NSƯT Trần Hạnh và góc buồn đời nghệ sĩ

Google News

Cống hiến hết mình cho nghệ thuật, tài năng được nhiều người mến mộ, nhưng không ít nghệ sĩ phải chật vật mưu sinh đến tận lúc cuối đời.

Vai diễn lớn là cuộc đời
Người dân ở ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) đã quá quen với cảnh diễn viên - NSƯT Trần Hạnh ngày ngày ngồi coi hàng tạp hóa - vốn là một ki-ốt nhỏ bán từ đồ điện gia dụng tới giày dép, quần áo, nồi cơm điện - cho con dâu. Đã thành thói quen, ngày nào không đi đóng phim, ông lại ra cửa ga ngồi bán hàng vừa để phụ giúp con cái vừa cho đỡ buồn.
Ông bảo: “Không có nghề gì hay ho hơn thì nhì nhằng buôn bán kiếm sống. Tuổi này còn khỏe, giúp được gì cho con cái thì giúp, được làm việc là vui rồi”.
Nghệ sĩ Trần Hạnh
Tuổi cao, sức yếu, Trần Hạnh - “lão nông” ngoài 85 tuổi của màn ảnh Việt - vẫn miệt mài đi đóng phim để thỏa niềm đam mê cũng là có thêm chút thu nhập cho tuổi già.
Nhìn hình ảnh gầy guộc, chân chất trong vai lão nông của Trần Hạnh trên truyền hình, ít người tưởng tượng ông lại là trai Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên ở phố cổ. Khởi đầu sự nghiệp từ một nghệ sĩ sân khấu, NSƯT Trần Hạnh tự hào đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc.
Tiền chỉ là phụ thôi!

 

Trần Hạnh tâm sự trên đời còn nhiều người khổ hơn ông. Dù thế nào thì được đi diễn với ông cũng là một niềm vui. Diễn để kiếm tiền chỉ là phụ thôi, cái chính là “làm cho thỏa nỗi nhớ nghề”. Ông bảo giờ già rồi, có ăn được bao nhiêu đâu, bữa cơm ăn lưng bát, mà cũng chỉ rau dưa thôi, ít ăn thịt lắm. Lương hưu một tháng hơn 3 triệu đồng đã là đủ cho 2 bố con. Nhà cửa to bé gì cũng là nhà, cơm ăn 2 bữa rồi, ngon hay không cũng gọi là 2 lần đỏ lửa
Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa, đảm nhận vai chính trong vở Tiền tuyến gọi hay có mặt trong Âm mưu và tình yêu của cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.
Tổng Bí thư Trường Chinh sinh thời khi xem Trần Hạnh đóng Âm mưu và tình yêu đã tìm ông và khen: “Anh đóng hay lắm! Tôi không biết dùng từ thế nào nhưng có thể nói là nó rất lãng mạn”.
Sau khi nghỉ hưu, rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989, ông trở thành gương mặt quen thuộc trên điện ảnh và truyền hình. Các đạo diễn nhìn thấy ở ông sự chuyên nghiệp, nhiệt tình và đặc biệt là tài năng. Không nề hà khó khăn, không kêu ca vì vất vả, thậm chí cát-xê cũng không hỏi, ai đưa bao nhiêu thì cầm bấy nhiêu, cả chục năm trời ông cần mẫn một mình đến các trường quay với chiếc xe máy hiệu Honda đời 82.
Sống trong căn nhà chật hẹp cũ kỹ, suốt cả chục năm trời vất vả sớm hôm chăm sóc người vợ nằm liệt giường sau cơn tai biến (bà đã mất cách đây mấy năm) cùng một người con bị ảnh hưởng thần kinh do tai nạn trong khi đồng lương khoảng 3 triệu đồng/tháng, Trần Hạnh không hề kêu than nửa lời. Nhiều người nói chuyện về nỗi vất vả của ông nhưng ông gạt đi, bảo rằng ông không khổ vì ông được sống với niềm đam mê.
Lòng tự trọng của một nghệ sĩ nổi tiếng khiến ông e ngại trước những con mắt thương cảm của người khác. Theo một biên tập viên của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam - nơi ông thường xuyên cộng tác làm phim, có lần anh em muốn tặng ông một món tiền nhỏ nhưng ông nhất định không nhận. Ông cũng ít đến những cuộc gặp gỡ, hội họp của các nghệ sĩ vì ngại phải gặp ánh nhìn thương cảm của mọi người. Nếu có đến, ông cũng tìm góc khuất để ngồi.
Đánh đổi cả cuộc đời
Ba mươi tám tuổi, Tuyết Hoàn là cái tên mang số phận đặc biệt của sân khấu xiếc Việt Nam. Từ thuở lên mười, cô bé người Mường của tỉnh Hòa Bình đã khăn gói theo bố từ vùng cao xuống Hà Nội thi vào Trường Xiếc Việt Nam. Để rồi từ đó, chị gắn bó đời mình với sân khấu xiếc với vô số lần trẹo chân, gãy tay, rạn xương...
Với nghệ sĩ tài năng này, đam mê nào cũng cần đánh đổi. Nhưng có lẽ đánh đổi bằng cả cuộc đời thì ít có người nào đủ dũng cảm để thực hiện tới cùng như chị. Là đoàn phó đoàn xiếc 2 của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Tuyết Hoàn đã được tặng vô số bằng khen, huy chương vàng, bạc cho những đóng góp trên sân khấu xiếc.
Trong một tai nạn bất ngờ khi rơi từ trên cao xuống sàn tập cách đây hơn 1 năm rưỡi, nghệ sĩ đã vĩnh viễn mất đi cảm giác của đôi chân. Nhiều tháng nằm khắp các bệnh viện, Tuyết Hoàn đã trải qua nhiều ca mổ đau đớn không chỉ thể xác mà còn cả tinh thần.
Nghệ sĩ xiếc Tuyết Hoàn
Ngày xảy ra cú ngã định mệnh, Tuyết Hoàn và anh Nguyễn Đức Tài, chồng chị, mới cưới nhau được 3 tháng, chưa kịp hưởng hết ngọt ngào của cuộc sống hôn nhân. Tai nạn khiến một nghệ sĩ tài năng trở thành người khốn khổ. Tiền tích trữ ít ỏi trong bao lâu cũng mang ra tiêu hết.
Để giúp vợ, anh Nguyễn Đức Tài, cũng là một nghệ sĩ xiếc, phải mày mò tự làm một chiếc thang máy để chị có thể di chuyển giữa tầng 1 và tầng 2 cùng các thiết bị nâng đỡ ở phòng tắm, phòng ngủ. Căn nhà tập thể nhỏ của anh chị sau liên đoàn xiếc giăng đầy thiết bị, máy móc. Tuyết Hoàn dần quen với những thứ đồ do chồng thiết kế và có thể tự di chuyển từ tầng 1 lên tầng 2, vào phòng tắm, tự nấu cơm rồi trở lại sàn diễn một cách đầy ngoạn mục.
Một nghệ sĩ đồng nghiệp của Tuyết Hoàn nói, chị rớt nước mắt mỗi khi nghĩ đến Tuyết Hoàn, nghĩ đến những khó khăn trước mắt và cả lâu dài Hoàn sẽ phải đối mặt. Sau tai nạn, vợ chồng chị Hoàn phải chật vật sống với đồng lương ít ỏi chỉ trên 3 triệu đồng của anh Tài.
Để giúp chị Hoàn nuôi giấc mơ với nghệ thuật xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tạo điều kiện cho chị làm công tác giảng dạy lớp diễn viên trẻ vừa để chị có thêm một khoản tiền rất nhỏ chăm sóc đôi chân bị liệt. Và niềm tin vào con người nghị lực ấy đã được đền đáp khi tiết mục Quay khung nghệ thuật do Tuyết Hoàn dàn dựng đã giành giải Khán giả yêu thích nhất tại Liên hoan Xiếc quốc tế tại Rome - Italy vào tháng 1.
Giải thưởng ấy không đơn thuần chỉ là một giải thưởng mà còn là sự ghi nhận nghị lực, tâm huyết, kể cả máu và cả nước mắt của một nghệ sĩ quá nhiều cay đắng với nghề.
Theo Lan Anh/Người Lao Động

Bình luận(0)