Ba kỳ thi bước ngoặt của nước Việt xưa

Google News

Các khoa thi vào các năm 1075, 1247, 1919 là bước ngoặt trong lịch sử khoa bảng nước ta thời phong kiến.

Kỳ thi đầu tiên
Theo chính sử, nền khoa cử nước ta chính thức được bắt đầu vào năm 1075, khi nhà Lý tổ chức kỳ thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường để tuyển chọn người tài phục vụ đất nước.
Bấy giờ, Thái tử Lý Càn Đức (vua Lý Nhân Tông sau này) mới lên 10 tuổi, nhưng tinh anh hơn người. Để giúp vị vua tương lai rèn giũa đạo trị nước, theo đề xuất của Thái phó Lý Đạo Thành, Linh Nhân Hoàng thái hậu (Nguyên phi Ỷ Lan) đã cho tổ chức kỳ thi tuyển chọn người tài đầu tiên trong sử Việt.
Dù là kỳ thi đầu tiên nhưng triều đình đã tổ chức chu đáo, cẩn trọng, lấy đỗ 20 người. Đỗ đầu là Lê Văn Thịnh (1038 - 1095), quê ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Sử sách chép rằng: “Văn Thịnh, tính ham học. Bấy giờ chưa có khoa cử, dẫu ai thông minh, sáng láng đến đâu cũng phải do đường Phật giáo mà được lựa chọn, đề bạt. Riêng có Lê Văn Thịnh chăm đọc các sách. Đến đây, mở khoa thi, Văn Thịnh đỗ đầu. Đời truyền rằng họ Lê (tên Văn Thịnh) là người khai hoa đầu tiên”.
Phan Huy Chú chép trong “Lịch triều hiến chương loại chí” rằng “Thi Tam giáo là xét những người thông hiểu cả đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật thì cho đỗ…”.
Lễ xướng danh khoa thi Hương ở trường thi Nam Định năm 1897. Ảnh minh họa: ITN.
Sau khi thi đỗ, Lê Văn Thịnh ban đầu được cho vào hầu vua học, sau ra làm quan nhà Lý, thăng dần lên đến chức Thái sư đầu triều. Ông được một số tài liệu gọi là “Trạng nguyên khai khoa” dù kỳ thi năm 1075, triều đình chỉ lấy người đỗ đầu chứ chưa định thứ bậc trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa như sau này.
Theo “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”, Lê Văn Thịnh là người đầu tiên đỗ đạt bằng khoa cử nhưng bấy giờ không dùng danh hiệu trạng nguyên khai khoa. Bởi vì vào năm 1075, khi vua Lý Nhân Tông “xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường”, các bộ chính sử đều không cho biết chế độ thi cử ấy ra sao, càng không cho biết là đã có danh hiệu trạng nguyên vào lúc này.
Do đó, xét chính xác hơn, Lê Văn Thịnh chỉ được xem là “thủ khoa” đầu tiên trong lịch sử khoa bảng chứ không phải trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Chọn ra Trạng nguyên
Phép thi Tam khôi chọn ra trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa bắt đầu có từ khoa thi năm Đinh Mùi (1247). Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép về chế Tam khôi: “Mùa xuân, tháng Hai, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ thám hoa”.
Cũng theo sách này, trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232), và Kỷ Hợi (1239), chỉ chia người đỗ đạt thành các hạng Giáp, Ất, chưa có Tam khôi, đến khoa này mới đặt Tam khôi. Sách “Cương mục” triều Nguyễn cũng chép “Tháng Hai, mùa Xuân (1247), thi Thái học sinh. Trước đây, thi lấy học trò đỗ đạt, chỉ chia ra hai hạng Giáp, hạng Ất để phân biệt người đỗ cao, thấp. Nay mới đặt ra Tam khôi”.
Trạng nguyên Nguyễn Hiền (1234 - 1256), quê huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ngày nay. Khi đỗ trạng nguyên, Nguyễn Hiền mới chỉ 13 tuổi, trở thành vị trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng nước nhà. Tuy vậy, lịch sử khoa bảng lại tính Nguyễn Quan Quang (có sách Nguyễn Quán Quang) người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc (Tiên Sơn, Bắc Ninh) là vị trạng nguyên đầu tiên bởi vì ông đỗ đầu khoa thi tiến sĩ trước đó chỉ một năm (năm 1246). Trong danh sách 47 vị trạng nguyên treo ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Quan Quang được ghi đầu tiên rồi sau đó mới tới Nguyễn Hiền.
Kết thúc đường khoa cử
Sau 845 năm của con đường khoa cử phong kiến, mùa Hạ năm Kỷ Mùi (1919) đã đi vào lịch sử Việt Nam. Theo đó, kỳ thi Hội và thi Đình được tổ chức lần cuối cùng theo chỉ dụ của vua Khải Định: “Kỳ thi năm nay là khoa thi cuối cùng, đường khoa cử từ nay dứt hẳn”.
“Khải Định chính yếu” cho biết, tháng Giêng năm 1919, sau khi bộ Lễ đọc đệ trình lên vua về thể thức kỳ thi Hội với những thay đổi, vua liền phê “lần này là kỳ thi Hội cuối cùng cho triều đình nên Trẫm muốn gia ân cho sinh viên, sỹ tử, khoa mục trong nước, hễ ai thông thạo hai thứ chữ Nho và chữ Pháp thì trình diện bộ Học để xin vào ứng thí lấy tên khoa này là Ngự tứ ân khoa để sau này lập ra Hội Hàn lâm. Truyền tuyển chọn quan Thư tịch để mở rộng đường cho kẻ sĩ”.
Lệ định khoa thi Hội cũng có nhiều thay đổi. Tại vòng thi thứ nhất, ngoài các bài thi về văn sách, kinh nghĩa, truyện và thời sự, thí sinh còn phải làm một bài về sử Việt Nam và một bài về sử phương Tây; vòng thứ hai, ngoài toán còn phải làm một bài luận ngữ bằng chữ quốc ngữ; vòng thứ tư dịch một bài chữ quốc ngữ sang tiếng Pháp và một bài Pháp ngữ sang tiếng Hán, cùng một bài luận bằng Pháp ngữ bắt buộc.
Tháng Tư năm 1919, kỳ thi Hội diễn ra tại kinh thành Huế. Sau thi Hội đến kỳ thi Đình, đề thi do đích thân vua ra, hỏi về thời cuộc, thí sinh trình bày quan điểm cá nhân về “văn minh”.
Khoa thi Đình năm ấy không căn cứ vào điểm của các kỳ thi Hội để xếp hạng tiến sĩ mà chỉ dựa vào văn lí để định thứ bậc tân khoa, nhà vua đã ban đồ cho 7 tiến sĩ và 16 phó bảng. Do là kỳ thi cuối cùng, mang tính lễ nghi là chính nên những người đỗ đạt trong kỳ thi này tuy được công nhận danh hiệu nhưng không còn được bổ dụng làm quan như trước nữa.
Trải qua chặng đường dài gần 9 thế kỷ, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức được tất cả 183 kỳ thi, có 28.989 người đã đỗ tiến sĩ (đỗ đại khoa). Thời trị vì của vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) nhà Hậu Lê, triều đình tổ chức nhiều kỳ thi Nho học nhất với 16 kỳ thi tất cả.
Theo Nguyễn Thanh Điệp / Giáo dục & Thời đại

>> xem thêm

Bình luận(0)