với Mạnh Thường Quân.
Mạnh Thường Quân nghe xong hồn siêu phách lạc, vốn nghĩ rằng mình tới nước Tần để làm quan to, nay lại bị người khác tìm cách giết, chỉ hận không nghe theo lời khuyên can của các môn khách của mình.
Kinh Dương Quân bày cho Mạnh Thường Quân một kế là tới tìm Yên Cơ, một sủng thiếp của Chiêu Tương Vương để nhờ giúp.
Mạnh Thường Quân nhờ người giúp đỡ, cuối cùng cũng đã gặp được Yên Cơ. Yên Cơ là một người thiếp yêu của Chiêu Tương Vương, được ông vua này rất sủng ái, do vậy, nếu thuyết phục được Yên Cơ thì Mạnh Thường Quân vẫn còn cơ hội.
Rất may cho Mạnh Thường Quân là sau đó, Yên Cơ cũng chấp nhận thỉnh cầu của ông ta. Tuy nhiên, Yên Cơ biết rằng, khi Mạnh Thường Quân tới Tần đã tặng cho Chiêu Tương Vương một chiếc áo lông cáo trắng ngàn năm tuổi vì thế, Yên Cơ nói rằng mình sẽ giúp Mạnh Thường Quân với điều kiện cũng phải tặng cho mình một chiếc áo như vậy.
Mạnh Thường Quân lúc này bị đẩy vào thế khó. Chiếc áo lông cáo trắng ngàn năm trên đời này chỉ có một, lại đã tặng cho Chiêu Tương Vương rồi thì bây giờ lấy đâu ra tặng cho Yên Cơ?
Đúng lúc chưa biết giải quyết thế nào thì một môn khách của Mạnh Thường Quân đã vào kho của hoàng cung nước Tần, đánh cắp chiếc áo mà Mạnh Thường Quân đã tặng cho Chiêu Tương Vương đưa cho Mạnh Thường Quân.
Người phụ nữ thường khiến cho trí óc đàn ông giảm sút, đặc biệt là đối với những người đàn ông yêu họ. Yên Cơ nhanh chóng thuyết phục được Chiêu Tương Vương để Mạnh Thường Quân về nước Tề.
Sau khi Mạnh Thường Quân ra khỏi kinh thành nước Tần, mang theo các môn khách của mình chạy về phía Hàm Cốc Quan. Lúc bấy giờ đầu óc của Chiêu Tương Vương đột nhiên hồi phục lại trạng thái bình thường.
Làm sao có thể thả cho Mạnh Thường Quân về nước dễ dàng như vậy được? Những môn khách của Mạnh Thường Quân đều là những dị nhân, sẽ có hại đối với nước Tần sau này. Nghĩ thế, Chiêu Tương Vương hạ lệnh đuổi theo bắt Mạnh Thường Quân lại.
Mạnh Thường Quân chạy tới Hàm Cốc Quan thì trời đã tối. Theo quy định lúc bấy giờ chỉ khi nào trời có tiếng gà gáy sớm thì cửa thành mới mở, người dân mới được ra khỏi cổng thành.
Đúng lúc tình thế nguy nan, phía trước là cổng thành khép kín, phía sau là quân đội Tần đang đuổi sát gót thì xuất hiện một người có biệt tài làm giả tiếng gà gáy.
Những người gác cổng thành chẳng phân biệt trời sáng hay tối, theo thói quen, cứ có tiếng gà là dậy mở cổng thành. Mạnh Thường Quân và đoàn môn khách của mình vui mừng rời khỏi nước Tần.
Thực tế, việc Mạnh Thường Quân tới nước Tần là kiến nghị của Tuyên Thái Hậu, cũng thể hiện tầm nhìn xa của bà, giúp nước Tần có thêm một hiền tài khó kiếm.
Tuy nhiên, do Tuyên Thái Hậu đã chết trước khi Mạnh Thường Quân đặt chân đến Tần khiến Chiêu Tương Vương đã phá hỏng cơ hội hiếm có này. Đây là một điều đáng tiếc đối với nước Tần.
Bởi lẽ nếu như nước Tần có được Mạnh Thường Quân thì cái họ có được không chỉ là một đầu óc trí tuệ mà là cả một đội ngũ hoàn hảo. Nếu như có được đội ngũ này, thì việc thống nhất Trung Quốc của nước Tần có lẽ sẽ tiến nhanh hơn nhiều.
Đáng tiếc là Chiêu Tương Vương lại không có được nhãn quan của mẹ mình. Cũng đáng tiếc là đội ngũ hoàn hảo của Mạnh Thường Quân sau khi rời khỏi nước Tần cũng không phát huy được bao nhiêu tác dụng ở nước Tề.