Phản cảm hay “quyền con người”?
Mới đây, trong buổi họp báo ra mắt phim về cuộc đời của Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành đã khóc nức nở chia sẻ: “Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ. Nếu ai cảm thấy thích tiền, thích hào quang thì hãy thử lên đây chạm vào nó”. Ngay lập tức, đoạn clip này được chia sẻ rộng rãi và nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều người cũng cho rằng, việc nam MC khóc lóc kể khổ là “làm quá”, bởi trong cuộc sống, bất kỳ ngành nghề nào cũng có những nỗi khổ, sự khó khăn riêng, không riêng gì người làm nghệ thuật. Hơn nữa, việc làm người nổi tiếng mang đến rất nhiều điều kiện tốt cho bản thân, không phải ai cũng có được cơ hội đó, nên sự đánh đổi là điều bắt buộc, không nên than vãn. “Làm nghề này khó nuốt, vậy làm nghề gì dễ nuốt?”, “Khó nuốt thì sao không chọn một nghề khác dễ dàng hơn đi”... Khán giả phản biện lại phát ngôn của Trấn Thành.
|
Trấn Thành bật khóc tại sự kiện của đồng nghiệp khiến khán giả tranh cãi.
|
Trấn Thành là một trong những MC nổi tiếng và được yêu thích nhất trong làng giải trí Việt Nam. Anh đã tham gia nhiều chương trình truyền hình và luôn thu hút sự chú ý của khán giả bằng sự nhiệt tình và tài năng, hoạt bát. Tuy nhiên, Trấn Thành cũng đã không ít lần rơi nước mắt và khóc trên sóng truyền hình khiến công chúng phải tranh cãi, thậm chí đặt cho anh biệt danh “Thành Cry”. Anh khóc ở các gameshow “Người bí ẩn”, “Gặp nhau cuối năm”, “Người ấy là ai”, “Khi đàn ông mang bầu”… Ở các show giải trí như “Ơn giời cậu đây rồi!”, “Thách thức danh hài”, “Rap Việt”, “Thách thức cùng bước nhảy”… Trấn Thành cũng khóc nhiều lần. Xem đồng nghiệp biểu diễn ở “Ca sĩ mặt nạ”, anh cũng khóc. Tham dự họp báo ra mắt MV của đàn em Ali Hoàng Dương, Thành cũng khóc…
Rất nhiều khán giả cho rằng: Những giọt nước mắt xuất phát từ cảm xúc luôn đáng được trân trọng. Thế nhưng với tần suất khóc dày đặc vô tình khiến hình tượng của Trấn Thành trong lòng người hâm mộ thật đa sầu, đa cảm. “Cảm giác Trấn Thành cố tình làm màu để gây chú ý”, “Xúc cảm là đáng quý nhưng nhiều quá lại thành ố zề”…, là những bình luận của khán giả.
Gần đây, trong bài đăng trên trang cá nhân, ca sĩ Lệ Quyên bị một anti - fan công kích, bảo cô ghen tức với đồng nghiệp, vướng scandal cặp kè phi công trẻ. Bên dưới, nữ ca sĩ đáp trả gay gắt, gọi người này là “bại não”, “thần kinh”, “về chuồng chỗ dành cho em tu luyện thêm”, “nếu được ăn cơm thì đừng để phí cơm nhé”,...
Nhiều khán giả cho rằng, anti-fan kém duyên, dùng lời lẽ suy diễn, xúc phạm nữ ca sĩ. Nhưng cách Lệ Quyên “ăn miếng, trả miếng”, đối chất với anti-fan là không nên. Hơn nữa, cô còn đáp trả bằng cách dùng những từ ngữ nhạy cảm, một số từ vốn để chỉ những người yếu thế trong xã hội khiến cộng đồng mạng càng dậy sóng.
Lệ Quyên sở hữu giọng hát hay, được nhiều người yêu mến đặt cho danh hiệu “nữ hoàng phòng trà”, “nữ hoàng bolero”, nhưng cô lại là một trong những nghệ sĩ sẵn sàng đốp chat với anti-fan mạnh mẽ nhất. Khi người tình kém tuổi của Lệ Quyên bị nói “ăn bám phụ nữ”, nữ ca sĩ đã đáp trả, cho rằng anti-fan này là “loại cặn bã”, “dưới đáy xã hội”, “khó thở nên ngoi lên cắn trộm”,... hay một lần khác cô sẵn sàng chửi người công kích bạn trai của mình là “bệnh hoạn”, “bẩn thỉu”…
Nghệ sĩ phải tạo “barie” cho chính mình
Giữa tâm điểm ồn ào, Lệ Quyên đã lên tiếng trên trang cá nhân, nhấn mạnh: “Ông bà ta đã dạy rằng đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy! Quyên là thế, chấp sao hết tiểu nhân nên đa số là bỏ qua nhưng lúc cần sẽ nói bởi đơn giản Quyên cũng là một người có cảm xúc và giới hạn chịu đựng nhất định”.
“Những nghệ sĩ có lối sống, phát ngôn thiếu chuẩn mực sẽ tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt là đến nhận thức và hành động của giới trẻ. Đã đến lúc, nghệ sĩ Việt nên ý thức được trọng lượng trong các phát ngôn của mình”.
ThS. Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt nêu quan điểm về trách nhiệm của nghệ sĩ đối công chúng
|
Đáp lại phản ứng của khán giả, Trấn Thành cũng khẳng định sẽ để mọi chuyện “thuận theo sinh lý”: “Tôi mệt mỏi trong việc cố gắng không khóc để làm vừa lòng mọi người quá rồi! Tôi sẽ vẫn là Thành Cry! Tôi sẽ như thế vì tôi không làm khác được”, nam MC chia sẻ.
Người bênh thì cho rằng Lệ Quyên hay Trấn Thành không sai, nghệ sĩ cũng là con người, cũng có quyền vui thì cười, buồn thì khóc, tức giận khi bị nói xấu… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng với nghệ sĩ chuyên nghiệp, sở hữu lượng fan đông đảo thì “nhất cử nhất động” đều ảnh hưởng đến người hâm mộ, do đó, cần tạo barie cho chính mình, có thái độ chuẩn mực, “giữ mình” trước công chúng.
Nhà báo - nhà thơ Phong Việt nhận định: Anti-fan là một phần của showbiz, dù muốn dù không, nghệ sĩ phải chấp nhận điều đó. Có thể anti-fan không thích trình độ nghệ thuật, sự biểu diễn của nghệ sĩ, nhưng cũng có khi antifan không thích thái độ, cách ứng xử, cuộc sống cá nhân của nghệ sĩ ngoài đời thật. Ngày xưa chưa có mạng xã hội, nghệ sĩ và khán giả ít có cơ hội tương tác trực tiếp, do đó ít thấy những vụ việc đôi co, “đấu khẩu” giữa hai phía. Nhưng ngày nay, mạng xã hội đã trở thành kênh quảng bá hiệu quả cho nghệ sĩ, là nơi để họ lắng nghe ý kiến, bình luận của khán giả. Mà đã ý kiến thì có khen, có chê, thậm chí cả những lời rất khó nghe của khán giả, và nghệ sĩ buộc phải học cách chấp nhận. Đó cũng là lúc họ bộc lộ bản lĩnh của mình.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với anti-fan, nghệ sĩ nên chọn cách giải quyết khôn khéo hơn là quyết liệt đối đầu. Không nên để cả giận mất khôn, chỉ vì phút nóng giận mà tiêu tan sự nghiệp. Bởi công chúng ngày nay đã khác xưa. Chỉ cần một phát ngôn, một hành động thiếu chuẩn mực hay một vụ bê bối, người nghệ sĩ đang được yêu mến bậc nhất cũng có thể bị công chúng quay lưng “tẩy chay” nặng nề. Sau mỗi cuộc khẩu chiến, nghệ sĩ có thể hả hê vì thỏa mãn cái tôi nhưng trong mắt khán giả, họ mất đi rất nhiều.