Ngày 8/1, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết từ ngày 1 đến sáng 8/1, máy bay Trung Quốc liên tiếp thực hiện nhiều chuyến bay qua vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đảo đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), bỏ qua tất cả quy định, quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay; bay vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý nhưng không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam, không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh.
Liên tục vi phạm
Cụ thể, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào FIR Hồ Chí Minh, riêng trong sáng 8/1 có 2 chuyến bay vào và 2 chuyến bay ra. FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam tiếp giáp với vùng thông báo bay Sanya của Trung Quốc và vùng thông báo bay của Singapore.
|
Ông Lại Xuân Thanh chỉ rõ khu vực máy bay Trung Quốc hoạt động trong FIR Hồ Chí Minh, bất chấp các quy định và nguyên tắc của hàng không quốc tế Ảnh: MINH ANH |
Theo ông Thanh, tại khu vực máy bay Trung Quốc hoạt động những ngày qua, có thể thấy trên bản đồ một hệ thống đường bay quốc tế, các quốc gia và ICAO đã thỏa thuận tạo sự thông thương ở khu vực biển Đông. Tại đây, có những đường bay nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Tầm bay tối thiểu của các đường hàng không có thể xuống 4.000 m trong khi các máy bay Trung Quốc khai thác từ độ 5.000 - 8.000 m, thậm chí có chuyến ở độ cao lên tới 10.000 m mà không thực hiện bất kỳ quy tắc quốc tế nào liên quan đến hoạt động bay.
“Điều này uy hiếp nghiêm trọng hoạt động bay trong khu vực” - ông Thanh khẳng định.
Phản đối Trung Quốc
Cục trưởng Hàng không nhấn mạnh rằng ICAO có những quy định hết sức cụ thể. Bay trong vùng trời có kiểm soát, bay vào đường hàng không thì phải gửi thông báo bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu của Việt Nam. Khi thực hiện chuyến bay phải liên lạc với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để được nhận những thông tin liên quan đến dịch vụ không lưu.
Ngay sau khi nhận được thông tin về máy bay không xác định của Trung Quốc hoạt động trong FIR Hồ Chí Minh, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo cho ICAO, cụ thể là Văn phòng ICAO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Bangkok để đề nghị ICAO với tư cách là tổ chức hàng không quốc tế chịu trách nhiệm điều phối chung, phải có biện pháp để các quốc gia không thực hiện những hoạt động bay uy hiếp an toàn đến hoạt động hàng không quốc tế và trong khu vực.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ thông báo cho các quốc gia lân cận để cùng có ý kiến khuyến cáo cũng như phản đối hoạt động bay uy hiếp an toàn hàng không” - Cục trưởng Hàng không Việt Nam kiên quyết.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 7-1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc 2 máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc ngày 6-1 hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập.
Nhiều tàu quân sự Trung Quốc xâm nhập vùng biển Việt Nam
Ngày 8-1, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã tổng kết công tác biên phòng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Tại hội nghị, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho hay trong năm 2015, lực lượng phát hiện 264 lượt tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, trong đó có 207 lượt tàu cá xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Bắc bán đảo Sơn Trà 45 đến 50 hải lý, 1 tàu cá đi sâu vào nội thủy của Đà Nẵng. Ngoài ra, 57 lượt tàu quân sự, tàu tuần tra của Trung Quốc hoạt động trinh sát tại các lô dầu khí 116, 144, 145 thuộc chủ quyền vùng biển Việt Nam, 4 tàu quân sự, tàu chấp pháp xua đuổi tàu cá của ngư dân TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi khi đang hoạt động khai thác hải sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Theo đại tá Nguyễn Văn Đức, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông thể hiện cụ thể như ra quyết định thành lập 4 ban vũ trang nhân dân ở Hoàng Sa, đẩy mạnh hoạt động cải tạo, xây dựng các công trình dân sự trên các đảo chiếm đóng trái phép tại Hoàng Sa và Trường Sa, mưu đồ thiết lập vùng nhận dạng phòng không… Trung Quốc còn thường xuyên duy trì các loại tàu quân sự, tàu chấp pháp, máy bay xua đuổi, bắt giữ tàu cá, ngăn cản hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; ngang ngược đơn phương cấm đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, tàu cá Trung Quốc còn thường xuyên xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản với số lượng lớn, kèm theo đó là các tàu trinh sát giả dạng tàu cá vào sâu trong lãnh hải để trinh sát, nắm tình hình.
Bích Vân