Có lẽ được thừa hưởng “gen” nghệ sĩ của bên nội và thường được nghe bà hát, nên chị em Ngọc Sơn, ai cũng có giọng ca tốt và thích ca hát ngay từ thuở còn rất nhỏ. Riêng Ngọc Sơn thì lại rất thích để móng tay, để tóc dài và mặc áo cổ cao may bằng vải bóng để giống những ca sĩ thời ấy.
Thời còn bao cấp, vì chiều Ngọc Sơn, mẹ thường phải bán những sấp vải lấy bằng tem phiếu để đổi lấy tiền mua cho Ngọc Sơn một cái áo vải lanh bóng. Nhưng Ngọc Sơn không chỉ đòi hỏi có thế. Sớm đã thể hiện tính cách “nghệ sĩ” từ bé, Ngọc Sơn thường để móng tay dài và mái tóc dài theo phong cách “hippi”.
Trong khi các em trai của Ngọc Sơn đều ngoan ngoãn cho mẹ cắt tóc gọn gàng thì Ngọc Sơn thường là "chuyên gia trốn cắt tóc". Vì thế mẹ và các cô giáo ở lớp thường phải đè Ngọc Sơn ra để cắt tóc và cắt móng tay theo đúng quy định của học sinh bình thường.
Tội một cái là cứ hôm nào phải “tạm biệt ” với phong cách “hippi” là hôm đó Ngọc Sơn khóc cả ngày, khiến hàng xóm xung quanh váng đầu váng óc. Danh hiệu “loa phóng thanh” có lẽ không quá khi tặng cho Ngọc Sơn từ bé.
Ngọc Sơn có 1 chị gái và 2 em trai. Tính Ngọc Sơn ngang và nghịch ngợm, hoàn toàn khác hẳn cậu em út Ngọc Hà hiền khô và ngoan ngoãn như con gái. Ngọc Hải thì thích những trò chơi thực tế và “sinh lợi nhuận ” như câu cá, bắn chim…
Trong nhà, Ngọc Sơn luôn là người đầu têu ra những trò nghịch ngợm của 3 anh em trai, khiến ba mẹ Ngọc Sơn không ít lần kêu trời vì không quản nổi 3 cậu con trai hiếu động. 2 cậu em luôn bị Ngọc Sơn “dụ dỗ” vào những cuộc vui. Nhiều khi mê chơi đến khi tới tối mịt, 3 anh em mới trở về nhà với bộ quần áo lấm lem bùn sình. Biết thế nào cũng bị ba đánh đòn, Ngọc Sơn thường thủ sẵn đôi dép … nhét dưới mông, “hào hiệp” đứng ra nhận hết những lần roi cho 2 em.
Thời đi học, Ngọc Sơn khá thông minh. Anh học khá, nhất là môn Toán nên từ năm lớp 6 trở đi, Ngọc Sơn luôn được cử làm lớp trưởng. Tuy nhiên dù làm lớp trưởng, nhưng tính cách nghịch ngợm, hiếu động của Ngọc Sơn thì không đổi vì Ngọc Sơn hay nói chuyện và đùa nghịch với bạn bè trong lớp.
Mỗi lần bị phạt, Ngọc Sơn lại bị cô giáo bắt quỳ gối giữa lớp để cảnh cáo, nhưng không vì thế mà tính ham nói chuyện của Ngọc Sơn bớt đi. Nhưng được cái, Ngọc Sơn được các bạn bè rất quý vì tính tình nghĩa khí, thường hay nhận tội dùm bạn. Là “đầu têu” của nhiều trò nghịch ngợm trong trường, nhưng mỗi khi bị cô giáo phạt, Ngọc Sơn thường đứng ra nhận tội cho bạn bè, giống hệt hồi nhỏ khi Ngọc Sơn thường đứng ra nhận tội cho các em trai.
Năm 10 tuổi, Ngọc Sơn có một kỷ niệm nhớ đời: trong khi leo lên chuồng heo hái trái trứng cá cho mây đứa bạn thì Ngọc Sơn bị ngã xuống đất và để lại một đường dài ở dưới môi. Cú ngã rất nặng, tuy thoát chết nhưng đến giờ nó vẫn còn để lại một vết sẹo trên gương mặt Ngọc Sơn – coi như dấu tích của những năm thơ ấu tinh nghịch.
Gia đình Ngọc Sơn chuyển vào Bạc Liêu sinh sống từ sau ngày đất nước thống nhất. Nên với Ngọc Sơn mà nói, Bạc Liêu như một quê hương thứ hai. Đây cũng là nơi giúp Ngọc Sơn phát hiện và bộc lộ thoải mái khả năng ca hát của mình.
Thời còn học nghề trường, thấy mấy chị em hát hay, một số bầu sô đã đề nghị Ngọc Sơn và mấy chị em đi hát sô trong các đám tiệc, với tiền thù lao mỗi sô là 120 đồng cho cả 3 chị em. Ngọc Sơn thích lắm, vì vừa được lên sân khấu hát, vừa có tiền mang về cho mẹ.
Hơn 10 năm sống ở vùng đất Bạc Liêu – cái nôi của nghệ thuật cải lương với bài “Dạ cổ hoài lang” đi vào lịch sử, Ngọc Sơn dần dần được thấm nhuần chất cải lương từ lúc nào cũng không rõ. Ngọc Sơn rất mê xem cải lương, đố có đoạn hát nào về Bạc Liêu diễn mà thoát được anh chàng nghịch ngợm này.
Không chỉ được bạn bè đặt cho biệt danh “Vua trèo rào … coi cóp”, Ngọc Sơn còn “lãnh đạo” nguyên đám bạn bè tìm mọi cách để len, lách, chen, chui… vào xem “ké” cải lương. Có những bữa gặp “xui”, bị bảo vệ bắt được nắm tóc lôi ra ngoài, Ngọc Sơn đã khóc nức nở vì bỏ lỡ một đêm xem hát, lòng dặn lòng ngày mai sẽ “báo thù” bằng cách… gom sách báo cũ bán ve chai để lấy tiền mua vé vào xem!
Cứ nghe vọng cổ hoài như thế thành quen, có lần Ngọc Sơn đã làm mẹ suýt đánh rơi chồng bát đĩa khi lần đầu nghe con trai ca vọng cổ, rất mùi mẫn và thành thuộc bài “Chuyến xe Tây Ninh”. Ai cũng khen Ngọc Sơn hát vọng cổ hay, nhưng cũng buồn cười vì có một thằng bé loắt choắt ca vọng cổ như ông già.
Đến giờ dù thành công ở nhiều loại hình ca nhạc khác, nhưng kỷ niệm và tình cảm mà Ngọc Sơn dành cho nghệ thuật cải lương từ thuở thiếu thời vẫn không thay đổi. Sân khấu cải lương đang đi xuống, giới trẻ có nhiều người chê bai, chối bỏ nghệ thuật cải lương. Riêng với Ngọc Sơn, cải lương là tình yêu lớn không thể thay đổi của anh.
Sinh ra để… nổi tiếng
Từ bé Ngọc Sơn đã rất ưa tham gia các phong trào quần chúng, đặc biệt là các cuộc thi ca hát. Năm 1987, Ngọc Sơn liên tiếp đoạt 5 giải thưởng trong các cuộc thi ca nhạc quần chúng cấp tỉnh và thị xã.
Nhờ thành tích này, Ngọc Sơn được lọt vào “tầm ngắm” của Ban tuyển sinh từ thành phố xuống Bạc Liêu tuyển mộ thí sinh cho trường Nghệ thuật Sân khấu 2, khi ấy Ngọc Sơn 17 tuổi và đang chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12.
Cuộc đời của Ngọc Sơn cũng “sang trang” kể từ đó, nhanh chóng trở thành người nổi tiếng và cũng nhiều … tai tiếng.
Ba mẹ Ngọc Sơn luôn mơ ước con mình trở thành nhà giáo, nên trước sự kiện mình có thể trở thành ca sĩ, Ngọc Sơn đã về hỏi xin ý kiến của mẹ.
Là một nhà giáo, từng làm hiệu trưởng của nhiều trường học, nên ba Ngọc Sơn luôn hy vọng các con thành đạt trong đường học vấn và không thiết tha lắm với nghề ca hát. Thường nghe người ta nói về cuộc sống lang bạt, gian khổ của đời nghệ sĩ nên ngay khi nghe anh nói, mẹ đã không bằng lòng.
Song, mẹ vẫn âm thầm đi đến các đoàn hát để xem xét và dò hỏi về chuyện ăn uống, nghỉ ngơi và cuộc sống của những người nghệ sĩ ra sao.
Cuối cùng, mẹ đồng ý cho Ngọc Sơn tham dự cuộc thi tuyển sinh diễn viên kịch nói của trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Và chị Thu Hiền – chị gái Ngọc Sơn, lúc ấy đang là sinh viên trường Đại học Y – Dược, đã trở thành bạn phụ diễn cho Ngọc Sơn trong một tiết mục kịch câm.
Học khoa diên viên kịch được 3 tháng, Ngọc Sơn đi thi “thử” nhưng lại thi đậu và chuyển sang học lớp Đại học thanh nhạc, do Viện nghiên cứu âm nhạc tổ chức. Với đồng lương ít ỏi của nghề giáo nên dù rất thương con, mẹ anh cũng chỉ có thể “trang bị” cho mỗi đứa con một chiếc xe đạp, một cái đồng hồ, vài bộ quần áo và một ít tiền làm hành trang khi bước vào đời.
Do đó, đối với một chàng sinh viên nghèo từ tỉnh lên thành phố học như Ngọc Sơn, đến giảng đường với cái bao tử rỗng là chuyện thường ngày.
Có lần, học và tập ca hát quá nhiều trong lúc đang rất đói nên Ngọc Sơn bị kiệt sức và ngất xỉu ngay trên lớp. Để cải thiện cuộc sống quá chật vật ấy nên chỉ sau mấy tháng học đại học, Ngọc Sơn đã thi vào rất nhiều đoàn ca nhạc hầu mong tìm được một chân ca sĩ.
Trong một lần thi vào đoàn ca nhạc Bông Sen, Ngọc Sơn đã gặp nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Ông là người rất tốt và sống đạo đức, đã chỉ dẫn cho Ngọc Sơn rất nhiều trong nghề và giới thiệu anh đến gặp đạo diễn Phương Sóc, chủ nhiệm sân khấu quận 10. Ngay khi nghe Ngọc Sơn hát , đạo diễn Phương Soc rất “chịu” song ông vẫn không dám cho Ngọc Sơn lên sân khấu vì sợ Ngọc Sơn không có tên tuổi mà còn non kinh nghiệm, sẽ bị khán giả phản đối.
Suốt 6 tháng ròng, ngày nào Ngọc Sơn cũng đạp chiếc xe đạp cà tàng với một bộ đồ duy nhất, chạy đến sân khấu quận 10 và nhiều sân khấu khác để ngồi chờ “ca lót”. Đợi mãi cho đến một hôm, ca sỹ “vơ đét” không về kịp, đạo diễn Phương Sóc đã cho Ngọc Sơn lên hát “chữa cháy”.
Sau khi Ngọc Sơn hát xong bài “nhớ” của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, tiếng vỗ tay và la ó của khán giả vang rần. Lúc đầu, đạo diễn Phương Sóc tưởng Ngọc Sơn phản đối đuổi vào, nhưng sau 3 đêm liên tiếp xảy ra cùng một sự việc ông mới tin là…khán giả đã “kết” Ngọc Sơn. Ngọc Sơn bắt đầu được hát mỗi đêm một bài.
Có một đêm, sau nhiều lần yêu cầu Ngọc Sơn hát thêm không được, khán giả đã “nổi loạn” lấy đá chọi lên sân khấu và ban nhạc. Ngọc Sơn phải tạm ngừng hát 10 ngày để tình hình lắng dịu.
Sau 2 tuần được nếm mùi vị hạnh phúc hát trên sân khấu, Ngọc Sơn đã sáng tác ca khúc đầu tay “Lòng mẹ”, nhanh chóng được khán giả ủng hộ nồng nhiệt. Ngọc Sơn được nhạc sỹ Trần Hữu Bích dẫn đi hát cho đài HTV, cũng với ca khúc “Nhớ”.
“Cơn sốt” Ngọc Sơn nhanh chóng lan tỏa khắp các sân khấu trong và ngoài thành phố. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, từ một kẻ “ngồi đồng” chờ “hát lót”, Ngọc Sơn đã trở thành ca sỹ đắt sô, ăn khách nhất tại các sân khấu tụ điểm và tại thị trường băng nhạc. Báo chí thời ấy đã gọi Ngọc Sơn là hiện tượng về sự nổi tiếng quá nhanh. Năm 1990, sau gần 2 năm đi hát, Ngọc Sơn đoạt 2 giải: Ca sỹ trẻ xuất sắc và ca sỹ trẻ được khán giả hâm mộ.
Năm 1990, Ngọc Sơn được mời ra Hà Nội hát ở “Galoa mùa thu 90”. Đây là lần đầu tiên Ngọc Sơn ra Hà Nội biểu diễn, song đã được khán giả Thủ đô nồng nhiệt ủng hộ, vỗ tay hoan hô qua từng câu hát của bài “Lòng mẹ”. Các tờ báo miền Bắc đưa tin, bài về Ngọc Sơn và còn gọi anh là “ca sỹ miền Nam được yêu thích nhất tại Hà Nội”, “Ngôi sao rực rỡ nhất của Gala 90”. Ngọc Sơn đã chiếm được cảm tình của khán giả yêu ca nhạc trong cả nước.
Và tai tiếng
Sự thành công quá lớn, quá sớm khi tuổi đời hãy còn quá trẻ ấy, đã có lúc khiến Ngọc Sơn thành con ngựa bất kham bởi tính ngang bướng. Scandal lớn nhất và cũng là tai nạn lớn nhất trong cuộc đời, trong sự nghiệp của Ngọc Sơn chính là các vụ tai tiếng xảy ra đầu những năm 1990, trong đó có vụ đến dự buổi sinh nhật thác loạn của Piere Trần mà báo chí bây giờ vẫn thỉnh thoảng nhắc tới.
Các vụ tai tiếng đó khiến Ngọc Sơn bị giam 8 tháng và bị cấm hát 2 năm.
Có thể nói, Ngọc Sơn là một hiện tượng khá khó lý giải trong showbiz. Ngọc Sơn vướng phải không ít những scandal mà nếu những ca sỹ khác gặp phải, có lẽ sự nghiệp đã bị hủy hoại. Nhưng Ngọc Sơn rơi vào trường hợp một trong số rất hiếm những ngôi sao không bị quy luật đào thải khắc nghiệt của nghệ sỹ chạm đến.
Sau khi Ngọc Sơn bị tạm giam, nhiều người cho rằng “cái chết” của ca sỹ Ngọc Sơn đã đến. Bởi quy luật “đào thải” tại sân khấu ca nhạc rất nghiệt ngã, nhiều ngôi sao chưa lên tới đỉnh đã bị quá “thời”, nhiều ca sỹ chưa kịp tạo được tên đã không còn ai nhớ đến….huống chi Ngọc Sơn với 2 vụ scandal cả nước biết đến. Nhưng có cái may trong cái không may, khoảng thời gian đó, “con ngựa bất kham” Ngọc Sơn đã biết nhìn lại mình.
Đang là một ca sỹ ăn khách hàng đêm xuất hiện trên gần 10 sân khấu khác nhau, với tiếng vỗ tay như sóng vỗ tràn không bao giờ dứt của khán giả, giờ bỗng dưng hàng ngày, hàng giờ, hàng phút phải đối hiện với 4 bức tường vắng lặng trong trại giam, đối với Ngọc Sơn hay với bất cứ ai, điều này quả không dễ chút nào.
Ngọc Sơn dùng toàn bộ thời gian đó cho việc tự luyện thanh mỗi ngày, sáng tác nhạc, tự học và nâng cao các ngoại ngữ bằng phương pháp tuyền khẩu.
Sau khi ra tù, thời hoàng kim của Ngọc Sơn cũng đã đi qua. Đó là cái giá mà Ngọc Sơn phải trả cho lầm lỗi của mình. Nhưng nói một cách công bằng. Ngọc Sơn vẫn được khán giả bình dân đón nhận.
Ngọc Sơn gây ra không ít scandal, đến nỗi mà có thời Ngọc Sơn bị báo chí tẩy chay và bị truyền thông công kích dữ dội, nhưng khi Ngọc Sơn “phục thiện” có những tờ báo đã lên tiếng ủng hộ Ngọc Sơn với lý do “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Khỏi phải nói, Ngọc Sơn vui sướng thế nào khi được quay lại với sân khấu, khi được đứng trong cánh gà chờ đến phần hát của mình.
Ngọc Sơn đến giờ đôi khi vẫn làm những chuyện quá lố, vẫn có những phát ngôn gây sốc trên báo chí, vẫn làm cho nhiều người ghét về những tuyên bố ngông cuồng của mình, vẫn có lối ăn mặc nhức nhối mắt, nhưng dù yêu hay ghét Ngọc Sơn, cũng phải thừa nhận một điều, Ngọc Sơn bây giờ đã bớt “hoang dại” những năm trước đây, “con ngựa bất kham” đã biết giảm sự bất kham xuống, sống đúng mức hơn.
Theo Đang Yêu