Bảo Đại cưới Nam Phương Hoàng hậu do người Pháp sắp đặt?

Google News

Cuốn "Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng" đưa giả thuyết vị vua cuối nhà Nguyễn lấy Nguyễn Hữu Thị Lan là do bàn tay sắp xếp khéo léo, tinh vi của người Pháp.

Mới đây, cuốn sách Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang đã gây chú ý với độc giả khi cung cấp nhiều thông tin, sử liệu mới mẻ và thú vị về nhân vật đặc biệt này.

Vừa qua, cuốn sách thứ hai của cùng tác giả mang tên Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng cũng đã ra mắt. Cuốn sách không chỉ tập hợp khối lượng tư liệu đáng kể về vị vua cuối cùng của Việt Nam mà giống như sự quan chiếu thêm về Nam Phương hoàng hậu qua vua Bảo Đại và ngược lại.

Được sự đồng ý của Sài Gòn Books, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Bao Dai cuoi Nam Phuong Hoang hau do nguoi Phap sap dat?

Vua Bảo Đại tại Pháp năm 1932.

Triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại chỉ có hai người khi lên ngôi vua rồi mới cưới vợ là Vua Duy Tân và Vua Bảo Đại. Vua Duy Tân được chọn lên ngôi năm 1907 và ở ngôi được 10 năm thì lấy vợ.

Vua Duy Tân tuy tuổi còn trẻ nhưng nổi tiếng bởi có vua cha là Thành Thái (bị Pháp đày sang châu Phi). Lên ngôi, Vua Duy Tân không ăn chơi trác táng như những ông vua tiền nhiệm mà dốc tâm lo cho dân, cứu nước thoát khỏi chế độ thực dân của người Pháp.

Trong khi đó, Bảo Đại lại được người Pháp đào tạo tại mẫu quốc ngay từ khi còn nhỏ, được “tẩy não” để trở thành một ông vua thân Pháp, thi hành chính sách của người Pháp tại nước ta.

Khi từ Pháp trở về nước, Bảo Đại đã 19 tuổi và cứ như tập tục các vua đời trước thì ở vào tuổi này Bảo Đại đã phải có vợ rồi. Nhưng những người Pháp bảo hộ không muốn vậy, Bảo Đại chỉ có thể cưới vợ khi đến tuổi trưởng thành và người vợ đó cũng phải được người Pháp chấp thuận.

Mối tình chính trị

Vợ chồng Khâm sứ Charles là người được Pháp giao sứ mạng nuôi nấng Bảo Đại cho tới khi trưởng thành và chọn người phối ngẫu cho Bảo Đại. Họ đã chọn được một người con gái đất Nam Kỳ, gia đình giàu có, theo đạo dòng và là dân làng Tây. Cô gái đó chính là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào (tức Nguyễn Hữu Thị Lan).

Tất nhiên, không phải vợ chồng Khâm sứ Charles “chấm” nghĩa là có ngay mà phải lựa chọn khá lâu, đồng thời phải thỏa mãn nhiều yêu cầu khác nhau trong việc hệ trọng này.

Bảo Đại là một ông vua được đào tạo ở Pháp, đã hấp thụ nền văn hóa Pháp và nếp sống phương Tây, nay nếu về nước lấy người vợ thuần túy Việt Nam, con một vị quan trong triều, thì khó thích hợp.

Còn chọn một cô đầm trẻ, con một viên Khâm sứ, Thống sứ Pháp thì dễ nhưng chắc chắn sẽ bị triều đình và Hoàng tộc nước Nam phản đối và sẽ dẫn đến đổ vỡ trong việc trị nước.

Bao Dai cuoi Nam Phuong Hoang hau do nguoi Phap sap dat?-Hinh-2

Vua Bảo Đại thời trẻ.

Vợ chồng Charles đã tìm hiểu đất Thần kinh để xem có vị quan nào có con gái hội đủ tiêu chuẩn làm vợ Bảo Đại không, nhưng chọn mãi không có cô nào xứng hợp.

Người đẹp thì có, hiền thục cũng có nhưng học giỏi thì không, mà đa số các cô đều theo đạo Phật và có đầu óc bảo thủ coi vua như ông trời, bảo sao nghe vậy không dám có ý kiến hay phản đối.

Vợ chồng Charles sau đó nghĩ ngay đến đất Nam Kỳ khi xưa đã có những bà hoàng hậu được dân chúng kính mến như: bà Hồ Thị Hoa tức Tá Thiên Nhân Hoàng hậu, vợ của Vua Minh Mạng, hay bà Phạm Thị Hằng tức Từ Dụ Hoàng Thái hậu, vợ Vua Thiệu Trị.

Thế rồi, vùng đất Gò Công đã được họ đặc biệt chú ý. Gò Công có nhiều người được Pháp trọng vọng như: Đức Cha J. B. Nguyễn Bá Tòng là vị Giám mục tiên khởi của Việt Nam, rồi Đốc phủ Lê Quang Liêm đã từng du học bên Pháp và làm công cán ủy viên bên Pháp, kế tới có luật sư Vương Quang Nhường tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Pháp, có vợ là Lương Nhàn, con gái vua Thành Thái và gia đình ông Lê Phát Đạt (tức Huyện Sỹ) có cháu gái đang học bên Pháp là cô Nguyễn Hữu Thị Lan…

Nhưng có một vấn đề là ông Nguyễn Hữu Hào theo đạo Công giáo nên con gái không thể bỏ đạo theo chồng được, vẫn giữ đạo thì việc cúng tế Hoàng gia sẽ như thế nào vì giáo luật Công giáo thời đó cực kỳ khắt khe.

Hơn nữa phe phái Hoàng tộc rất bảo thủ, nếu Bảo Đại lấy vợ đất Nam Kỳ lại có đạo nữa là phá lệ. Nhưng chính phủ Pháp thời đó có mọi quyền quyết định việc triều chính của nước Nam nên việc chọn vợ cho Bảo Đại cũng chẳng có gì khó khăn.

Sau này cựu hoàng Bảo Đại có viết những dòng hồi ký để biện minh cho mối tình giữa mình và Nguyễn Hữu Thị Lan là do Bảo Đại yêu say mê Thị Lan thật sự nên đã chấp thuận cưới, dù bà Từ Cung và Hoàng tộc lúc đầu có phản đối. Bảo Đại còn nói rõ là mối tình giữa ông với Thị Lan không phải là mối tình “chính trị” do Pháp sắp đặt.

Nhưng dù có biện minh thế nào thì người trong và ngoài nước ai cũng thấy rõ như ban ngày là việc Bảo Đại gặp Thị Lan rồi đi đến hôn nhân là có bàn tay sắp xếp rất tinh vi và khéo léo của người Pháp, mà “ông tơ bà nguyệt” chính là vợ chồng cựu Khâm sứ Charles.

'Vô tình' cùng một chuyến tàu

Như chúng ta đã biết, Bảo Đại và Thị Lan “vô tình” cùng đi một chuyến tàu từ cảng Marseille trở về Việt Nam và cập bến tại Vũng Tàu rồi hai người tạm chia tay, hẹn nhau tại Đà Lạt.

Sau khi về Huế bái yết bà Từ Cung và ngồi ngai vàng ít ngày cho các quan trong triều tới bái yết, Bảo Đại lại được Toàn quyền và Khâm sứ Pháp dắt đi thăm mấy tỉnh miền Trung, cao nguyên… để cho dân ngắm long nhan một ông vua trẻ tuổi bảnh trai còn độc thân.

Sau chuyến kinh lý, Bảo Đại trở về Huế với vẻ mệt mỏi nên người Pháp đề nghị Bảo Đại dành một tháng lên Đà Lạt nghỉ ngơi “phục hồi ngọc thể”. Ở Đà Lạt, người Pháp đã xây nhiều biệt thự để cho các viên Toàn quyền, Khâm sứ… lên nghỉ mát và thêm vào đó còn có những ngôi biệt thự sang trọng của các nhà tư bản bản xứ như biệt thự của Huyện Sỹ, Nguyễn Hữu Hào…

Nếu nhà vua muốn chọn một biệt thự nào vừa ý để nghỉ ngơi thì người Pháp sẽ trưng dụng để Bảo Đại tạm ở trong ít tháng, trong khi chờ đợi họ xây dựng một biệt điện dành riêng cho Hoàng đế An Nam.

Bảo Đại đồng ý lên Đà Lạt nghỉ mát cùng với vợ chồng Khâm sứ Charles. Và cũng trong dịp này, gia đình Nguyễn Hữu Hào cũng lên Đà Lạt đổi gió nhân dịp Nguyễn Hữu Thị Lan ở Pháp về nghỉ hè.

Theo một bài phỏng vấn của báo chí Sài Gòn hồi cuối năm 1933 thì Hoàng hậu Nam Phương đã trả lời sau ngày lấy Bảo Đại như sau:

“… Cuộc hôn nhân giữa tôi và Hoàng thượng là một sự tình cờ. Vì hai người gặp nhau trong một bữa dạ hội ở Dinh Đốc lý Darles tại Thị xã Đà Lạt vào năm 1933. Lúc ấy tôi mới 20 tuổi, tôi không để ý gì đến Hoàng đế, nhưng Hoàng đế đã chú ý đến tôi…” (Báo Trong Khuê phòng, số tháng 3/1933).

Nhưng theo dư luận thì cuộc hội ngộ giữa Bảo Đại và Thị Lan trong buổi dạ tiệc có khiêu vũ với sự tham dự của nhiều quan to Pháp và Nam triều và những nhà tư sản tên tuổi như: Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh… là con của Lê Phát Đạt tức Huyện Sỹ. Buổi dạ tiệc được tổ chức theo ý Toàn quyền Pasquier, tham khảo ý vợ chồng Khâm sứ Charles và vợ chồng Denis Lê Phát An, vì An là cậu ruột của Thị Lan.

Ngoài Denis An ra, Thị Lan còn hai người cậu nữa là Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Thanh. Nhưng vì Denis An không có con nên đã coi Thị Lan như con và chăm sóc, nuôi nấng, cho ăn học từ khi còn bé ở trường Couvent des Oiseaux tại Pháp.

Bao Dai cuoi Nam Phuong Hoang hau do nguoi Phap sap dat?-Hinh-3

Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan đều học tại Pháp, từ tuổi tác, gia thế tới ngoại hình đều tương xứng.

Thời đó, không phải ai cũng có thể vào học trường này mà đòi hỏi phải có nhiều điều kiện: Thứ nhất, phải là con nhà khá giả, dư thừa tiền của, học phí đóng trước một năm, dù nội trú hay bán trú đều phải mặc âu phục đồng loạt theo mẫu nhà trường đưa ra.

Hằng năm, trong các dịp lễ lạt còn phải ủng hộ tiền bạc, hiện vật để gây quỹ cho nhà trường. Thứ hai, kỷ luật nhà trường rất khắt khe, học sinh toàn là nữ. Thứ ba, học sinh nhập học trường Couvent des Oiseaux phải học giáo lý hằng tuần do nhà trường giảng dạy và tham dự các lễ nghi Công giáo, học sinh không có đạo cũng phải tham dự.

Vì vậy đa số các học sinh của trường này đều là con nhà Công giáo, nếu không theo Công giáo thì sau một thời gian học ở trường này cũng xin nhập đạo vì họ đã được hấp thụ giáo lý Công giáo.

Denis Lê Phát An không có người con nào nên đã dồn tất cả tiền bạc cho các cháu ăn học, riêng Thị Lan thì được cưng hơn cả. Khi Thị Lan mới nhập học ở Pháp đã có một ông thầy tướng số người Tàu coi tướng và nói với Lê Phát An rằng Thị Lan là người phúc hậu, cổ có ba ngấn dù một mắt hơi lé, nhưng lại thuộc quý tướng, ngày sau sẽ trở nên phú quý giàu sang  bậc nhất.

Lê Phát An tuy không tin tưởng ở tướng số, bói toán nhưng cũng thấy khoái trong lòng vì có người nói tốt cho cháu mình, đồng thời cũng có hoài bão mong cho nhà họ Lê có được một người nên danh nên phận, làm vẻ vang dòng họ Lê.

'Trẫm cưới vợ cho trẫm'

Xứ Nam Kỳ thời đó nói về giàu có thì “nhứt Sỹ, nhì Phương”, song Huyện Sỹ giàu nhưng không có “danh” bằng Đỗ Hữu Phương, vì Phương còn là Tổng đốc của đất Nam Kỳ thuộc Pháp. Cho nên Lê Phát An nhất quyết nhờ cậy Toàn quyền Pasquier và Khâm sứ Charles để leo lên bậc thang danh vọng. Ông ta tự biết mình không có cơ hội nên phải trông nhờ vào cô cháu gái Thị Lan.

Lê Phát An đã bỏ ra nhiều tiền bạc để thúc đẩy Pasquier và Charles cho Thị Lan được kết duyên với Bảo Đại, qua đó nhà họ Lê sẽ kết thông gia với Hoàng tộc. Ý định đó cũng trùng hợp với thâm ý của người Pháp nên Toàn quyền Pasquier đồng ý ngay và hẹn sẽ sắp xếp một cuộc họp mặt giữa vợ chồng Pasquier, vợ chồng Charles và vợ chồng Denis Lê Phát An. Tất nhiên không thể thiếu hai nhân vật chính là Bảo Đại và Thị Lan.

Denis Lê Phát An còn ngỏ ý sẵn sàng chịu mọi phí tổn cho các buổi dạ tiệc và du ngoạn nếu có Bảo Đại tham dự.

Vậy là sau đó ít lâu, một buổi dạ tiệc đã được tổ chức tại biệt thự của Nguyễn Hữu Hào ở Đà Lạt với sự tham dự của đông đủ văn võ bá quan Pháp - Việt và cánh nhà giàu. Trong buổi dạ tiệc này, Bảo Đại và Thị Lan có dịp gặp lại nhau để trở nên thân mật hơn.

Đó là một giả thuyết. Lại có lời đồn đại khác về cuộc gặp gỡ giữa Bảo Đại và Thị Lan được Hoàng tộc tung ra như sau:

Gia đình Lê Phát An đã giàu nhưng lại có mộng lớn là trở thành người giàu nhất nước Nam và đồng thời cũng phải danh giá nhất nước. Kế hoạch của họ là liên kết với Toàn quyền Pháp lúc đó là Pasquier để ông này làm mối cho Bảo Đại lấy người cháu gái của An là cô Thị Lan.

Lúc đó, Thị Lan đang du học tại Pháp nên Denis An bay sang Pháp chơi và thăm cháu gái. Cứ mỗi dịp cuối tuần được nghỉ học, Thị Lan được cậu đánh xe tới trường Couvent des Oiseaux để đón cháu về nhà ăn cơm với gia đình.

Và trong một vài bữa cơm Denis An tổ chức ở nhà hoặc ở một nhà hàng sang trọng nhất nhì Paris, vợ chồng Denis An đều mời vợ chồng Pasquier và vợ chồng Charles tới dự, dĩ nhiên Denis An mời cả Bảo Đại cùng tới.

Vì vậy, lần nào vợ chồng Charles đi đều có Bảo Đại đi cùng. Trong bàn tiệc Bảo Đại được sắp xếp ngồi cạnh Thị Lan nên đôi sinh viên trai tài gái sắc dùng tiếng Pháp đàm thoại với nhau một cách tự nhiên. Rồi khi tiệc tàn có khiêu vũ thì Bảo Đại lịch sự mời Thị Lan ra nhảy một bản tango.

Nhưng bao giờ vợ chồng Pasquier và Charles cũng kiềm chế, không cho Bảo Đại được tự do quá mức mà buông lời tán tỉnh Thị Lan và luôn căn dặn Bảo Đại hãy nhớ mình là một ông vua đang du học, đừng để người ta khinh thường và đàm tiếu là “ông vua mê gái” thì ảnh hưởng danh tiếng của cả triều đình nước Nam. Cho nên Bảo Đại nhất nhất đều nghe lời vợ chồng Pasquier và Charles dặn dò.

Tới khi về nước, được gặp lại nhau ở Đà Lạt trong những tháng nghỉ hè, vợ chồng Charles thường đưa Bảo Đại tới sân quần vợt của Dinh Toàn quyền để Bảo Đại chơi ten-nít và mời cả vợ chồng Denis An cùng Thị Lan tới chơi.

Bảo Đại được ra sân đánh quần vợt với người đẹp thì còn gì bằng. Chính những buổi trên sân quần vợt này đã làm cho con tim Bảo Đại rung động và chẳng bao lâu sau Bảo Đại đã mạnh dạn ngỏ ý xin cưới Thị Lan làm vợ và hứa sẽ phong nàng làm Hoàng hậu sau khi cưới.

Trong hồi ký Le Dragon d’Annam của Bảo Đại cũng có đoạn viết:

“… Sau những buổi gặp gỡ trên sân quần vợt, trong các buổi dạ tiệc, dạ vũ, tôi có lại thăm M. J. Lan nhiều lần tại ngôi biệt thự sang trọng của gia đình họ Lê ở Đà Lạt.

Cô Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê và tôi cũng nhớ lại xưa kia đất Gò Công đã có người làm Hoàng hậu là bà Từ Dụ, thì nay tôi chọn người con gái thứ hai cũng ở đất Gò Công làm vợ chắc chẳng có gì trở ngại. Vì vậy, tôi ngỏ ý xin cưới M. J. Lan và cô đã đồng ý nhưng với điều kiện là gia đình cho phép".

Sau lời ngỏ ý trên, Bảo Đại về nói lại với Toàn quyền Pasquier và Charles để bàn định chuyện cưới cô Lan làm vợ. Vợ chồng Pasquier và Charles gặp vợ chồng Lê Phát An để xem thử gia đình họ Lê có đưa ra điều kiện nào không. Gia đình họ Lê quá mừng vì “cá đã cắn câu” nhưng vẫn đưa ra điều kiện như sau:

- Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu Chánh cung ngay ngày cưới.

- Được giữ nguyên đạo Công giáo và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật và giữ đạo. Riêng Bảo Đại vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.

- Phải được Tòa thánh La Mã đặc cách cho phép hai người lấy nhau, nhưng cả hai vẫn theo hai tôn giáo khác nhau, không ai có quyền ràng buộc ai".

Các điều kiện trên có một vài điểm hơi khó giải quyết vì nếu Bảo Đại có vợ, có con là người Công giáo thì sau này, ai sẽ là người thờ cúng Tiên đế và Hoàng gia? Nhưng Pasquier và Charles là hai người có quyền hơn Hoàng tộc, hơn triều đình, vì vậy Bảo Đại yên tâm là trở ngại này sẽ được giải quyết tốt đẹp…

Pasquier và Charles bảo Bảo Đại cứ về Huế thưa lại với bà Từ Cung xem sao, nếu không được thì Pasquier và Charles sẽ can thiệp hộ.

Bao Dai cuoi Nam Phuong Hoang hau do nguoi Phap sap dat?-Hinh-4

Dù hoàng thái hậu và vua quan nhà Nguyễn không tán thành, đám cưới giữa Bảo Đại và Thị Lan vẫn diễn ra, vì "Trẫm cưới vợ cho Trẫm, chứ đâu cưới vợ cho triều đình".

Khi Bảo Đại về Huế thưa chuyện với bà Từ Cung thì bà và cụ Tôn Thất Hân đứng đầu Tôn Nhân phủ dứt khoát không tán thành với lý do: Thị Lan là cháu một gia đình “vô danh tiểu tốt, giàu nhưng không có chức tước gì trong xã hội đương thời, Thị Lan lại thuộc gia đình đạo dòng, đã đậu tú tài toàn phần Pháp, nếu so ra là đỗ Trạng Nguyên xứ ta, lại đòi làm Hoàng hậu thì không thể chấp nhận được".

Nhưng Bảo Đại lúc đó đã quá mê Thị Lan rồi nên đã thẳng thắn trả lời Tôn Nhân phủ như sau: “Trẫm cưới vợ cho trẫm chứ đâu phải cưới vợ cho cụ Tôn Thất Hân và triều đình!".

Bảo Đại còn nói dù cô Lan có theo đạo Thiên Chúa nhưng không có gì gây trở ngại cả, đạo ai người nấy giữ. Khi cô Lan đã là vợ vua thì phải thực hiện nghi lễ theo phong tục nhà chồng và Tòa thánh La Mã cũng đã đặc cách cho cô Lan được thắp hương lễ bái tổ tiên cha mẹ nhà chồng.

Thêm vào đó, vợ chồng Pasquier và Charles đã phải ngỏ lời can thiệp y như là ra lệnh để cụ Tôn Thất Hân và triều đình phải đồng ý cho nhà vua được quyền định đoạt chuyện hôn nhân.

Theo Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)