Mất giang sơn vì thói trăng hoa
Cuối triều Lý, trong cung đình xảy ra một sự biến lớn liên quan đến chuyện tình ái. Số là Lý Long Xưởng (sinh năm Tân Mùi 1151) là con trưởng của vua Lý Anh Tông, được Anh Tông lập làm Đông cung Thái tử. Tuy nhiên tính cách Long Xưởng chỉ ham chơi bời không lo học hành để đủ sức nối cơ nghiệp.
Theo các tài liệu sử sách, bản thân vua Lý Anh Tông cũng là một người nổi tiếng ăn chơi nhưng so với con trai là Long Xưởng thì vẫn còn kém xa. Không những ăn chơi, Long Xưởng còn hoang dâm vô độ và thậm chí loạn luân khi thông dâm cả với cung phi của vua cha.
|
Một mỹ nhân trong cung đình. Ảnh minh họa. |
Sách Đại Việt sử lược chép rằng: “Long Xưởng có tính hiếu sắc, trong cung có những cung nữ được vua yêu dấu, Long Xưởng đều tư thông với họ. Vua lại ghét Long Xưởng vô lễ. Bà Nguyên phi Từ thị được vua yêu, Hoàng hậu bèn sai Long Xưởng ngầm giở ngón tư tình để mê hoặc Từ thị, muốn cho bà Từ thị đó bị vua nhạt tình. Từ thị đem hết việc đó tâu vua, vua nhân đó mà giận dữ, phế Long Xưởng đi”.
Sử quan xưa cho những chuyện tình ái là chuyện không đáng chép vào sử sách cho nên đã không viết rõ mà chỉ chép đơn sơ vài dòng. Ở sách Đại Việt sử ký toàn thư thì nói thêm rằng sau khi bị phế làm thứ dân, Long Xưởng bị giam giữ một thời gian nhưng sau khi ra tù hắn lại tụ họp bọn bất lương cướp bóc bừa bãi và sau khi Lý Anh Tông chết đi, hắn còn âm mưu chiếm ngôi vua nhưng may nhờ có đại thần là Tô Hiến Thành giữ vững triều chính nên âm mưu bất thành.
Mất sạch gia sản vì “yêu vợ người”
Đời Trần, Trần Khánh Dư là một vị tướng cầm quân cũng có công lao trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Tuy nhiên, cuộc đời ông cũng bị một phen thăng trầm vì dính đến án ngoại tình.
Trần Khánh Dư nguyên là con trai của Thượng tướng Trần Phó Duyệt – một tông thất nhà Trần. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất, ông từng thấy giặc sơ hở nên cho quân vào đánh úp và được vua Trần khen là có mưu lược nên nhận làm con nuôi rồi sự nghiệp thăng tiến dần. Tuy nhiên giữa lúc sự nghiệp đang phát triển thì ông bị mất sạch sành sanh chỉ vì một vụ ngoại tình với người trong hoàng tộc.
|
Tranh minh họa tướng Trần Khánh Dư. |
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về việc đó như sau: “Lần trước, quân Nguyên vào cướp (ý nói cuộc xâm lược năm 1258 - ND), Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân thấy giặc sơ hở liền vào đánh úp. Thượng hoàng khen ông có mưu lược, nhận làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi). Sau đó, đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu kị Đại tướng quân.
Chức Phiêu kị tướng quân, nếu không phải là Hoàng tử thì không được phong, Khánh Dư là thiên tử nghĩa nam nên mới có lệnh ấy. Rồi từ trật Hầu, thăng mãi đến Tử phục Thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ. Sau, Khánh Dư thông dâm với Công chúa Thiên Thụy.
Bấy giờ, Hưng Vũ Vương Nghiễn vì là con trai của Quốc Tuấn nên được lấy Công chúa Thiên Thụy, lại có công đánh giặc, Vua sợ phật ý Quốc Tuấn nên vờ sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây nhưng lại dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau, xuống chiếu đoạt hết quan chức, tịch thu tài sản, không để lại cho một chút gì. Châu Chí Linh vốn là của riêng của Thượng tướng Trần Phó Duyệt nên Khánh Dư mới giữ lại được. Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”.
May cho Khánh Dư là sau đó xảy ra cuộc kháng chiến chống Nguyên lần 2, ông có dịp lập công chuộc tội và được phục hồi quan tước.
Sở dĩ nhà vua đã sai lính đánh mà lại còn dặn đánh nhẹ không đến nỗi chết là vì vua tiếc tài Khánh Dư mà thôi. Tuy vậy đối với riêng Khánh Dư mà nói, đang từ đỉnh cao sự nghiệp, chỉ vì ham mê thân xác nhất thời mà đến nỗi rơi vào cảnh “lên voi xuống chó”. Đây quả là một bài học đắt giá cho những người có máu ngoại tình đời sau.
Cho đến mất mạng
Nếu trước đó hơn 1 thế kỷ, Trần Khánh Dư đã bị vua cho người đánh vì tội ngoại tình thì đến cuối thời Trần, một vụ án tình với cách xử lý tương tự cũng đã xảy ra. Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 6 năm Đinh Hợi (1347), Bảo Uy Vương Hiến có tội bị đuổi ra làm Phiêu kỵ tướng quân trấn Vọng Giang, rồi bị giết ở sông Vạn Nữ, lộ Trường Yên”.
Vì sao Bảo Uy Vương đã được sai đi trấn thủ ở Vọng Giang mà lại còn bị giết ở sông Vạn Nữ, đoạn sau của sử ký toàn thư viết tiếp như sau: “Buổi đầu dựng nước, thuyền buôn nước Tống sang dâng người nước Tiểu Nhân, thân dài bảy tấc, tiếng như ruồi nhặng, không thông ngôn ngữ, lại dâng một tấm vải hỏa hoãn, giá mỗi thước ba trăm quan tiền, cất giữ nhiều đời làm của quý. Sau, đem may áo cho Vua (Trần Dụ Tông), vì cắt hơi ngắn nên Vua sai cất trong nội phủ.
Bảo Uy Vương tư thông với cung nhân và lấy trộm áo ấy. Một hôm, Bảo Uy mặc áo ấy vào trong, mặc thêm áo khác che ở ngoài rồi vào chầu, tâu việc trước mặt Thượng hoàng, ngờ đâu, tay áo trong lộ ra. Thượng hoàng trông thấy, có ý nghi bèn sai người kiểm xét lại, quả thấy áo quý cất giữ đã mất.
Người cung nhân (tư thông với Bảo Uy Vương) sai thị tì già đến nhà Bảo Uy Vương lấy áo đem về, rồi ngầm đem vào cung dâng trình. Thượng hoàng không nỡ giết, đuổi Bảo Uy ra làm quan ở trấn ngoài, nhưng lại sai võ sĩ đi thuyền nhẹ đuổi theo, trên sông Vạn Nữ (tức sông Trinh Nữ ở Yên Mô, Ninh Bình) thì kịp, giết chết Bảo Uy Vương, quăng xác vào bãi cát rồi về".
Số phận của người cung nữ đã tư thông với Bảo Uy Vương sau đó ra sao không thấy sử chép nhưng có lẽ cũng không thoát khỏi bị trừng phạt. Đến Bảo Uy Vương là tôn thất quý tộc mà còn bị “tử hình” thì một cung nữ khó có thể thoát khỏi sự trừng phạt vì tội “khi quân phạm thượng”.
Ba trường hợp kể trên dù ở các thời gian khác nhau và hoàn cảnh khác nhau nhưng kết cục thì giống nhau. Đó là khi dính đến chuyện ngoại tình cả ba người đều rước lấy những thất bại ê chề. Thái tử Long Xưởng mất cả giang sơn đáng lẽ được nhận, Trần Khánh Dư bị tịch thu gia sản và bị đánh suýt chết còn Bảo Uy Vương thì phải trả giá bằng tính mệnh. Thế mới biết kết cục của việc ngoại tình thật đắt giá thay.