Sử dụng xe ô tô để tấn công khủng bố không phải là “chiêu” lạ của các “thánh chiến” liều chết. Đây là vụ khủng bố bằng ô tô đẫm máu nhất năm 2016. Ngày 14/7, một chiếc xe tải đã lao vào đám đông xem pháo hoa ngày quốc khánh Pháp ở thành phố Nice. Vụ tấn công khủng bố đã khiến ít nhất 84 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương.
Đây không phải lần đầu tiên các tên khủng bố sử dụng xe ô tô để tấn công những địa điểm công cộng. Hầu hết, cách thức truyền thống của chúng là “liều chết” cho xe nổ tung, hay như giới truyền thông quốc tế gọi là “car bomb”. Bằng phương thức này, đôi khi số thương vong còn cao hơn rất nhiều và đằng sau tiếng bom luôn là một hiện trường tan hoang, đổ nát và cháy rụi.
Dưới đây là 5 vụ tấn công bằng xe ô tô đẫm máu trong thời gian gần đây, cho thấy mức độ nguy hiểm và liều lĩnh của các đối tượng khủng bố.
|
Cảnh tượng tan hoang sau vụ nổ bom liều chết ở quận Karrada, thủ đô Iraq ngày 3.7. |
1. Iraq ngày 3/7 (250 người chết)
Ngày 3.7, hai vụ nổ đã xảy ra tại thủ đô Baghdad của Iraq, khiến 250 người thiệt mạng. Theo chính phủ Iraq, đây là vụ tấn công tồi tệ nhất từ sau khi liên quân do Hoa Kỳ chỉ huy tiến vào Iraq năm 2003.
Xe tải đầy chất nổ đã được kích hoạt ở các khu chợ đông đúc thuộc quận Karrada và Shaab khi các gia đình đang mua sắm trong kỳ nghỉ cuối mùa lễ Ramadan. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS nhận trách nhiệm vụ đánh bom tự sát này.
Trong số những người chết ở quận Karrada, có 25 trẻ em và 20 phụ nữ, theo CNN.
|
2 vụ nổ đã khiến 250 người chết tại Iraq ngày 3/7 |
2. Pháp ngày 14.7 (84 người chết)
Một kẻ khủng bố đã lái xe tải với tốc độ hơn 60km/giờ lao vào đám đông vừa xem xong màn trình diễn pháo hoa đúng ngày quốc khánh ở Pháp, khiến 84 người chết và hơn 150 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em.
Một số nhân chứng của vụ việc cho biết kẻ khủng bố dường như cố tình lái chiếc xe theo hình zích zắc để cán nhiều người nhất có thể. Phó thị trưởng thành phố Nice, Christian Estrosi nói: “Xe tải chở đầy vũ khí và lựu đạn”.
Lái xe được xác định là người Pháp gốc Tunisia, 31 tuổi, đã bị bắn chết, chưa rõ hành động một mình hay có đồng phạm. Có thông tin IS đã nhận trách nhiệm, nhưng chưa được xác nhận.
|
Xác người chết nằm la liệt trên phố sau khi chiếc xe tải lao lên vỉa hè ngày 14/7 ở Pháp. |
3. Somalia ngày 25/6 (35 người chết)
Ít nhất 35 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong một cuộc tấn công ở một khách sạn ở thủ đô Mogadishu của Somalia. Cũng sử dụng xe bom, các tên khủng bố cho phát nổ lúc 4.30 chiều giờ địa phương khiến khói bốc lên nghi ngút. Sau vụ nổ, các nhân chứng vẫn nghe thấy tiếng đấu súng trong vòng vài giờ. Nhóm thánh chiến al-Shabaab đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
|
Hiện trường vụ khủng bố bằng xe bom ở Somalia ngày 25.6. |
4. Thổ Nhĩ Kì ngày 13/3 (34 người chết)
Một quốc gia cũng chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố bằng ô tô là thổ Nhĩ Kì. Từ đầu năm đến nay, Thổ Nhĩ Kì đã chứng kiến ít nhất 4 vụ đánh bom liều chết bằng ô tô. Một trong số đó là vụ tấn công khiến 34 người thiệt mạng ở trung tâm thủ đô Ankara. Quả bom phát nổ lúc 18 giờ 43 phút ngày 13.3 (giờ địa phương). Hiện trường vụ nổ gần một tòa án và trụ sở của Bộ Tư Pháp và Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ.
Đoạn video do camera giám sát ghi lại tại hiện trường cho thấy một chiếc ô tô bất ngờ di chuyển chậm lại gần vài chiếc xe bus đỗ ven đường trước khi phát nổ dữ dội. Chính phủ Thổ Nhĩ Kì cho rằng PKK (lực lượng đảng Công nhân người Kurd) chính là thủ phạm vụ tấn công.
|
Một quốc gia cũng chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố bằng ô tô là thổ Nhĩ Kì. |
|
Ngày 13.3, 34 người đã thiệt mạng ở trung tâm thủ đô Ankara sau khi một chiếc ô tô phát nổ. |
5. Thổ Nhĩ Kì 18/2 (28 người chết)
Ngày 18/2, một vụ đánh bom bằng ô tô khác đã xảy ra nhằm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cũng ở giữa trung tâm thủ đô Ankara
Ít nhất 28 người chết và 60 người bị thương. Người đứng đầu thành phố Ankara ông Mehmet Kilicer cho biết vụ đánh bom xảy ra vào tối 17.2 nhằm vào một đoàn xe của quân đội Thổ Nhĩ Nhĩ Kỳ di chuyển qua trung tâm hành chính quốc gia, gần tòa nhà quốc hội, chính phủ và trụ sở quân đội của nước này. Một quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các phương tiện chở quân nhân bị trúng bom xe khi đang dừng chờ đèn tín hiệu giao thông.
Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus xác nhận vụ tấn công được thực hiện bằng xe ô tô chở bom. Nhóm phiến quân TAK của người Kurd sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công.