“Bè lũ bốn tên” muốn lật đổ Chủ tịch Tập Cận Bình?

Google News

Truyền thông Trung Quốc xôn xao về tin đồn về “bè lũ bốn tên” mới gồm những chính khách có vai vế muốn lật đổ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐSC
Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.
Theo The Diplomat, truyền thông Trung Quốc cho rằng "bè lũ bốn tên” mới này gồm Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu và Bạc Hy Lai. Những người này đã cùng nhau kết bè phái với âm mưu lật đổ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thông qua một cuộc đảo chính.
Dù đây mới chỉ là tin đồn nhưng một số sự kiện thực tế đã khiến truyền thông Trung Quốc có cơ sở để "bán tín bán nghi" về sự xuất hiện của "bè lũ bốn tên” mới này.
Thứ nhất, khi cựu Ủy viên thường vụ  Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang bị khai trừ khỏi ĐCS Trung Quốc ngày 5/12/2014, truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin ông Chu "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng về nguyên tắc chính trị, tổ chức và bí mật".
Hôm 3/4, Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã chính thức khởi tố cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang (72 tuổi). Ông Chu đã trở thành quan chức cấp cao nhất trong ĐCS Trung Quốc đối mặt với tội danh tham nhũng.
Trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực, ông Chu từng nắm quyền kiểm soát các lực lượng cảnh sát, cơ quan tình báo, tòa án và cơ quan công tố ở Trung Quốc. Là Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Chu từng là một trong 9 quan chức cấp cao nhất điều hành quốc gia 1,3 tỷ dân. Tới năm 2012, ông này về nghỉ hưu.
Thứ hai, một tuần sau khi Chánh văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch bị điều tra tội "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng", Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp với nội dung phản đối tư tưởng bè phái chính trị vào ngày 29/12/2014. Trong cuộc họp này, chính phủ Trung Quốc đã nêu rõ những quy định cấm "tập hợp các cá nhân để kết thành bè phái chính trị hay kết bè phái để mưu lợi cá nhân".  
Thứ ba, vào ngày 18/3/2015, trong một bài báo được đăng trên Nhật báo Giám sát và Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc Zhou Qiang đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm mà ông này học được từ Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Điều đáng nói, ông Zhou nhấn mạnh Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai đã "chà đạp lên luật pháp, làm suy yếu sự đoàn kết trong đảng và tham gia các hoạt động chính trị phi chính phủ".
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc Zhou Qiang cáo buộc
Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai đã "chà đạp lên luật pháp, làm suy yếu sự đoàn kết trong đảng..."  
Tuy nhiên, những bằng chứng trên dường như chưa đủ tính thuyết phục về việc bốn nhân vật quyền lực trong giới chính trị Trung Quốc kết thành "bè lũ bốn tên" mới nhằm lật đổ Tập Cận Bình. Không có bằng chứng nào cho thấy Từ Tài Hậu cùng Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch và Bạc Hy Lai tham gia "các hoạt động chính trị phi pháp". Do đó, tội của cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu chỉ là nhận hối lộ chứ không phải tham gia âm mưu đảo chính. 
Trong khi đó, Lệnh Kế Hoạch cũng được xác định không liên quan gì tới hoạt động kết bè phái với Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai. Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy Chu Vĩnh Khang hay Bạc Hy Lai tham gia “Nhóm Sơn Tây” của Lệnh Kế Hoạch. Nhóm này gồm các thành viên là quan chức chính phủ và doanh nhân xuất thân từ tỉnh Sơn Tây.
Thậm chí, cũng không có bằng chứng xác đáng nào có thể chứng minh Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai âm mưu tiến hành đảo chính. Nhiều khả năng trước khi xảy ra vụ  cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào Lãnh sự quán Mỹ xin tị nạn hồi tháng 2/2012, Chu Vĩnh Khang đã đánh giá cao Bạc Hy Lai. Ngoài ra, có thể ông Chu đã liên lạc riêng với ông Bạc để nghĩ cách giải quyết vụ bê bối Vương Lập Quân. Tuy nhiên, khó có thể khẳng định được rằng Chu Vĩnh Khang cam kết sẽ hậu thuẫn cho Bạc Hy Lai.
Cuối cùng, không có bằng chứng nào cho thấy "bè lũ bốn tên” mới đã tổ chức các cuộc họp riêng để bàn bạc với nhau. Cơ hội duy nhất để họ xuất hiện cùng một địa điểm với hàng ngàn người khác là trong các kỳ họp Quốc hội Trung Quốc. Do đó, theo Diplomat, không thể chứng minh cả 4 người này cùng tham gia vào "các hoạt động chính trị phi chính phủ”.
Theo Minh Thu /Infornet

>> xem thêm

Bình luận(0)