Cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” bao gồm hai cuộc tấn công bằng ngư lôi chống lại hai tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ. Hai cuộc tấn công nói trên được cho là đã xảy ra vào ngày 2/ 8 và 4/ 8/1964 ở Vịnh Bắc Bộ.
|
Khu trục hạm USS Maddox: Thủ phạm gây ra cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", tạo cớ cho Mỹ ném bom tàn phá miền bắc Việt Nam. Ảnh worldpress.com |
Cuộc tấn công đêm 4/8/1964 sau này đã được khẳng định chỉ là sự nhầm lẫn của thủy thủ đoàn khu trục hạm USS Maddox, nhưng lại trở thành cái cớ để Mỹ mở màn chiến dịch ném bom miền bắc Việt Nam.
Thực sự, không có tàu ngư lôi nào của Hải quân Nhân dân Việt Nam tấn công mà thay vào đó có thể là lỗi ở tín hiệu radar trên khu trục hạm USS Maddox mà sau này người ta gọi là "Tonkin Ghosts" (Những bóng ma Vịnh Bắc Bộ).
Hoảng loạn "nhìn gà hóa cuốc"
Thuyền trưởng John J. Herrick đứng trên đài quan sát của tàu khu trục USS Maddox và nhìn vào bóng đêm dày đặc. Sau đó ông ta quay lại gặp sĩ quan điều khiển radar. Viên sĩ quan này báo cáo có tiếng thủy lôi đang đến gần và thủy thủ đoàn của USS Maddox tỏ vẻ khẩn trương.
Từ Vịnh Bắc Bộ, thuyền trưởng John J. Herrick đã đánh một bức điện tín gửi về Lầu Năm Góc, trong đó báo cáo rằng ngư lôi của Hải quân Nhân dân Việt Nam đang tấn công hai tàu chiến Mỹ là USS Maddox và USS Turner Joy. Sau đó, thuyền trưởng Herrick ra lệnh cho đám thủy thủ dưới quyền bắn như đổ đạn về phía kẻ thù vô hình “đang đến gần”.
Tại Washington lúc đó là 11h15. Vào lúc 11h37, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã phát biểu trước dân chúng Mỹ về “hành động bạo lực trắng trợn” của miền bắc Việt Nam. Năm tiếng sau, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson ra lệnh cho các máy bay ném bom cất cánh từ hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga đến “bảo vệ tàu khu trục USS Maddox”.
Ngày 5/8/1964, ngay sau cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” thứ 2, Hải quân Mỹ trả đũa bằng chiến dịch Mũi Tên Xuyên, ném bom một số cửa biển quan trọng ở miền bắc Việt Nam.
Các máy bay F-8 Crusader, A-1 Skyraider, và A-4 Skyhawk, từ các hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga và USS Constellation trên Biển Đông, đã tiến hành 64 lượt đánh phá các mục tiêu định sẵn tại các vùng phụ cận Vinh - Bến Thuỷ (Nghệ An), vùng phụ cận thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh), cửa Lạch Trường (Thanh Hoá) và cửa Sông Gianh (Quảng Bình).
Chiến dịch ném bom này đã mở đầu cuộc chiến tranh tàn phá trong 9 năm bằng không quân và hải quân quy mô lớn chống miền bắc Việt Nam.
Ngày 7/8/1964, ba ngày sau “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” thứ 2, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (được biết nhiều hơn với cái tên Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ) cho phép Tổng thống Lyndon B. Johnson quyền hỗ trợ bất kỳ quốc gia Đông Nam Á bởi "sự hiếu chiến của cộng sản". Nghị quyết này đã trở thành sự biện minh hợp pháp cho việc Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam.
Giấu nhẹm bức điện tín thứ hai của khu trục hạm USS Maddox
Chỉ có điều, cả các nghị sĩ Quốc hội và dân chúng Mỹ không biết rằng sau bức điện tín thứ nhất, thuyền trưởng John J. Herrick đã gửi tiếp bức điện tín thứ hai đính chính sự nhầm lẫn nói trên là do "điều kiện thời tiết điên rồ và sự nóng vội của mấy cậu nhóc theo dõi các thiết bị Sonar”. Thuyền trưởng Herrick đề nghị ‘điều tra kỹ càng hơn”. Chỉ có điều, bức điện thứ hai của thuyền trưởng tàu khu trục USS Maddox không thể đảo ngược quyết định ném bom miền bắc Việt Nam của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson.
Vài ngày sau, sự việc đã rõ ràng là đám thủy thủ tàu khu trục USS Maddox đã chiến đấu với một “con ma radar” và người ta đã báo cáo với Tổng thống Johnson rằng đám thủ thủ hoảng loạn nói trên đã vãi đạn như mưa vào “lũ cá chuồn đang bay trên biển”.
Các nghiên cứu sau này, trong đó có một báo cáo năm 2005 của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, khẳng định cuộc tấn công thứ hai đã không xảy ra. Báo cáo này cũng đã cố gắng xua đi giả thuyết từ lâu rằng các thành viên của nội các tổng thống Lyndon B. Johnson đã cố tình nói dối về bản chất của “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”.
Đầu tháng 1 năm 2008, Hiệp hội các nhà khoa học Hoa Kỳ (FAS) cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã giải mật bản báo cáo Spartans in Darkness, trong đó khẳng định Hải quân Nhân dân Việt Nam không hề tấn công tàu chiến Mỹ trong đêm 4/8/1964.
|
Trong một cuốn băng ghi âm được giải mật năm 2001, Tổng thống Lyndon B. Johnson thừa nhận rằng vụ thứ hai trong cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” không hề xảy ra. Ảnh worldpress.com |
Trong một cuốn băng ghi âm được giải mật năm 2001, Tổng thống Lyndon B. Johnson thừa nhận rằng vụ thứ hai trong cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” không hề xảy ra.
Thế nhưng, nước Mỹ đã phát động cuộc chiến ở cả hai miền nam bắc Việt Nam. Trong 11 năm sau đó, Mỹ đã ném 7,8 triệu quả bom xuống Việt Nam, sử dụng bom Napalm và mang về nước quan tài của 58.134 binh sĩ Mỹ tử trận.
Cứ mỗi lần leo thang chiến tranh, Tổng thống Johnson đều dựa vào “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”, mặc dù ông ta thừa biết rằng nghị quyết đó dựa trên điều dối trá.
Ngày 12/1/1971, do sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Mỹ, dư luận quốc tế và cả trong Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống Nixon đã phải ký văn bản chính thức bãi bỏ cái gọi là “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”.