Bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, nhà văn “tác chiến” bằng ngòi bút

Google News

Theo tác giả “Người ở bến sông Châu”, trong đại dịch COVID-19, bác sĩ ở tuyến đầu, còn nhà văn không chỉ phản ánh hiện thực, mà còn cổ vũ chống dịch, viết về giá trị nhân bản.

Khi cơn bão COVID-19 gây chấn động mọi mặt đời sống, nhà văn Sương Nguyệt Minh là một trong số tác giả viết về hiện thực nóng bỏng này. Các bài viết của ông được tập hợp, sẽ xuất bản sách với tên Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua.

Sương Nguyệt Minh nêu suy ngẫm về nhà văn trong đại dịch hiện nay.

Viết về con người trong đại dịch

- Ông nghĩ nhà văn có vai trò gì trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay?

- Trong xã hội, mỗi người có một phận sự. Ngày xưa nhà văn, nhà báo đồng thời là chiến sĩ ra chiến trường, vừa cầm súng vừa cầm bút. Cuộc chiến chống COVID-19 bây giờ không giống ngày xưa. Nhà văn muốn xông vào tuyến đầu chống COVID-19 cũng không được, bởi phải đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch.

Tuy vậy, thời COVID-19 này, ở đâu cũng là “chiến trường”. Tôi và nhiều bạn văn cũng đang ở vùng cam, vùng đỏ, mỗi người đều có thể bị COVID-19 tấn công.

Gần hai năm đại dịch, các thầy thuốc trên tuyến đầu chống dịch, nhà văn ở phía sau, cày trên cánh đồng chữ nghĩa. Không viết thì còn làm được gì?

Nhà văn ở nhà “tác chiến” theo kiểu của nhà văn. Đồng cảm, chia sẻ mất mát của đồng bào, góp thêm tiếng nói để động viên đội ngũ tuyến đầu, trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” này, thấy cái gì cần góp ý thì góp ý chân thành bằng tinh thần xây dựng, chứ không làm rối ren lên. Đó là trách nhiệm công dân, tình cảm con người.

Cuối cùng, nhiệm vụ nhà văn là sáng tác, vẫn phải làm phận sự của người cầm bút. Viết những gì mình tâm đắc, viết cái gì xúc động nhất trước một hiện thực “thiên tai” COVID-19 quá đau thương và khốc liệt. Dịch thế này, bị cách ly, phong tỏa, biết làm gì nữa, ngoài viết?!

Bac si o tuyen dau chong dich, nha van “tac chien” bang ngoi but

Bản thiết kế sách Khi COVID-19 đi qua. Do tình hình COVID-19 phức tạp, sách chưa thể đến tay bạn đọc như dự kiến. Ảnh: SBooks.

- Trong những ngày đại dịch vừa qua, ông đã viết gì?

- Sau khi đại dịch xảy ra khoảng một tháng, tôi bắt đầu viết bút ký, tản văn, bình luận, đăng tải trên một số báo. Nhân các sự kiện xảy ra ngay trong đại dịch, tôi đưa ra cái nhìn theo cách của nhà văn.

Chẳng hạn: “Qua cơn đại dịch mới hiểu lòng người trong đục”, “Đánh tráo người cách ly, pháp luật ở đâu, đạo đức ở đâu?”, “Đám cưới trong đại dịch, coi trời bằng vung”, “Lời nói dối đi nửa vòng Trái Đất”, “Về quê tránh dịch”, “Đêm dài cách ly", “Yêu nhau thời Covid”, “Những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch”…

Khi đại dịch thế kỷ COVID-19 đi qua, con người trần trùi trụi hiện ra tất cả xấu tốt, không giấu được. Có cơ hội, trục lợi, thờ ơ, vô cảm…; nhưng cũng có nhiều tử tế, thiện lương, giàu tình yêu thương đồng bào đang khốn khó, gian nan. Đó là hiện thực nóng bỏng, sinh động là mảnh đất “màu mỡ” cho nhà văn cày cuốc.

- Đó đều là những sự kiện, sự việc được thông tin nhiều trên phương tiện truyền thông. Các bài viết của ông có gì khác biệt?

- Tôi nhìn sự kiện, hiện tượng bằng con mắt nhà văn. Tôi nhìn con người là nạn nhân của virus Sars-Cov-2, nhưng con người cũng là nạn nhân của chính con người. Viết dưới góc nhìn nhà văn, câu chữ mềm mại, bay bổng, suy tư hơn. Tôi không chỉ dẫn thông tin mà còn đưa ra cái nhìn về những vấn đề, sự kiện đó.

Chẳng hạn, sự kiện người lao động ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, “ráo mồ hôi là hết tiền” đứt bữa, đói… Họ phải bỏ về quê. Trên đường thiên lý về quê tránh dịch bao nhiêu khổ ải, đau thương, họ được yêu thương đùm bọc. Đúng là trải qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau.

Nhưng COVID-19 không chỉ có những sự kiện sau xô dạt sự kiện trước. Nó khiến ta phải nhận thức lại về cuộc sống. Trong lúc cách ly, phong tỏa, chúng ta có thời gian ở nhà và nghĩ về gia đình, mối quan hệ xung quanh. Khi ấy, ta mới thấy hạnh phúc là những điều nhỏ bé, giản dị ở bên cạnh mà bao lâu nay mải sấp ngửa kiếm ăn không nhận ra.

- Mỗi bài bình luận liên quan một vấn đề trong đại dịch, vậy đâu là điểm gắn kết các bài viết của ông?

- Trục gắn kết, xuyên suốt là con người trong cơn thiên tai, địch họa. Khi nhà văn cầm bút viết về một sự kiện nào đó, dù sự kiện lớn lao mức nào, nó phải gắn với số phận con người. Trong thảm họa dịch bệnh tàn khốc này, con người bộc lộ như nào, hành động ra sao, và kết cục là gì?

Trong cơn đại nạn này, con người hiện lên với tất cả thử thách, có xấu xa, có tử tế, lương thiện… nhưng cuối cùng con người phải sống, vượt qua đại dịch bằng lòng yêu thương nhau, yêu thương cả cỏ cây, động vật.

Bac si o tuyen dau chong dich, nha van “tac chien” bang ngoi but-Hinh-2

Nhà văn, đại tá Sương Nguyệt Minh. Ảnh: NVCC.

Nhà văn chưa theo kịp hiện thực nóng bỏng

- Ông nhận xét gì về sự nhập cuộc của các nhà văn đối với vấn đề nóng hiện nay?

- Một số bạn văn đang ấp ủ tác phẩm, viết về chủ đề đại dịch, nhưng vẫn phải chờ đợi. Các thể loại tản văn, bút ký gọi là “tác chiến nhanh”, nhưng thể loại này viết về COVID-19 cũng không nhiều.

Các nhà văn không theo kịp sự kiện lớn này, bởi tính chất nghề nghiệp, còn do thiếu tài năng nữa. Tiểu thuyết cần thời gian lắng lại để viết. Hiện nay, một số bài thơ, bút ký, truyện ngắn viết về đại dịch, nhưng chưa xứng với sự kiện quá nóng bỏng, lớn lao, tác động tới từng con người, từng quốc gia, nhân loại. 

Vì sáng tác văn chương cần có thời gian trải nghiệm, chiêm nghiệm, không giống tác nghiệp báo chí trực tiếp, thời sự, thông tấn.

Lao động nhà văn có tính đặc thù, cần thời gian lùi xa sự kiện để nhìn lại sự kiện và nghĩ ngợi. Năm ngoái, nếu có ai đó viết tiểu thuyết về COVID-19 chưa kịp in, thì tôi đồ rằng đến giai đoạn này có thể phải chỉnh sửa, thậm chí bỏ đi viết lại.

- Các nhà văn thường sáng tác, viết tác phẩm hư cấu. Vậy hiện thực đời sống giúp ích gì cho người cầm bút?

- Hư cấu gì cũng phải dựa trên hiện thực, nương tựa vào hiện thực mà sáng tạo ra hiện thực khác mang tính nghệ thuật. Nhà văn có thể trải qua, trải nghiệm hiện thực ấy, hoặc không trải qua nhưng có thể trải nghiệm gián tiếp bằng tài liệu, tiếp xúc nhân vật, vẫn có thể sáng tác hay về một sự kiện, vấn đề nào đó mình quan tâm.

Tôi cũng chịu khó lưu giữ tài liệu về đại dịch này, nghe nhiều câu chuyện có thật về kiếp người nhỏ bé, số phận mong manh... Viết được, và viết hay còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, chứ không chỉ thích viết và muốn viết.

Sương Nguyệt Minh là nhà văn, đại tá quân đội. Ông là tác giả của các truyện ngắn đặc sắc: Mười ba bến nước, Đêm Thánh vô cùng, Dị hương, Người ở bến sông Châu (chuyển thể điện ảnh với tên Người về)… và tiểu thuyết Miền hoang.

Ông nhận Giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tập truyện ngắn Dị hương. Giải Sách hay năm 2015 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Viện IRED cho tiểu thuyết Miền hoang, nhiều giải thưởng của Bộ Quốc phòng, báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, NXB Giáo dục

Theo Y Nguyên/Zingnews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)