Chào Thuý Diễm, tổng kết lại năm 2021, chị sẽ dùng những tính từ nào để miêu tả năm vừa qua của mình?
Năm vừa qua là một năm đầy biến động. Có lúc tôi cảm thấy rất thăng hoa khi công việc đạt được những thành tựu riêng cho bản thân, cũng có lúc tôi cảm thấy tâm lý ảnh hưởng kinh khủng bởi đại dịch và những chuyện thị phi khiến tôi cảm thấy lúc lên lúc xuống. Càng trải qua nhiều chuyện, tôi càng cảm thấy mình trung thành hơn, chín chắn hơn trong cách suy nghĩ lẫn kinh nghiệm cho bản thân.
Những lúc mệt mỏi, phải ở nhà nhiều vì dịch, hai vợ chồng chị động viên nhau hay tìm cách nào để giải tỏa những áp lực tinh thần?
Trong thời gian TP.HCM bị giãn cách, tôi phải ở nhà hoàn toàn, không được làm những công việc mình yêu thích, trong 6 tháng trời tôi bị đóng băng. Lúc đó hai vợ chồng tôi gặp nhau 24/7, gặp nhau suốt. Đôi khi nhìn nhau nhiều quá cũng có những chuyện hay cự cãi nhau và tôi nghĩ hầu như cặp vợ chồng nào cũng vậy. Càng có thời gian nhiều ở gần nhau, càng dễ xảy ra mâu thuẫn, ví dụ đơn giản là xem phim, anh thích xem phim hành động, tôi lại thích ngôn tình, lãng mạn. Mỗi đêm hai vợ chồng bắt buộc xem phim chung và lúc nào trước khi xem phim cũng có màn đấu khẩu (cười). Những chuyện đó chỉ là vặt vãnh nhưng tôi cảm thấy cuộc sống đúng nghĩa là "vợ chồng" hơn so với cuộc sống thông thường. Có nhiều điều làm chúng tôi hục hặc với nhau nhưng khi suy nghĩ lại mới thấy mình sống trong một tổ ấm quá đầy đủ và ấm áp, còn ngoài kia tôi cảm thấy như bão tố, phong ba. Tôi nghĩ mình vẫn còn bờ vai để dựa vào, thậm chí mình khó chịu quá, cọc với nhau cũng không ai làm gì (cười).
Có thể nói giai đoạn ở nhà đó là thử thách hôn nhân của hai anh chị không?
Tôi cũng đọc báo và thấy tình hình khi thế giới trải qua đại dịch, các cặp vợ chồng hiện đại lại dễ chia tay nhiều hơn. Chuyện cự cãi nhau trong mùa dịch khi công việc, kinh tế bị ảnh hưởng, con cái và tất cả mọi việc khác đổ dồn lên một thứ sẽ rất dễ sinh ra căng thẳng. Bình thường có thể bỏ qua, thông cảm cho nhau mọi chuyện vì tâm lý thoải mái. Còn khi đã căng thẳng quá, ai cũng sẽ cáu gắt và cự cãi nhau hơn. Nhiều cặp nóng quá, không nhịn nhau sẽ dễ dẫn đến việc chia tay. May mắn cho tôi khi hai vợ chồng tôi tính tình ôn hoà, dù có giận nhau cách mấy cũng trong khoảng 1-2 tiếng. Đi đi lại lại trong nhà rồi cũng nói chuyện. Tất nhiên ở trong nhà chỉ có chừng đó, chạm mặt nhau rồi cũng huề, ai muốn huề trước sẽ kiếm chuyện nói và huề thôi. Dây đàn căng quá đôi khi cũng nhả ra một tí mới giữ được hòa khí trong gia đình, bát kể thời gian nào, nhất là khi gia đình đang có khó khăn về mọi thứ.
Khi ở nhà quá nhiều, ngoài áp lực gặp nhau quá nhiều và va chạm nho nhỏ, gia đình chị có gặp áp lực kinh tế không vì chị và anh Thành đều làm ra rất nhiều tiền từ việc chạy show, nay tất cả hoạt động showbiz dừng lại cũng gây ảnh hưởng?
Thật ra tôi cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Tất cả công việc tôi và anh Thành phải thường xuyên làm như đóng phim, sự kiện, quảng cáo… Tất cả bị ngưng đọng lại 6 tháng trời, tôi bị mất rất nhiều dự án phim. Ngoài ra tôi cũng hùn hạp kinh doanh nên khi bị ngưng động lại, không kinh doanh được, tôi cũng bị lỗ. Tôi nghĩ bất kể gia đình nào cũng bị hụt kinh tế vì dịch nhưng may mắn vợ chồng tôi trước nay không tiêu xài quá hoang phí. Tôi luôn dè sẻn, có kế hoạch rõ ràng, có quỹ phòng khi gia đình không có nguồn thu nhập nên tôi cảm thấy mình may mắn vì đã dự phòng khoản đó.
Có phải trong thời gian nghỉ dịch, chị thúc đẩy anh Thành tập thể dục rất nhiều đúng không vì sợ anh ấy tăng cân mùa dịch?
Tôi và anh Thành trong mùa dịch chỉ toàn ăn chơi với con và hầu như không làm việc gì khác nên lên kí chính là nỗi ám ảnh. Tôi lại là người bày đầu ra nấu món ăn vì ở nhà buồn quá, lên mạng tìm tòi món này món kia, thấy gì hay sẽ nấu món đó. Ngày nào hai cha con cũng ăn món ăn tôi nấu, hậu quả khiến ai cũng lên kí. Để cảm thấy không bị sồ sề, dư mỡ nên hai vợ chồng tôi tự cổ động nhau tập thể dục. Đôi khi tôi là người lười hơn và anh Thành phải đôn đốc tôi. Khi tập một mình, chắc chắn sẽ không có động lực nhưng khi tập chung, nếu mình lười mà chồng tập siêng năng, mình sẽ cảm thấy không được, phải ráng tập. Hai vợ chồng cùng tập, cùng động viên tinh thần nhau. Sau đó tôi nhận ra khi tập thể dục vừa có tinh thần tốt, vừa không bị lên cân khi trở lại công việc.
Hình ảnh anh Lương Thế Thành tăng cân đứng rửa chén đầu bù tóc rối giống người đàn ông nội trợ, khán giả đùa: "Còn đâu nam thần soái ca màn ảnh", chị đọc bình luận cảm như thế nào?
Tôi hay chọc anh Thành, mỗi khi anh ấy làm việc nhà tôi thấy rất dễ thương, đàn ông đôi khi bê bối một chút cũng có nét quyến rũ riêng. Hình ảnh người tài tử láng mượt trên màn ảnh là hình ảnh cho khán giả, còn trong gia đình tôi không cần một người đàn ông suốt ngày chải chuốt mà công việc nhà bắt vợ làm, tôi không cần một người chồng như vậy, sự bồm xồm bù xù đó là hình ảnh phụ giúp việc nhà, chăm con. Anh Thành ở nhà là như vậy, chính là người chồng tôi cần của gia đình (cười).
Trải qua mùa dịch, có khi nào hai vợ chồng ngồi lại với nhau, cảm thấy đối phương thay đổi so với trước. Khi hai người tất bật công việc, không để ý đến sự thay đổi đó không?
Chưa bao giờ vợ chồng tôi có khoảng thời gian dài bên nhau nhiều như thế, hầu hết ai cũng tất bật với công việc, bị cuốn theo cái guồng quay từ năm này tới năm khác. Chúng tôi không có thời gian ngồi lại, nghiền ngẫm những gì đã qua, rút kinh nghiệm cho bản thân. Trong khoảng thời gian giãn cách, chúng tôi có khoảng không gian lặng xuống để ngồi nghiền ngẫm bản thân. Trong quãng đường sự nghiệp cả hai đã trải qua, đã làm được gì, rút kinh nghiệm của bản thân, chia sẻ với nhau, lên kế hoạch cho tương lai, có nhiều thời gian bên cạnh con, dạy cho con, chơi với con nhiều hơn, chúng tôi rất quý khoảng thời gian này vì bù đắp được rất nhiều những gì cả hai đã mất trước đây.
Khoảng thời gian ở nhà mùa dịch nhiều như vậy, hai anh chị thấy mình làm được gì cho bé Bảo Bảo không ?
Tôi không biết nấu ăn (cười), qua mùa dịch, tôi rất tự hào vì mình học nấu được nhiều món ngon cho con. Tôi có thời gian nấu những món mà cả hai ba con đều thích như cơm tấm, phở,... hoặc những món hay, lạ tôi tìm được trên mạng. Tôi là người đam mê, dành toàn bộ thời gian cho công việc, bản thân lại không biết nấu ăn, may mắn tôi lấy được người chồng và gia đình chồng không hờn trách vấn đề đó. Nó khiến tôi cảm thấy bị ỷ lại, dựa vào mẹ chăm sóc gia đình. Trong mùa dịch tôi thay đổi khá nhiều, có thời gian bên cạnh con, chứng kiến được cột mốc thời gian phát triển của con, bé biết nói nhiều hơn, biết đọc chữ, biết đánh vần, tâm sự nhiều hơn với ba mẹ, nhận biết được màu sắc. Điều đó khiến tôi thấy trước đó tôi chưa bao giờ ở gần con nhiều, chưa hiểu được tính nết của con, thói quen của con. Anh Lương Thế Thành cũng vậy, khi hai vợ chồng quá tất bật với công việc mà bây giờ lại có thời gian gần nhau, mình cảm thấy thương nhau, gần gũi nhau nhiều hơn.
Khi có cơ hội ở nhà nhiều với bé Bảo Bảo, hai bạn đã tập được thói quen tốt gì cho bé trong khoảng thời gian dài như vậy?
Tôi thấy bé vui vẻ, lanh lợi, vui chơi suốt ngày, phát triển hơn rất nhiều so với lúc hai vợ chồng đi làm xa, bé chỉ ở nhà với ông bà, xem tivi, xem hoạt hình. Tôi nghĩ rằng sau này mình phải phân chia rõ ràng hơn giữa công việc và gia đình. Vì tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh, phải hy sinh một chút niềm đam mê của mình để có thời gian riêng cho gia đình, làm mẹ làm vợ là điều thiêng liêng của người phụ nữ. Tất nhiên sự nghiệp cũng quan trọng nhưng gia đình đôi khi lại là phần quan trọng hơn trong cuộc đời mình.
Chị có tập cho con những thói quen tốt nào không? Khi quan sát, hiểu được con nhiều hơn, hai anh chị có thay đổi cách giáo dục con để phù hợp với bé hơn không?
Trong mùa dịch, tôi bắt đầu dùng hình thức phạt với bé, nhận biết con mình có lúc nghịch, bướng chỗ nào hai vợ chồng cùng đưa ra phương án giải quyết. Con nít có những lúc bướng, không nghe lời vì thế bé bị phạt hơi nhiều. Khi bé hư tôi bắt bé khoanh tay, phạt không cho xem tivi, không chơi đồ chơi. Hai vợ chồng tự vạch ra điều lệ cần phải đối phó với bé, bé đang trong độ tuổi lên ba, độ tuổi chống đối nên cũng khá vất vả, tâm lý bé bắt đầu thay đổi, bé có hiện tượng bướng, không nghe lời, ăn vạ thế là chúng tôi phải ngồi lại bàn với nhau cách xử lý.
Hai anh chị áp dụng cách dạy con như thế nào? Dạy con theo kiểu khoa học hay theo kiểu truyền thống "thương cho roi cho vọt"?
Tôi không muốn dạy con theo cách đòn roi, ngày xưa ông bà có câu: "Thương cho roi cho vọt" nhưng chính bản thân mình từng là trẻ con, không thích bị ăn đòn. Khi dạy con tôi phải răn đe, cứng rắn nhưng tôi muốn dạy con hiểu, nhận ra vấn đề nhiều hơn. Đâu phải cứ dùng đòn roi là bé sẽ nghe lời, đôi khi điều đó khiến đứa trẻ bướng hơn. Hai vợ chồng tôi dạy con bằng cách dùng hình phạt, bé sẽ khoanh tay dựa lưng vào tường lâu thật lâu khi nào hiểu được lỗi của mình, hối lỗi, xin lỗi ba mẹ thì thôi. Đôi khi bắt bé đếm số, đọc chữ để con có thể nhớ được con số, con chữ mình đã học. Hai vợ chồng tôi cũng không phải chuyên gia, tôi cảm thấy phương pháp nào hay từ bạn bè, trên báo thì mình áp dụng.
Hiện tại môi trường sống của trẻ khá nguy hiểm. Khi chị đọc các thông tin, chị có thấy lo lắng cho con mình không?
Tôi rất đồng cảm, rất đau xót khi đọc những thông tin trẻ em bị bạo hành, hiếp đáp. Khi đọc các bài viết, hình ảnh khiến tôi mất ngủ mấy đêm. Tôi lo lắm, nhìn thấy con mình bé xíu, các bé khác cũng thế, trẻ em đã làm gì mà bị bạo hành đến vậy, tôi không tin những chuyện này lại có thể xảy ra với trẻ con. Tôi rất muốn bảo bọc con mình nhiều hơn khi thế giới bên ngoài quá nhiều biến đổi. Càng hiện đại càng có nhiều vấn đề nguy hiểm xảy ra cho trẻ em nên để bảo vệ được con, chắc chắn mình phải dạy dỗ con và hướng dẫn con tự bảo vệ bản thân mình, đó là điều không riêng gì tôi, cả anh Thành và ba mẹ nào cũng chắc chắn làm điều đó. Hiện giờ con tôi còn quá bé, bé có ba tuổi hơn nên sự bảo bọc bây giờ của hai vợ chồng là tự mình bảo bọc lấy con, đi xa là lo lắng suốt 24/24, quan tâm môi trường học của bé, đi học về phải trò chuyện với con, xem con có biểu hiện gì khác, thân thể tay chân có trầy trụa hay có vết thương để mình phát hiện kịp thời và phản kháng liền, luôn trao đổi với thầy cô giáo trên trường xem tình trạng trường lớp của con, con mình học hành như thế nào. Sự quan tâm của cha mẹ tôi nghĩ rất quan trọng để bảo vệ con.
Một năm vừa qua có nhiều biến động, năm sau lại năm tuổi của chị. Thật ra năm tuổi không phải lúc nào cũng xấu hết, nhiều người cho rằng năm xấu hay tốt là do tâm lý của mình nữa, chị có cảm thấy vậy không?
Tôi tin vào nhân quả mình tạo ra, mình sẽ gặt lấy từ những hành động mình làm. Tôi không làm gì xấu nên sẽ không gặp chuyện xấu, tôi nghĩ rằng đức năng thắng số. Tôi cứ làm hết những gì mình cảm thấy tốt đẹp cho đời, cho người và cho bản thân mình. Những chuyện xui rủi nho nhỏ, trong cuộc sống ai cũng đều gặp phải, mình mạnh mẽ vượt qua được mình sẽ có thêm bài học, kinh nghiệm nên tôi đang rất sẵn sàng đối diện. Năm mới ai cũng hăm he nói năm tuổi của mình nhưng tôi cảm thấy điều đó rất bình thường, thậm chí tôi đang hy vọng một năm mới, biết đâu năm tuổi của mình, mình cảm thấy sung sức hơn, máu lửa hơn trong công việc.
Chị cảm thấy lần vượt qua năm tuổi có giúp chị có nhiều niềm tin hơn trong lần đón năm tuổi này không?
Tất nhiên là trong cuộc đời mỗi người đều phải trải qua năm tuổi một đến hai lần. Tôi thấy rất bình thường, giống như mọi người nói mọi chuyện đều do mình mà ra, mình gặt lấy hậu quả của nó cho nên tôi biết mình đã làm việc tốt thì chắc chắn ông trời cũng sẽ giúp đỡ mình, mang lại điều tốt đẹp cho mình.
Thường trong năm tuổi, mọi người sẽ dè chừng hơn trong việc nhận dự án, việc kinh doanh. Trong khi chị rất đa năng đóng phim, còn kinh doanh nữa, bản thân anh Lương Thế Thành có khuyên vợ tính toán kỹ hơn hay lo lắng cho vợ trong năm tuổi không?
Gia đình tôi không thiên về mê tín, mọi thứ rất bình thường. Mỗi năm nhà tôi có tục lệ, cả hai vợ chồng sẽ cùng đi chùa, mang những quẻ bình an về cho gia đình. Mỗi khi có chuyện không vui, chồng tôi luôn cạnh bên để cùng động viên, chia sẻ. Khi mình có một chỗ dựa tinh thần vững chắc, tâm mình luôn hướng về điều tốt đẹp và chân thành. Trong công việc không bao giờ tôi bỏ nghề, không lẽ năm xấu tôi sẽ không đóng phim, không bao giờ có chuyện đó được. Tôi nghĩ năm tuổi, là một năm không tốt với mình thì mình lại càng phải cố gắng hơn. Có thể mình sẽ không gặp may mắn nếu như mình đóng phim dở nhưng khán giả vẫn thương, mình phải dùng hết sức lực để trong mỗi vai diễn của mình được hoàn thiện, được lòng khán giả hơn.
Hiện xu hướng diễn viên được mời ra Hà Nội đóng phim rất nhiều, phim ngoài đó được đầu tư và chất lượng nhân vật cũng tốt hơn. Nếu đóng phim ngoài Hà Nội, phải xa con, xa chồng lâu, chị có cân nhắc điều này không? Nếu có vai diễn hay để đời chị có sẵn sàng xa chồng, xa con một thời gian dài không?
Tôi là diễn viên rất đam mê nghề. Nếu như có vai diễn hay, có sự đồng ý của chồng, của gia đình tôi vẫn sẽ tham gia. Có khoảng thời gian tôi quay bộ phim “Cát đỏ” do VFC đầu tư trong sáu tháng, tôi dành khá nhiều thời gian cho dự án phim mình đam mê. Khi có dự án phim chất lượng, chắc chắn tôi không từ chối, nhưng phải hỏi ý kiến anh chồng mình, không biết anh ấy có đồng ý không (cười). Tôi là một người mẹ, có trách nhiệm phải chăm lo con cái, gia đình. Tôi không thể tự quyết định được, chồng mình tôn trọng mình, mình càng phải tôn trọng chồng mình nhiều hơn, đặc biệt phải có trách nhiệm với con cái, gia đình. Niềm đam mê với công việc của tôi rất mãnh liệt nhưng đều phải phụ thuộc vào cái gật đầu của chồng.
Nếu như có vai diễn rất hay, đòi hỏi có nhiều cảnh hôn, cảnh nóng bỏng với bạn diễn nhưng chồng chị không thích điều đó, chị có dám làm không vì có thể vai diễn đó sẽ là vai diễn để đời với chị, tạo nên tiếng vang rất lớn?
Chồng tôi không thích, tôi sẽ không làm, đôi khi tôi chỉ cần sự bình yên của gia đình hơn là hào quang mãnh liệt của nghề nghiệp mang lại, tôi thích cuộc sống nhẹ nhàng êm đềm.
Mọi người hay trêu nhau "nhà là phải có nóc", những người phụ nữ muốn gia đình hạnh phúc phải giữ cái uy của chồng, chị nghĩ điều này có đúng không?
Dù mình có là nóc nhà, có làm chủ gia đình, là người đưa ra quyết định hay không, mình vẫn phải tôn trọng ý kiến của các thành viên còn lại, gia đình được xây dựng từ sự yêu thương, tôn trọng của tất cả mọi người. Nếu tôi tự đưa ra quyết định, không quan tâm đến cảm xúc của người khác sẽ khiến mọi người trong gia đình bằng mặt không bằng lòng, tôi không thích điều đó xảy ra. Khi có việc mình muốn làm mà chồng mình lại đồng ý trong sự bắt buộc, tôi nghĩ sự đồng ý đó làm cho mình thấy không thoải mái để làm việc.
Trong các cặp gia đình khác, vợ sẽ quản lý tài chính trong gia đình, phát lương chồng một tháng bao nhiêu, chị có như vậy không?
Anh Lương Thế Thành rất "ngoan", làm bao nhiêu tôi nắm giữ hết. Khi mà anh ấy cần việc gì, cứ trình bày, tôi đưa thôi. Đôi khi bạn bè rủ đi chơi mà trong người không có tiền nhiều, tôi biết anh Thành cũng không dám đi đâu xa (cười).
Anh Lương Thế Thành có than phiền về việc đó không?
Anh Thành không than phiền, đôi khi tôi thấy cũng tội nghiệp, như khi lên đoàn phim hay vô tình quay chung với anh ấy bộ phim, đồng nghiệp hay nói: "Trời ơi Diễm ơi mày cho nó nhiều tiền chút đi, tao kêu nó bao cafe mà nó nói nó không có tiền". Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp anh ấy và lại cho thêm (cười).
Khi phỏng vấn anh Lương Thế Thành, anh ấy không có thú vui như đi nhậu, ăn chơi, mua sắm, anh ấy nói chỉ cần thấy chị mặc đồ đẹp, mua được túi yêu thích là đã cảm thấy vui rồi, chị có thấy anh Thành rất là cưng chiều mình, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa không?
Anh Thành rất điềm tĩnh, niềm vui của anh ấy rất đơn giản, anh Thành chỉ cần tôi cho đi cafe một tiếng đồng hồ là vui rồi, không đòi hỏi se sua, mua đồ đắt tiền quá. Mọi thứ đều hỏi ý kiến của vợ rồi mới làm, tôi rất trân trọng khi có một người chồng hiền lành, đôi khi tôi phải sắm cho chồng cái này cái kia. Cuối năm tôi cùng anh Thành đi mua sắm thả ga chứ không đến nỗi bắt ép anh ấy như vậy được (cười).
Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ có con, đặc biệt là con trai thì cả thế giới của mẹ sẽ thu nhỏ lại bên cạnh con, chị có thấy mình hơi lơ là chồng không?
Có đôi khi tôi thấy sự quan tâm dành cho con nhiều hơn chồng. Tôi cũng không nhìn ra, đôi lúc anh ấy buông vài câu vu vơ như: "Lâu lắm rồi không có làm này cho tui, bây giờ ôm con nhiều hơn tui", khiến tôi mắc cười và nhận ra điều đó. Người phụ nữ nào cũng vậy, đôi khi mình thấy cái gì đó bé bỏng, nhỏ nhoi mình phải bảo bọc chăm sóc nhiều hơn khiến mình quên mất cái sự hiện diện của cục bự hơn (cười).
Để duy trì cuộc sống hôn nhân, bên cạnh việc hiểu nhau, việc giữ lửa cũng rất quan trọng. Chị có quan trọng việc giữ lửa trong hôn nhân không, chị có làm gi để hâm nóng tình cảm vợ chồng mình hơn không?
Gia đình tôi có truyền thống rất thích đi du lịch để có thể bên cạnh nhau nhiều hơn và hâm nóng tình cảm. Mỗi năm gia đình tôi dành ra hai đến ba lần để đi du lịch cùng nhau, để hai vợ chồng có không gian riêng tư hơn và có cơ hội xài tiền nữa (cười). Tôi có nghĩ đến điều đó, khi hai vợ chồng cứ vài tháng là dành thời gian rảnh rỗi cho nhau, anh ấy thích đi đâu, thích ăn gì, thích mua sắm cùng nhau, nếu tiện sẽ dẫn con theo, còn không thì hai vợ chồng tự đi để ông bà giữ.
Trong những chuyến du lịch, qua những tấm ảnh chị diện bikini, mọi người khen nóng bỏng quá. Bản tính đàn ông có tính chiếm hữu cao, vợ đẹp cũng muốn khoe nhưng đôi khi cũng không thích. Khi thấy chị diện bikini, anh Thành có biểu cảm như thế nào?
Khi đi sự kiện, tôi có mặc đồ hở tí, người che chắn nhiều cho tôi tất nhiên là chồng. Anh Thành là người rất hiện đại, tư tưởng cũng khá phóng khoáng, khi đi du lịch, tôi mặc bikini, anh ấy cũng khá thoải mái. Nhưng tôi thấy chồng mình dễ tính mình cũng phải biết giữ kẽ ý tứ một tí, tôi nghĩ cũng nên ở mức độ nào đó, phải biết kiểm soát lại.
Từ khi có bé Bảo Bảo, không khí Tết trong gia đình chị có nhiều thay đổi hơn trước không?
Từ khi có con, Tết đầm ấm hơn rất nhiều. Ngày xưa hai vợ chồng đi diễn kịch suốt mùa Tết, đi chơi, không trang hoàng nhà cửa, sắm sửa gì nhiều. Nhưng khi có con mọi thứ thay đổi mới thấy mình trưởng thành, tôi bắt đầu sắm sửa đồ Tết, chuẩn bị áo dài cho con, chụp hình gia đình. Lên kế hoạch mùng một gia đình sẽ đi chúc Tết ông bà, đi qua Nội - Ngoại, dạy con chúc Tết, con cái là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình. Những dịp đặc biệt như Tết có con tôi thấy mùa Xuân ấm áp hơn rất nhiều so với ngày xưa.
Bây giờ Tết không còn nhiều nét đặc trưng truyền thống ngày xưa nữa. Hai vợ chồng chị có muốn giữ nét truyền thống nào của Tết cho bé Bảo Bảo không vì dù sao mình cũng là người Việt Nam, muốn giữ bản sắc cho con mình khi bé lớn dù thời đại có thay đổi thì bé vẫn nhớ đến hương vị Tết quê hương?
Thực ra Tết truyền thống rất thiêng liêng. Càng ngày tinh thần Tết càng mất đi nên tôi luôn muốn con mình cảm nhận được sự thiêng liêng của khoảnh khắc giao thừa. Sáng mùng một, tôi tạo cho gia đình mình thói quen đi chùa lạy Phật để lấy sự hưng phấn cho năm mới, tôi cũng mong muốn con mình duy trì được thói quen như Tết phải có bánh chưng, thịt kho hột vịt và trang trí gia đình. Tôi muốn gìn giữ những nét xưa của ông bà, tôi thấy Tết rất quan trọng, không muốn bị mất đi. Mình phải cố gắng gìn giữ, dạy con mình tất cả những gì mình biết được, cảm nhận được về Tết truyền thống.
Kế hoạch Tết năm nay của vợ chồng chị như thế nào?
Tết năm nay tôi mong dịch bệnh không còn căng thẳng như năm ngoái nữa để có cơ hội dắt bé đi đây đó. Sáu tháng dịch bé không được về quê Nội, không được thăm ông bà nên tôi hy vọng năm nay mọi thứ suôn sẻ, thuận lợi để bé được về quê thăm ông bà, đi chúc Tết họ hàng, cho bé một chuyến du xuân để vui chơi thoải mái, hít không khí đất trời và học hỏi được nhiều thứ để phát triển hơn. Nửa năm qua bé ở trong nhà với bốn bức tường, chỉ biết thế giới qua mạng.
Bây giờ bé Bảo Bảo cũng ba tuổi, một lứa tuổi đẹp để có thêm em để chơi chung vì sẽ không bị chênh lệch tuổi nhiều, hai anh em chơi với nhau, chăm sóc nhau cùng lớn lên trong khoảng thời gian tuổi thơ. Chị có ý định sẽ thêm thành viên cho gia đình không?
Hai vợ chồng tôi đã lên kế hoạch có thêm bé thứ hai từ năm ngoái. Nhưng dịch bệnh căng thẳng quá làm tôi sợ, tạm gác lại kế hoạch đó và hy vọng năm mới mọi thứ sẽ yên ổn hơn để cho chúng tôi thực hiện kế hoạch của mình, có thêm một bé nữa để Bảo Bảo có thêm anh chị em chơi cùng. Tôi thích tiếng trẻ con trong nhà lắm, tôi hy vọng là gia đình mình sẽ may mắn có thêm bé trai hoặc bé gái để bé Bảo Bảo có anh em trong nhà.
Cảm ơn Thúy Diễm rất nhiều về buổi trò chuyện này!