Nhìn bề ngoài, việc Nga xoay trục sang Châu Á có vẻ như là một sự hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Nhưng thực ra, chiến lược này không mang lại nhiều lợi ích cho Moscow vì Bắc Kinh còn nhiều toan tính khác.
Trong hai bài báo riêng biệt, các nhà phân tích của Viện Mercator chuyên nghiên cứu Trung Quốc ở Berlin và Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng cho đến nay, chiến lược “xoay trục” sang Châu Á của Nga đã thất bại về khía cạnh lợi ích kinh tế.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nhận được sự “thông cảm chính trị”, chứ không phải sự “giúp đỡ kinh tế” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh The Economist |
Nhà phân tích Alexander Gabuev của Trung tâm Carnegie ở Moscow nhận định: "Hai năm sau khi rạn nứt quan hệ với phương Tây, hy vọng của Moscow về việc quan hệ kinh doanh với Châu Á sẽ bù đắp cho tổn thất của Nga trong quan hệ kinh doanh với Âu-Mỹ đã không trở thành hiện thực”.
Trong một bài đăng trên tạp chí Foreign Affairs (Đối ngoại), hai nhà phân tích Thomas S. Eder và Mikko Huotari của Viện Mercator chuyên nghiên cứu Trung Quốc ở Berlin viết: "Kể từ khi Châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt Nga, Moscow đã hy vọng hóa giải lệnh trừng phạt này bằng cách tăng cường liên minh với Trung Quốc về năng lượng, quốc phòng, thương mại, nông nghiệp và đầu tư”.
Quan hệ xấu đi giữa Nga và Châu Âu khiến Moscow phải tìm kiếm các đối tác khác. Thỏa thuận khí đốt Nga-Trung trị giá 400 tỷ USD được ký kết tháng 5/2014 xem ra là một sự thay thế lý tưởng. Nhưng “ma quỷ nằm trong các chi tiết”: Nga sẽ nhận được ít tiền hơn cho mỗi mét khối khí đốt bán sang Trung Quốc so với việc bán cho Tây Âu. Không những thế, ngày chính thức khởi công dự án khổng lồ này đã bị trì hoãn nhiều lần và ngày càng bị đẩy xa hơn vào...tương lai.
Nga cần Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại có toan tính khác
Nhà phân tích Gabuev cho rằng xem ra Nga không có khả năng làm việc với các tổ chức tài chính Châu Á. Thượng vụ thành công duy nhất của Nga với các ngân hàng Trung Quốc là khoản vay 2 tỷ USD Gazprom.
Mặc dù Bắc Kinh chính thức lên án các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đứng trước sự lựa chọn giữa thị trường Nga ngày càng teo tóp và thị trường phương Tây khổng lồ, các ngân hàng Trung Quốc đã có quyết định riêng. “Quan hệ đối tác chiến lược” không loại trừ sự thận trọng về tài chính.
Trong lĩnh vực năng lượng, Nga chỉ là một trong nhiều nhà cung cấp dầu lửa cho Trung Quốc ", bao gồm Angola, Guinea Xích đạo, Iraq, Turkmenistan và cả Iran. Tehran đang giúp Trung Quốc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng.
Trong một số trường hợp, cụ thể là Turkmenistan, tổn thất của Nga song hành lợi nhuận ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong mấy năm qua, luồng khí đốt Turkmenistan chảy sang Nga (để bán lại cho Châu Âu) đã cạn kiệt. Hồi tháng 1/2016, Gazprom tuyên bố sẽ ngừng hoàn toàn việc mua từ Turkmenistan, sau khi giao dịch khí đốt giữa hai bên đã đã giảm mạnh từ mức 40 tỷ mét khối khí đốt (2008) xuống còn 4 tỷ mét khối trong năm 2015.
Trong khi đó, Turkmenistan chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Trong ba tháng đầu năm 2016, Turkmenistan đã cung cấp Trung Quốc với 10,6 tỷ mét khối khí đốt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015. Hệ thống đường ống khí đốt Trung Á-Trung Quốc hiện đang vận hành 3 đường ống. Đường ống thứ 4 đang được xây dựng và sẽ nâng g công suất vận chuyển lên 85 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.
"Về bản chất," hai nhà phân tích Eder và Huotari viết, "thay vì dùng con bài Trung Quốc để làm đối trọng với Châu Âu, Nga đã bị biến thành một con bài trong tay Trung Quốc”.
Về sự khác biệt giữa hai chính sách “xoay trục sang Châu Á” của Mỹ và Nga, có thể nói chính sách xoay trục của Mỹ có tính chất “đa phương” với sự tham gia của nhiều cường quốc Châu Á trong khi chính sách của Nga lại “đơn phương”, tập trung chủ yếu vào Trung Quốc. Nga đã không xoay trục sang toàn bộ Châu Á, mà chỉ xoay sang Trung Quốc để bị biến thành “đối tác đàn em”.
Nhà phân tích Gabuev cho rằng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào năm ngoái và các hội nghị thượng đỉnh APEC là "sai lầm".
Xem ra, chính sách xoay trục của Nga sang Châu Á sẽ tiếp tục kém hiệu quả, khi nền kinh tế Nga tiếp tục xuống dốc và quan hệ với Châu Âu tiếp tục căng thẳng. Thế nhưng, việc Nga thất bại trong chiến lược “xoay trục sang Châu Á”, không nhất thiết đồng nghĩa với việc Moscow mất đi sự “thông cảm chính trị” của Bắc Kinh.