Tháng 9/1932, sau thời gian học tập ở Pháp, vua Bảo Đại trở về nước chính thức chấp chính trên cương vị hoàng đế. Một trong những việc mà triều đình lưu ý nhất, đó là tìm vợ cho vua.
Tác giả Daniel Grandclément trong sách “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam” viết: “Lấy vợ cho vua là một dịp phát sinh nhiều chuyện kình địch nhau. Các phe phái âm mưu chống chọi nhau để đẩy một cô gái vào cánh tay Nhà vua”.
Tuy nhiên, người được Bảo Đại chọn lại không phải là người trong số thiếu nữ do triều đình, hoàng tộc giới thiệu mà là cô Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan, xuất thân trong gia đình đại phú theo đạo Thiên chúa và có quốc tịch Pháp.
|
Nam phương hoàng hậu (Tranh minh họa). |
Tác giả Hoàng Trọng Miên trong sách “Cựu hoàng Bảo Đại” cho hay “tòa Khâm sứ Trung Kỳ giao hẹn cho Nam triều phải sớm thu xếp việc kết nạp hoàng hậu, mà người được chỉ định là một thiếu nữ Nam kỳ, con nhà đại điền chủ, dân Tây, đạo dòng”.
Triều đình, hoàng tộc đều phản đối, trong đó “vị Thượng thư bộ Lại, đã giữ chức Ngự tiền văn phòng triều vua Khải Định, bấy lâu vẫn mong mỏi dâng cô gái đầu lòng tiến cung làm hoàng hậu cho tân vương, đứng ra viện đủ mọi lẽ để ngăn trở:
- Các tiên đế đều theo Nho, Phật, dân nước ta đều thờ tổ tiên, mà nay hoàng đế lại kết nạp một hoàng hậu có đạo, sao cho khỏi trái với truyền thống quốc gia, làm cho thần dân dị nghị”.
Thế nhưng Bảo Đại vẫn giữ ý của mình, tác giả Daniel Grandclément bình luận: “Năm 1934 người dân An Nam rất sửng sốt khi được biết ông quyết định cưới làm vợ một cô gái theo đạo Thiên chúa ngoan đạo, khăng khăng đòi chấm dứt hẳn chế độ cung phi của các triều đại trước để lại…
Tin đám cưới có thể thành sự thật làm cho giới thân cận Hoàng đế ngỡ ngàng và choáng váng. Tại Huế, nhiều mưu tính dự định từ lâu tắt ngấm, nhiều số phận bị chao đảo. Ví như số phận nhiều cô gái nhiều năm nay đã được chuẩn bị để làm Hoàng hậu.
Trong số này có hai cô được tách khỏi gia đình ngay từ thời thơ ấu để tập làm đẹp, học cách giữ gìn ý tứ. Các cô thiếu nữ đã được dạy dỗ và học cách trang điểm để trở thành vợ vua. Phải mất nhiều năm mới học thuộc được hết những lề thói và phép tắc trong cung, học cách chăm sóc và chiều chuộng cả những ham thích của vua”.
Tác giả sách “Cựu hoàng Bảo Đại” cũng viết: “Tin vua tuyển chọn một thiếu nữ Nam kỳ làm hoàng hậu trở thành câu chuyện bàn tán trong các giới đất Thần kinh.
Hai kẻ buồn rầu, thất vọng khi hay được tin chính thức này là hai tiểu thư con quan Nam triều đã nuôi mộng được hoàng đế nạp vào cung. Tại Huế, trước ngày ông vua trẻ tuổi hồi loan, người ta đã xầm xì đến việc con quan Tham tri bộ Lễ, nàng Bạch Yến và tiểu thư của cụ Thượng bộ Lại, nàng Khuê Các, đã được chú ý đến và có nhiều hy vọng tiến cung.
Trong hai nàng cựu nữ sinh trường Đồng Khánh, Bạch Yến tuy xinh đẹp hơn Khuê Các nhiều, song cô gái đầu lòng cụ Thượng lại được thế lực của cha, đứng vào hàng nhất phẩm triều đình, nên đã nắm được phần chắc sẽ được tuyển chọn”.
|
Nỗi buồn mỹ nữ (Tranh minh họa). |
Không chỉ những thiếu nữ ấp ủ giấc mộng Hoàng hậu thất vọng não nề, mà mẹ vua Bảo Đại cũng cảm thấy vô cùng đau buồn. Theo một số nguồn tư liệu, bà hoàng này đã chấm Bạch Yến, con gái quan Thượng thư Nguyễn Đình Tiên, người làng Chí Long, quận Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên) để chọn chuẩn bị vào tiến cung
Trong “Việt Nam máu lửa quê hương tôi” của Đỗ Mậu có viết về tâm trạng thất vọng của bà Từ Cung như sau: “Bà đã chọn được một nữ sinh con một vị đại quan có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành... Bà chỉ đợi con mình ngự giá hồi loan chính thức điều khiển việc nước là làm lễ thành hôn cho đôi lứa... Đối với bà, việc tìm kiếm một nàng dâu đức hạnh mọi bề là điều quan trọng thiết yếu nhất.
Quan trọng vì không phải chỉ thương con mà còn vì danh dự triều đại nhà Nguyễn nữa. Bà không ngờ rằng trong lúc bà đang sống những giây phút rộn ràng của bất kỳ một người mẹ nào đang lo chuyện trăm năm cho con thì người Pháp, cũng âm thầm thực hiện âm mưu vượt quyền hạn và giết giấc mơ của bà để cưới vợ cho vua Bảo Đại”.
Còn những người đẹp bị hụt làm vợ vua, cuối cùng phải đi tìm tổ ấm khác cho mình, như cô Bạch Yến, sau lấy ông Phạm Đình Ái, một kỹ sư hoá học được đào tạo ở Pháp, họ sống với nhau rất hạnh phúc. Câu chuyện chuẩn bị nhập cung năm xưa, với họ chỉ còn là một dĩ vãng buồn.