Biểu tượng của truyền hình Việt thập kỷ 90
Nghệ sĩ Trần Lực sinh ngày 15/09/1963 trong một gia đình đầy truyền thống văn hóa tại Hà Nội. Ông nội anh là nhà văn Trần Tiêu (em trai nhà văn Khái Hưng), cha anh là NSND Trần Bảng, mẹ anh là nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân.
Sinh ra trong cái nôi ấy, Trần Lực nhanh chóng bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật. Năm 1983, khi vừa 20 tuổi, Trần Lực đã tham gia bộ phim "Sẽ đến một tình yêu", sau đó, anh quyết định theo đuổi lớp đạo diễn sân khấu và tu nghiệp 7 năm tại Bulgaria.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Lực. (Ảnh: FBNV)
Trở về nước, Trần Lực tham gia một loạt bộ phim truyền hình và ngay lập tức ghi dấu ấn với khán giả. Anh thành công với một loạt vai diễn trong Chuyện tình bên dòng sông, Hoa ban đỏ, Anh chỉ có mình em, Mẹ chồng tôi, Người yêu đi lấy chồng, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông... Những năm 90, Trần Lực được công chúng coi như biểu tượng của vẻ đẹp, họ lan truyền nhau câu nói trong dân gian: "Đẹp như Trần Lực"... Tên tuổi anh lan rộng khắp trong Nam ngoài Bắc.
Không dừng lại ở đó, năm 2002, Trần Lực mở hãng phim tư nhân mang tên Đông A. Anh đạo diễn hàng loạt bộ phim như: Chuyện nhà Mộc, Cocktail cho tình yêu, Tivi về làng, Tết này ai đến xông nhà, Đầu bếp và đại gia... Nam nghệ sĩ cũng tham gia giảng dạy - đào tạo diễn viên tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Đam mê dành cho sân khấu
Năm 2017, Trần Lực bất ngờ quay trở lại với sân khấu thông qua việc thành lập Lucteam - đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở phía Bắc. Trần Lực xác định: Lucteam theo đuổi phong cách biểu hiện - ước lệ. Đây sẽ là cái "lõi" của phương pháp sáng tác, từ đó xác lập phong cách sáng tạo nghệ thuật mang đặc trưng riêng để xây dựng hình tượng nghệ thuật cho vở diễn sân khấu.
Các diễn viên Lucteam tập luyện cho vở kịch "Ai sẽ lấp cái đầm lầy mãi mãi". (Ảnh: Viết Niệm)
Khác với sân khấu kịch nói truyền thống, diễn viên của Lucteam sử dụng nhiều ngôn ngữ hình thể. Họ phải học thêm rất nhiều các hoạt động hình thể từ những môn nghệ thuật khác như: xiếc, múa nhảy, kịch câm, nhằm lôi cuốn sự tập trung của khán giả. Chia sẻ với PV Dân Việt, đạo diễn Trần Lực tự tin vào sức hút của sân khấu: "Khán giả không bao giờ bỏ sân khấu cả, bởi chúng ta làm chán quá, khán giả mới bỏ đi. Khi anh có sản phẩm hay, người ta vẫn tới xem.
Nghệ thuật sân khấu có sức hấp dẫn riêng biệt, không loại hình nào khác có thể thay thế được. Đó là tính ước lệ cao, đó là những vấn đề xã hội được truyền tải mạnh mẽ, trực tiếp. Khán giả vào xem sẽ luôn cảm nhận được những vẻ đẹp riêng biệt đó.
Trong thời đại công nghệ phát triển, chúng ta phải cạnh tranh bằng cách có sản phẩm hay. Chỗ nào không bán được thì tôi nghĩ nên xem lại mình, đừng đổ cho khán giả. Đừng bao giờ cho rằng khán giả quay lưng, họ muốn xem chứ, vấn đề là anh có gì để cho người ta xem? Đó cũng là lý do tôi quay lại làm sân khấu và luôn cố gắng để mình không đi vào lối mòn".
Những thành công liên tiếp tới với đạo diễn Trần Lực. Vở "Quẫn" của Lucteam giành được huy chương Bạc còn Trần Lực được nhận giải "Đạo diễn xuất sắc" tại Liên hoan sân khấu Thủ đô. Sau đó, vở "Bạch đàn liễu" cũng đã giành giải Vàng ở hạng mục đạo diễn và tác phẩm tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020.
"Ai sẽ lấp cái đầm lầy mãi mãi"
Sắp tới, Lucteam lại bước vào một thử thách mới với vở kịch "Ai đã lấp cái đầm lầy mãi mãi", một tác phẩm do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chắp bút, sẽ trình diễn vào đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh" diễn ra vào ngày 5 và 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trần Lực cho biết: "Tôi cùng sân khấu Lucteam rất vinh dự và hạnh phúc khi tham gia dự án lần này. Tôi và gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng rất thân thiết, coi nhau như người nhà, bất cứ chương trình nào để tưởng nhớ anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh, chỉ cần gia đình có lời tôi sẵn sàng tham gia".
Đạo diễn Trần Lực và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp trao đổi về vở kịch "Ai sẽ lấp cái đầm lầy mãi mãi". (Ảnh: Viết Niệm)
"Ai sẽ lấp cái đầm lầy mãi mãi" là sự hòa quyện mạch cảm xúc đầy thi vị và lãng mạn của tình yêu Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh. "Từ bé, tôi đã xem kịch của anh Vũ rất nhiều. Tôi cảm nhận rằng, mỗi vở kịch của anh Vũ đều có hơi thở của chị Quỳnh. Các diễn viên Lucteam đã và đang tập luyện để truyền tải được cảm xúc và tinh thần thi ca mà tác phẩm mang lại. Vở diễn sẽ đầy màu sắc đương đại mà tôi tin khán giả trẻ dễ dàng đón nhận".
Đóng chính trong vở kịch là NSƯT Kim Oanh và diễn viên trẻ Phương My. Trong khi Kim Oanh cho biết, đạo diễn Trần Lực chính là người kéo chị quay lại với sân khấu sau một thời gian dài "chạy trốn", Phương My tâm sự, cô là học trò của Trần Lực và đã theo thầy từ ngày mới ra trường: "Tôi luôn thấy may mắn vì là một thành phần của Lucteam, với những kinh nghiệm và kiến thức thầy truyền dạy".
Ở tuổi 60, Trần Lực vẫn luôn tràn đầy khao khát và sáng tạo. Có một gia đình viên mãn và hạnh phúc với người vợ hiền và những đứa con ngoan ngoãn, kháu khỉnh, anh ngập tràn hứng khởi, luôn sẵn sàng với những thể nghiệm mới và không ngại làm khó chính mình. "Với tôi bây giờ, mỗi ngày đều là một ngày vui", Trần Lực khẳng định.
Tên gọi "Hoa cúc xanh" được lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên "Hoa cúc xanh" của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Chương trình có sự quy tụ của một ê-kíp sáng tạo hùng hậu với những tên tuổi lớn trong lĩnh vực nghệ thuật nước nhà như: Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp – Tổng đạo diễn; Nhạc sĩ Quốc Trung – Giám đốc Âm nhạc; NSƯT Trần Lực – Đạo diễn Sân khấu; Họa sĩ Hà Nguyên Long – Thiết kế sân khấu…
Gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng phối hợp với Công ty Sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt 3 cuốn sách: "Xuân Quỳnh – nhật ký chiến trường và những bức thư chưa từng công bố", "Hoa cúc xanh thương nhớ" và tập thơ tuyển "Không bao giờ là cuối" (tái bản).