Bác sĩ day dứt vì không cứu được bệnh nhân
Câu chuyện xúc động trên được bác sĩ Việt Hương-Khoa Ung bướu Nhi, Bệnh viện K, cơ sở II Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ trong chương trình truyền hình trực tiếp “Cuộc sống vẫn chờ” phát lúc 20h30 ngày 19/1.
Chứng kiến những bệnh nhân ung thư bị dày vò trong đau đớn khiến những người cứng rắn nhất cũng phải xót xa, rơi lệ. Nhưng một người phải thường xuyên chứng kiến nỗi đau của những bệnh nhân này là bác sĩ Việt Hương.
Chị chia sẻ: “Bản thân tôi đã trực tiếp vĩnh biệt nhiều cháu. Trong đó có cháu Ánh. Cháu đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, tâm tư. Có lần, chọc dịch phổi của cháu ra cả chậu máu. Cháu đã quỳ xuống van xin tôi cứu sống. Tôi muốn nói với cháu bệnh này rất khó chữa nhưng lại rất khó nói. Tôi thấy mình như bất lực, vì điều van xin đấy vượt quá sức tôi và y học”.
Nhưng trong những bệnh nhân ung thư, có bệnh nhi đã mang lại niềm vui cho chính bác sĩ Hương. Trong trường quay, cháu Nguyễn Hồng Nhung đã đến tham dự chương trình. Nhìn cháu với mái tóc dài đen nhánh dễ thương không ai nghĩ cháu mắc căn bệnh ung thư quái ác. Giờ, bệnh cháu đã ổn định vì đáp ứng tốt phác đồ điều trị.
Ông nội cháu, ông Lê Công Định ở thành phố Nam Định đã xúc động chia sẻ: “Cháu tôi mắc phải một căn bệnh hiếm gặp, ung thư túi noãn hoàn. Còn tôi, một chiến sĩ bộ đội 15 năm chiến đấu trong miền Nam, ra Bắc thì tôi đã già. Con trai tôi câm điếc kết hôn với cô gái cũng câm điếc.
Khi sinh ra cháu Nhung, gia đình tôi rất mừng và lúc cháu 20 tháng tuổi thì mắc bệnh ung thư. Chỉ qua 1 đêm sau khi tôi nhận được tin này tôi vừa khóc vừa suy nghĩ, tóc tôi bạc trắng.
Mọi người trong họ đều cho rằng không cứu được cháu. Nhưng tôi nghĩ bác Hồ đã dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” nên tôi quyết tâm chữa cho cháu.
Được sự nhiệt tình của bệnh viện, sự quyết tâm từ ngành y, từ một bác sĩ tận tình như bác sĩ Hương nên cháu tôi được như ngày hôm nay. Cả gia đình tôi ghi ơn bác sĩ Hương mãi mãi”.Ông Định còn đọc tặng bác sĩ Hương bài thơ trong đó có đoạn viết: “Ghi ơn công bác gấp 10 công sinh”.
Còn bác sĩ Hương bày tỏ: Hồng Nhung vào viện khi cháu mới 20 tháng tuổi. Lúc đó, không ai nghĩ cháu có thể sống được. Nhưng nhìn cháu hiện nay, chúng ta hãy tin vào y học.
Cháu được như ngày hôm nay là cháu đã có một người ông tận tụy. Một người ông nhiều tuổi đã không quản ngày đêm cháu quấy khóc vẫn bế cháu trên tay. Tình cảm của người ông như vậy thật đáng quý và vĩ đại. Tôi không làm gì vĩ đại cả. Những gì tôi làm là trách nhiệm của bác sĩ và chọn ra một phác đồ để điều trị cho cháu.
|
Bác sĩ Trần Văn Công, trưởng khoa Nhi, bệnh viện K khám cho bệnh nhi. |
Những con người có tấm lòng
Trong chương trình “Cuộc sống vẫn chờ” còn có sự tham gia của bác sĩ Trần Văn Công, trưởng khoa Nhi, bệnh viện K, cơ sở 2. Bác sĩ Công không chỉ là người trực tiếp điều trị cho các cháu, mà anh cũng là người đứng ra tổ chức cho các cháu nhiều hoạt vui chơi, sinh hoạt bổ ích.
Anh Công chia sẻ: “Ngoài việc quan tâm đến kết quả điều trị của các cháu. Tôi còn quan tâm việc các cháu được ra khỏi viện và đến trường học. Tôi làm những vần thơ về các cháu để các cháu cất lên tiếng hát đúng tâm tư của mình”. Trong những năm chữa trị cho các cháu, anh cũng có lúc cảm thấy day dứt khi có cháu điều trị không được. Điều này làm cho những người thầy thuốc như anh trăn trở.
Còn nhạc sĩ Huyền Ngọc người phổ những bài thơ của bác sĩ Công cho các bệnh nhi ung thư hát, tâm sự: “Tình cờ, tôi đến viện K để dàn dựng chương trình cho viện. Sau đó gặp bác sĩ Công, anh nói có dự án mở lớp học hát cho bệnh nhân ung thư. Tôi cảm nhận được rằng bác sĩ Công không chỉ chữa bệnh mà muốn các cháu nhỏ thấy viện như gia đình. Các em được ca hát. Và tôi đã tham gia. Từ 2006 đến nay, cứ 2 buổi/tháng tôi đến để giúp các cháu học hát”.
Chị Ngọc luôn tâm nguyện, sẽ cố gắng làm tất cả để giúp các cháu vơi bớt những nỗi đây. Quả thật, giai điệu của những bài hát là liều thuốc giảm đau tinh thần tuyệt vời. Các cháu hứng khởi, thể hiện hết mình cho bài hát. Và giờ đây, không còn là các bệnh nhân, mà chỉ còn những ca sĩ nhí đang thể hiện thật sinh động.
Mỗi người, mỗi lĩnh vực, nhưng ở họ đều tựu chung một tấm lòng thương cảm với những bệnh nhân ung thư. Sư thầy Thích Đàm Chung, trụ trì chùa Phổ Linh, Tây Hồ, Hà Nội là người thầm lặng giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh từ hơn chục năm nay.
Không ồn ào, nhà chùa đã lặng lẽ thu thập danh sách các bệnh nhân ung thư, đến từng giường bệnh để an ủi và chia quà cho những bệnh nhân nặng. Hằng tháng, sư thầy tổ chức những khoá tu an lạc cho khoảng 500-800 bệnh nhân nặng, giúp họ vơi bớt những gánh nặng về tâm lý.
Sư thầy kể: “Sư thầy tôi điều trị ở viện K nên tôi có dịp đến đây. Mỗi khi nhớ thầy, tôi lại vào viện K. Một lần có cụ kêu đau, tôi biếu cụ tràng hạt và niệm phật. Cụ mừng và không kêu khóc nữa. Từ đó, tôi vào viện và động viên an ủi người bệnh. Từ năm 2008, chùa Phổ Linh bắt đầu đưa bệnh nhân về chùa tu học. Bệnh nhân bị bệnh họ cần chỗ dựa tinh thần. Tổ chức khóa tu để xoa dịu nỗi đau.
Cũng trong chương trình truyền hình này, thầy thuốc đồng y Phạm Cao Sơn đã ủng hộ các bệnh nhi ung thư 10 triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU