Liên quan đến vụ việc Chủ tịch HĐQT Trường Lômônôxốp thẳng tay chém người xảy ra vào lúc 14h30 ngày 7/1, PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư Tiến phân tích, trong trường hợp này, khi có lời qua tiếng lại diễn ra giữa bảo vệ Công ty Tu Tạo và ông Nguyễn Vinh Tâm - Chủ tịch HĐQT Trường Lômônôxốp - thì thay vì có thái độ nhã nhặn, trao đổi để giải quyết vấn đề thì ông Tâm lại có hành vi dùng con dao thép vuông, to bản, quay lại tấn công ông Nguyễn Đoàn Bộ, nhân viên bảo vệ của Công ty khiến ông Bộ bị chém đứt gân ngón tay.Với tất cả những hành vi trên, ông Nguyễn Vinh Tâm đã có các hành vi vi phạm pháp luật sau:
Thứ nhất, đối với hành vi “chỉ đạo một nhóm công nhân phá rào, dựng công trình lều bạt, sân khấu trái phép tại ô đất ký hiệu TH thuộc KĐTM Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội”, thuộc sự quản lý và bảo vệ của Cổ phần Tu tạo và Phát triển nhà (Công tu Tu tạo), ông Tâm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với lỗi Gây thiệt hại đến tài sản của người khác trong trường hợp thiệt hại về tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (thiệt hại về tài sản dưới 2 triệu đồng) và chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Nươi xảy ra vụ việc |
Mức xử phạt được quy định tại khoản 2, điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác; b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp, thiệt hại tài sản có giá trị lớn (từ hai triệu đồng trở lên) và gây thiệt hại nghiêm trong, hành vi của ông Tâm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hủy hoại tài sản người khác quy định tại 143 Bộ luật hình sự, cụ thể:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Thứ hai, qua thông tin ban đầu ông Vinh đã có hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm là con dao thép vuông, to bản cố ý gây thương tích cho ông Bộ. Vì vậy, cho dù thương tích của ông Bộ được giám định dưới 11% thì ông Tâm có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999.
Khung hình phạt áp dụng đối với tội này là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Tuy nhiên, tùy theo mức độ thương tích mà ông Tâm có thể phải chịu khung hình phạt cao hơn quy định tại Điều này. Cụ thể:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;e) Có tổ chức;g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”
Hung khí nguy hiểm được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 là bao gồm vũ khí và phương tiện nguy hiểm.