NSND Thu Hà: Công Lý và Trung Hiếu toàn gọi tôi là "ông", xưng "tôi"
- Ở Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Thu Hà với NSND Công Lý chơi thân với nhau nhưng trên phim “Hướng dương ngược nắng” lại đối nghịch với nhau. Chị nghĩ sao về sự “tréo ngoe” này?
Nhiều người cũng hỏi tôi, ở ngoài đời, tôi với Công Lý thân thiết như “hai anh em”. Lúc nào gặp cũng trêu đùa nhau và không hề có khoảng cách tuổi tác. Tuy nhiên, khi lên phim “Hướng dương ngược nắng” lại đóng đối địch với nhau, cứ nhìn thấy nhau là không ưa ra mặt, thậm chí còn tìm cách hất đổ nhau thì có khó đóng không?
Tôi trả lời rằng, chúng tôi là nghệ sĩ, đóng với nhau hàng trăm vai diễn lớn bé trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội rồi nên không có gì là khó cả. Lúc Công Lý mới về Nhà hát, tôi còn đóng mẹ của nhân vật mà Công Lý đảm vai trong một vở kịch.
Công Lý ngoài đời là một người hài hước, giản dị, đôi khi hơi nóng tính… nhưng vào phim lại rất nghiêm túc, chuyên nghiệp. Vì sự nghiêm túc đó mà chúng tôi diễn với nhau rất ăn ý và nhịp nhàng, không có gì trắc trở cả. Đóng cảnh quay thì chúng tôi vẫn trở lại là những người bạn thân, những người đồng nghiệp.
Chúng tôi thường xuyên gọi nhau là “ông” và “tôi”. Tôi gọi Công Lý là “ông” đã đành, Công Lý cũng gọi tôi là “ông”. Từ ngày về Nhà hát đến giờ, Công Lý chẳng bao giờ gọi tôi là “chị”, “bạn” hoặc “bà” cả, toàn gọi là “ông” thôi.
Các bạn ấy không thấy tôi hơn tuổi các bạn ấy nên toàn xưng theo kiểu bằng vai phải lứa như thế. Tôi cũng không phải là người câu nệ hình thức nên cũng cảm thấy vui khi được các đồng nghiệp gọi bằng danh xưng hài hước như vậy.
Cứ đến Nhà hát, gặp tôi là Trung Hiếu và Công Lý là lại gọi tôi bằng “ông”. Mà có cái lạ là thấy các bạn ấy gọi bằng “ông” tôi cũng quay lại đáp lời mới buồn cười chứ. Nó như một phản xạ tự nhiên được “lập trình” sẵn vậy.
Trong quá trình quay “Hướng dương ngược nắng”, chị với nghệ sĩ Công Lý có những kỷ niệm gì đáng nhớ?
- Thực ra, trên sân khấu chúng tôi đã đóng chung với nhau một số vở diễn nhưng trên phim ảnh thì đây là bộ phim đầu tiên tôi với Công Lý đóng chung với nhau. Trong “Hướng dương ngược nắng”, Công Lý vào vai ông Vụ - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Cao Dược phụ trách nhân sự. Nhân vật này mưu mô, xảo quyệt và có tật lăng nhăng, lang chạ khắp nơi. Ông đứng sau nhiều kế hoạch bẩn thỉu để lật đổ tập đoàn Cao Dược cũng như gia đình bà Bạch Cúc, trong đó có việc xúi con trai cưỡng hiếp Châu (Hồng Diễm) rồi quay video và tung lên mạng.
Trong phim, nhân vật Bạch Cúc và ông Vụ có nhiều cảnh chung với nhau nhưng toàn cảnh đối đầu. Vốn dĩ, ông Vụ nuôi ý định lật đổ ghế Tổng Giám đốc của bà Bạch Cúc để leo lên vị trí đó. Nhưng bà Bạch Cúc cũng không phải dạng vừa, luôn nắm được những điểm yếu của ông Vụ để “chiếu tướng” ông ta.
Thực ra, vì rất thân thiết ngoài đời nên khi đóng cùng nhau, chúng tôi không cần phải trao đổi nhiều. Cứ bước vào cảnh quay là diễn thôi. Nói chung, tôi thấy Công Lý là một người rất nghiêm túc và tài năng. Cậu ấy diễn vai gì cũng ra màu, ra chất… Trong quá trình quay, chúng tôi không có nhiều kỷ niệm lắm vì cứ đến bối cảnh là ai lo việc của người đó. Dẫu vậy, tôi vẫn bị Công Lý trêu suốt, trêu xong lại nhìn nhau cười phè phè.
Chưa bao giờ "say nắng" Lý Hùng
Trong câu chuyện về tình đồng nghiệp thân thiết với diễn viên Lý Hùng mà chị đã chia sẻ với Dân Việt, chị có khẳng định hai người chưa hề say nắng nhau trong thời gian đóng chung phim. Để giữ được cảm xúc cân bằng trong thời điểm đó, chị đã phải làm gì?
- Thực ra, nhiều người vẫn nghĩ, cứ trai tài gái sắc đóng cặp với nhau trên phim là kiểu gì cũng xảy ra chuyện “phim giả, tình thật” hoặc “say nắng nhau”. Tuy nhiên, thời đó chúng tôi rất trong sáng và cũng luôn giữ một khoảng cách nhất định.
Thậm chí, có thể nói, những ngày đầu đóng phim, tôi với anh Lý Hùng rất ít nói chuyện ở phía sau hậu trường. Mãi sau này, khi đã đóng với nhau mấy phim rồi thì chúng tôi mới cởi mở hơn để trò chuyện cùng nhau. Căn bản, thời đó, anh Lý Hùng đã là một “ngôi sao” sáng chói, còn tôi mới chân ướt chân ráo vào miền Nam.
Chuyện “phim giả tình thật”, như tôi đã kể ở bài phỏng vấn trước, tôi cũng không thoát được những tin đồn này kia. Nhưng người mà người ta đồn đôi khi lại không phải là người tôi thích, người tôi thích thì người ta lại không đồn.
Tôi quan niệm, mình là nghệ sĩ, ồn ào trên sân khấu và phim ảnh là đủ rồi, đời sống riêng nên tĩnh lặng. Mấy chuyện yêu nhau cứ kể hết trên báo đâm ra lại không hay. Mình không nói ra đôi khi tình cảm đó lại bền chặt và chắc chắn hơn. Vì thế, thời đó, các nhà báo có phỏng vấn và truy đến cùng chuyện tình yêu tình báo thì tôi cũng không bao giờ kể. Ai biết được như nào thì viết, không biết thì thôi chứ tôi không muốn ồn ào.
Chị có chia sẻ, thời của dòng phim giải trí, các diễn viên được khán giả hâm mộ rất “cuồng nhiệt”. Cho nên mới có cảnh Lý Hùng bị xé áo, giật cúc, cào cấu vào tay… Vậy còn chị, chị có bị fan cuồng nào thể hiện sự hâm một cách hơi thái quá như vậy chưa?
- Tôi nhớ, hồi đó, tôi cũng vui vui nhận lời đến một ngôi làng ở ven biển Đà Nẵng. Ngày đó chưa có điện thoại di động nên tôi cũng không còn nhớ cụ thể nó là vùng nào Đà Nẵng. Có một bạn hâm mộ muốn mời tôi về nhà chơi vì cả nhà bạn ấy đều rất hâm mộ tôi và yêu thích những vai diễn của tôi trên phim.
Tôi không hiểu, người ta thông báo với người làng như thế nào mà khi tôi đến đã thấy một “biển” người đang ngồi chờ sẵn. Khi tôi vào nhà và nhìn ra thì thấy bất kỳ kẽ hở nào ở ngôi nhà đó, từ cửa sổ, nóc nhà, ngọn cây… đều có người trèo lên đó để được nhìn thấy tôi ở ngoài đời. Cả cái gian bếp của người ta cũng bị sập nốt vì người đổ xô vào đó đông quá. Cứ nhớ lại kỷ niệm này là tôi áy náy mãi.
Tôi thấy khán giả Việt Nam mình thời nào cũng đáng yêu. Thời đó, mọi thứ còn lạc hậu và thiếu thốn nên họ bày tỏ sự hâm mộ với thần tượng rất hồn nhiên, đáng yêu.
Nhưng không vì thế mà nói khán giả bây giờ không cuồng nhiệt nhé, họ rất cuồng nhiệt nhưng theo cách của thời đại nay. Không chỉ hâm mộ cuồng nhiệt mà họ còn nhìn nhận phim ảnh rất khắt khe, soi từng li từng tí một. Nhưng chính sự khắt khe đó lại là cái để ê-kíp sản xuất nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm cho những phim sau.
Bây giờ, khán giả được tương tác thường xuyên với thần tượng thông qua nhiều phương tiện nên họ cũng không khao khát tới nỗi cứ nghe tiếng thần tượng xuất hiện ở đâu là chạy tới. Hoặc bất chợt gặp thì phải chạy lại véo một cái vào tay, giật một cái cúc áo, xé áo ra làm nhiều mảnh để lấy về làm kỷ niệm.