Vào ngày 16/1/1945,
Hitler trở về thủ đô Berlin. Từ hầm ngầm sâu 16 mét phía dưới Phủ Thủ tướng, ông ta ra sức chỉ đạo các đoàn quân đang vỡ vụn trước sức tiến công của Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh đang ào ạt tiến vào lãnh thổ Đức.
|
Hầm ngầm của Hitler trong vườn Phủ thủ tướng Đế chế thứ ba ở Berlin.
|
Trong tình trạng thể chất và tinh thần suy sụp, Hitler đưa ra một trong những quyết định quan trọng cuối cùng trong đời. Ngày 19/3/1945, Hitler ra lệnh phá hủy tất cả các cơ sở quân sự, công nghiệp, giao thông và viễn thông cũng như mọi cửa hàng trên đất Đức để tránh rơi vào tay
Hồng quân Liên Xô và Quân đồng minh.
Người dân Đức tránh khỏi thảm họa “hủy diệt” là do những nỗ lực của Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang Albert Speer và một số sĩ quan quân đội kháng lệnh Hitler.
Định rời Berlin đến Obersalzberg để chỉ đạo kháng chiến…từ xa
Hitler đã định rời Berlin vào ngày 20/4/1945, sinh nhật lần thứ 56 của ông, để đi Obersalzberg và chỉ đạo cuộc chiến từ nơi này. Mười ngày trước, chính Hitler đã phái nhân viên thân cận đi Obersalzberg để chuẩn bị cho ngôi biệt thự Berghof. Tuy nhiên, Hitler không bao giờ đến được Obersalzberg vì quân Mỹ và Hồng quân Liên Xô tiến quá nhanh vào đất Đức.
|
Hitler và Eva Braun ở khu nghỉ dưỡng Berghof ở Obersalzberg, nơi Hitler định chạy về ngày 20/4/1945.
|
Lễ mừng sinh nhật của Hitler diễn ra một cách ảm đạm. Hitler vẫn nói với các tướng lĩnh rằng quân Nga sẽ bị tổn thất nặng nề nhất trước cửa ngõ Berlin. Các tướng lĩnh biết rõ hơn Hitler và trong buổi họp quân sự thường kỳ sau khi ăn mừng sinh nhật, họ khuyên Hitler rời Berlin để đi về miền nam. Họ nói rằng chỉ trong vòng một hoặc ngày ngày nữa là người Nga sẽ cắt đứt hành lang đi về hướng nam.
Hitler đã ra lệnh tướng SS Felix Steiner tổng phản công Hồng quân Liên Xô ở ngoại ô phía nam Berlin. Trong hai ngày sau đó, Hitler nôn nóng chờ đợi tin tức về cuộc phản công không hề diễn ra của tướng Steiner.
Trong buổi họp quân sự ngày 22/4, Hitler giận dữ đòi được tường trình cặn kẽ vụ Steiner. Các tướng lĩnh không thể trả lời, nhưng cho biết việc điều quân từ hướng bắc đi tăng viện cho tướng Steiner ở hướng nam đã khiến cho mặt trận hướng bắc suy yếu và xe tăng của Hồng quân Liên Xô đã tiến vào bên trong thành phố từ hướng này.
Hitler hoàn toàn mất tự chủ và la hét rằng mọi người đã bỏ rơi ông. Đó chính là sự phản bội, dối trá và hèn nhát. Hitler nói rằng ông ta đã quyết định và đọc một tuyên bố được truyền ngay trên sóng phát thanh. Tuyên bố cho biết Hitler sẽ ở lại Berlin và bảo vệ thủ đô đến cùng.
Bị các tướng lĩnh và lực lượng SS bỏ rơi
Ngày 28/4, Hitler gọi điện cho Thống chế Keitel, hỏi han về những cánh quân Đức trong chiến dịch giải cứu Berlin. Nhưng "chiến dịch" này chỉ có trong trí tưởng tượng của Hitler. Các đội quân Đức mà Hitler trông chờ hoặc bị tiêu diệt, hoặc vội vàng rút về hướng tây để đầu hàng quân đồng minh thay vì bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ. Trong khi đó, các mũi tấn công thọc sâu của Hồng quân Liên Xô chỉ còn cách Phủ Thủ tướng có vài góc phố.
|
Đòn đau nhất đối với Hitler là trùm SS Himmler (bên phải) đã bí mật thương lượng để quân Đức đầu hàng quân Mỹ.
|
Cũng trong ngày 28/4, Bộ Tuyên truyền Đức bắt được bản tin của đài BBC cho biết Himmler đã bí mật thương lượng đề nghị quân đội Đức ở miền Tây đầu hàng quân Mỹ. Đối với Hitler, đây là đòn đau đớn nhất.
Ít phút sau, có thêm tin báo là quân Liên Xô chỉ còn cách một khu phố và có lẽ sẽ tràn ngập Phủ Thủ tướng trong buổi sáng 30/4. Hai tin báo liên tiếp buộc Hitler phải đi đến một trong những quyết định cuối cùng.
24 giờ cuối cùng của Adolf Hitler
Rạng sáng 29/4, Hitler cử hành hôn lễ với Eva Braun, soạn thảo di chúc và tuyên cáo cuối cùng.
|
Rạng sáng 29/4, Hitler cử hành hôn lễ với người tình lâu năm Eva Braun.
|
Chiều 29/4/1945, Hitler bắt đầu những bước chuẩn bị cuối cùng. Hitler ra lệnh đầu độc con chó Blondi mà ông thương quí và cho bắn hai con chó khác. Rồi ông gọi hai nữ thư ký vào và trao cho họ những viên thuốc độc để họ dùng nếu muốn khi Hồng quân Liên Xô tiến vào.
Đêm cuối cùng trong đời, Hitler ra lệnh cho nữ thư ký Junge thiêu hủy giấy tờ còn lại trong hồ sơ của ông. Trưa 30/4/1945, Hitler dùng bữa cùng với hai thư ký và người nấu bếp.
Trong lúc ấy, Erich Kempka, tài xế của Hitler được lệnh mang 200 lít xăng đến giao ở khu vườn Phủ Thủ tướng. Mặc dù đã chạy khắp nơi, tài xế Kempka chỉ thu gom được 180 lít xăng.
Sau khi ăn xong, Hitler cùng với vợ mới cưới Eva Braun gặp các phụ tá thân cận nhất là Göbbels cùng hai tướng Krebs và Wilhelm Burgdorf, các thư ký và người đầu bếp Manzialy. Sau khi nói xong những lời vĩnh biệt, Hitler và vợ trở về phòng riêng. Ở hành lang bên ngoài, Göbbels, Bormann cùng vài người khác chờ đợi. Ít lâu sau, họ nghe một tiếng súng nổ. Họ chờ nghe tiếng súng thứ hai, nhưng tất cả đều im lặng. Sau một lúc, họ bước vào phòng và thấy thi thể của Adolf Hitler ngã dài trên băng ghế, đang rỉ máu. Hitler đã tự bắn vào miệng, còn Eva Braun nằm kề bên. Hai khẩu súng lục nằm trên sàn, nhưng Eva Braun lại nuốt thuốc độc.
|
Pháp y đồng minh kiểm tra nơi được cho là đốt xác Hitler.
|
Trong tang lễ của Adolf Hitler, âm thanh duy nhất là tiếng đạn đại bác của Liên Xô nổ trong khu vườn Phủ Thủ tướng và trên những bức tường xung quanh. Thiếu tá SS Heinz Linge cùng một hộ lý mang thi thể của Hitler được quấn trong một tấm chăn che lấp khuôn mặt. Thi thể của Eva Braun trông tươm tất hơn, không dính máu.
Hai thi thể được mang ra ngoài khu vườn, đặt xuống một hố đạn đại bác rồi đốt bằng xăng. Khi ngọn lửa bùng lên, những người tham dự đứng nghiêm, chào theo kiểu Quốc xã. Nghi thức diễn ra ngắn gọn, vì đạn pháo của Hồng quân Liên Xô lại bắt đầu rơi xuống khu vườn Phủ thủ tướng Đế chế thứ ba.