Liên quan đến vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an TP Hà Nội) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi), làm quản lí khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề, để làm rõ việc mua bán cháu bé Cù Nguyên Công (2 tuổi), và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi, ở xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, Ninh Bình), cũng như triệu tập một số đối tượng khác để lấy lời khai.
|
Nơi vui chơi của trẻ em chùa Bồ Đề.
|
Để hiểu rõ hơn về hành vi mua bán trẻ em đối với đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang, Kiến Thức có cuộc trao đổi với luật sư Mai Đức Tân - Công ty Luật Hợp Danh INCIP (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).
Luật sư Tân cho biết: “Trường hợp cơ quan công an điều tra và chứng minh được hành vi của Trang cấu thành “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm trẻ em” theo Điều 120 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì hình phạt cao nhất Trang phải chịu là “tù chung thân”.
|
Bảo mẫu đang chăm sóc trẻ em mồ coi ở chùa.
|
“Về trách nhiệm của chùa Bồ Đề và các cá nhân có liên quan phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, việc chùa Bồ Đề nhận nuôi rất nhiều cháu nhỏ như hiện nay là không phù hợp với quy định của Luật nuôi con nuôi năm 2010. Vì thế, cơ quan Nhà nước cần có văn bản yêu cầu chùa Bồ Đề dừng ngay việc này”, luật sư Tân chia sẻ.
Về hành vi buôn bán trẻ em với người quản lý công việc ở chùa thì nên áp dụng hình phạt nặng hay nhẹ so với các đối tượng buôn bán trẻ em khác, luật sư Tân phân tích: “Về trách nhiệm hình sự thì không có quy định phân biệt, mà mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và chỉ trong trường hợp có tình tiết tăng nặng thì phải chịu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt cao hơn. Tuy nhiên, về đạo đức thì hành vi của những người ở nơi của phật càng phải bị lên án”.
|
Chùa Bồ Đề đang nuôi rất nhiều trẻ em mồ côi.
|
Trước đó, đầu năm 2013, anh Nguyễn Thành Long (trú tại Khu đô thị Việt Hưng, Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) tham gia hoạt động từ thiện tại chùa Bồ Đề. Ngày 29/10/2013, anh Long nhận được tin nhắn của Nguyễn Thị Thanh Trang là có một bé sơ sinh được phát hiện ở cổng chùa, dây rốn chưa rụng, người bỏ rơi không để lại bất kỳ thông tin gì.
Vợ chồng anh Long đã nhận làm bố mẹ đỡ đầu của cháu bé và được nhà chùa đặt tên là Cù Nguyên Công. Bất ngờ, chiều 31/12/2013, Trang gọi điện cho vợ anh Long nói: “Chuẩn bị có đoàn kiểm tra đến nên đề nghị đưa bé về ngay”.
Vợ anh Long mang cháu Cù Nguyên Công trở lại chùa theo yêu cầu. Đến ngày 4/1 vừa qua, vợ anh Long đến chùa đón cháu Công về nhà thì cháu đã không còn ở chùa nữa. Nguyễn Thị Thanh Trang giải thích mẹ cháu bé đã đón về.
Vậy, ngoài buôn bán trẻ em, hành vi của Trang có phải lừa đảo hay không? “Về việc này phải chờ kết quả của cơ quan điều tra về động cơ, mục đích và hành vi của Trang đối với cháu Cù Nguyên Công”, luật sư Tân khẳng định.