25 năm sống chung, 11 năm chăm chồng ốm
Chị Nguyễn Thị Hạnh (43 tuổi, ở TP.HCM) và anh Nguyễn Văn A (60 tuổi, ở Long An) cưới nhau từ năm 1987. Đến nay, đã 25 năm, tuy không có một mụn con nào nhưng anh chị vẫn hạnh phúc.
|
Vợ chồng ngoài duyên còn nợ. Chị Hạnh đang sống những ngày tháng vất vả nhưng ý nghĩa |
Vào năm 2001, sau một ngày đi làm về, anh A thấy đau nhức khắp người, ho ra máu, uống thuốc không đỡ. Chị Hạnh đưa chồng đi khám một vài nơi, các bác sĩ không biết anh bị bệnh gì.
Đến năm 2003, anh A lại đau khắp người, chị Hạnh đưa chồng đến bệnh viện 115 để chữa trị. Tại đây, các bác sĩ cũng không xác định được bệnh nên chuyển anh sang Bệnh viện Ung bướu. Tại đây, sau các xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ cho biết, anh bị ung thư phổi.
Nghe tin, chị Hạnh như chết lặng nhưng vẫn cố gắng động viên chồng yên tâm chữa trị, phẫu thuật khối u.
“Lần đó, bao nhiều tài sản trong nhà, tôi đều mang đi bán để chữa trị cho anh ấy, với mong muốn, sau khi xuất viện, hai vợ chồng sẽ làm lại.
Anh ấy xuất viện, sức khỏe còn yếu nhưng vẫn ham làm. Ngày nào cũng vậy, anh ấy cố gắng chạy xe ôm, tối về người đau nhức lại uống thuốc. Khuyên anh nghỉ dưỡng bệnh nhưng không chịu và bảo đi làm cho vui” - Chị Hạnh cho biết.
Năm 2007, khi đang chạy xe ôm thì bất ngờ anh A bị ngã xe, nằm bất tỉnh trên đường. Nghe tin, chị Hạnh tức tốc chạy đến đưa chồng vào Bệnh viện 115 để chữa trị. Tại đây, các bác sĩ cho biết, anh A có một khối u não.
Đây là khối u thứ phát nên có thể dùng hóa chất khống chế, kéo dài sự sống cho anh A.
Chị Hạnh quyết định bán đi căn nhà của hai vợ chồng đang ở, lấy tiền chữa trị cho chồng. Một mình chị, vừa chăm sóc chồng ở bệnh viện, vừa kiếm tiền chi tiêu hằng ngày.
Đổi lại, bệnh tình của anh A cũng thuyên giảm. Trí nhớ của anh dần cải thiện. Gần một năm ròng rã, anh A được xuất viện. Hai vợ chồng phải sống cảnh nhà trọ.
Thương vợ nên dù sức khỏe còn yếu, anh A vẫn tranh thủ khi vợ vắng nhà, lén đi làm nghề xe ôm. Thấy anh ốm yếu nên nhiều khách sợ, không dám đi.
Thu nhập không được bao nhiêu mà ngày ngày vẫn phải uống thuốc, tái khám phải nhập viện khiến anh A phải suy nghĩ nhiều hơn.
Năm 2009, anh A bị tai biến mạch máu não, dù được vợ đưa đi cấp cứu kịp thời và điều trị hàng tháng nhưng anh vẫn bị liệt nửa người. Chị Hạnh phải nghỉ làm để vào bệnh viện chăm sóc chồng, không có thu nhập nên khó khăn chồng chất khó khăn.
Bán máu cứu chồng, phát hiện ung thư vú
Để có tiền chữa trị cho chồng, chị Hạnh phải chạy đi vay anh em, bạn bè và bà con lối xóm nhưng vẫn không đủ tiền để trang trải. Nhiều khi không có tiền mà đến ngày xạ trị cho chồng, chị Hạnh phải đi bán máu mình, lấy tiền lo thuốc men cho anh.
Có những lúc đang chăm chồng, nếu ai thuê chăm sóc người thân của họ trong bệnh viện, chị Hạnh vẫn vui vẻ nhận làm. Mỗi một ngày, chị cũng được 250 ngàn đồng. Nhờ đó, mà chị có thời gian chăm sóc chồng nhiều hơn.
Có những hôm, ban ngày chị Hạnh phải đi bán hàng ở chợ, ban đêm thức trắng chăm chồng và chăm bệnh nhân khác.
Nhưng mọi cố gắng của chị không được đáp lại, bệnh của anh A ngày càng nặng. Các bác sĩ cho biết, anh không sống được bao nhiêu nữa nên cho về nhà.
Thấy anh A ốm yếu, chủ nhà trọ liên tiếp lấy cớ đuổi khéo. “Cứ như thế, ở chỗ nào cũng vậy, vợ chồng tôi chỉ ở được 1-2 tháng lại bị đuổi. Thấy vậy, mẹ tôi kêu hai vợ chồng dọn về sống chung. Dù bất tiện, vì nhà chật lại đông người, anh ấy bị bệnh như vậy, đi ở trọ lại tốn thêm một khoản nữa, tôi đành phải dọn về” – chị Hạnh tâm sự.
Hằng ngày, chị Hạnh vừa đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống của hai vợ chồng, lo tiền thuốc và tiền định kỳ đưa anh đi xạ trị rồi phải chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho chồng khiến chị không lúc nào có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân.
Thế nhưng, tai họa chưa dừng trên vai đôi vợ chồng không con. Tháng 6/2011, chị Hạnh thấy trong người đau nhức, nhất là phần ngực.
Đi khám bác sĩ cho biết, chị bị ung thư vú phần ngực trái. Nếu có tiền mổ, chị sẽ thoát chết. Nhưng chị Hạnh vẫn cắn răng chịu đựng để dành tiền mua thuốc cho chồng.
Chị chỉ có một mong ước, chồng nhanh khỏe mạnh và cùng chị đi hết con đường. Nhưng nay anh chẳng còn sống được bao lâu nữa, chị phải làm trọn bổn phận của một người vợ, như trước kia anh đã chăm sóc chị trong những lúc chị cần anh nhất.