Mới đây, đoàn làm phim hài Tết "Chuyện làng Bồm" đã dùng lớp vôi ve màu đỏ, bút vẽ màu đen phủ trát, tô vẽ bên ngoài bề mặt giếng cổ kế bên đình làng Mông Phụ (Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) để tạo bối cảnh.
Đáng nói hơn, theo ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm chia sẻ trên Lao động, đoàn làm phim chỉ trao đổi với lãnh đạo xã Đường Lâm bằng miệng, không có bất cứ văn bản giấy tờ nào.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, ban quản lý đã có mặt lập biên bản và đình chỉ hoạt động quay phim tại điểm di tích này, đồng thời yêu cầu đoàn làm phim phải hoàn trả hiện trạng di tích như cũ trước ngày 8/11.
|
Giếng cổ ở Đường Lâm bị tô vẽ, làm mới. Ảnh: Lao động |
Không ít người dân ở Đường Lâm bức xúc trước vụ việc đoàn làm phim hài Tết tô trát giếng cổ. Chị G.V.A (thôn Mông Phụ) chia sẻ trên Dân Trí: “Nếu để chiếc giếng bị tô trát, bôi vẽ phát sóng công khai trên tivi khác nào đồng ý để họ hợp thức hóa sai phạm, tạo tiền lệ xấu cho nhiều đoàn phim sau nữa.
Điều quan trọng đây là di tích cổ, về mặt văn hóa, tâm linh đều có ý nghĩa rất quan trọng với bà con Đường Lâm. Bao nhiêu thế hệ qua chúng tôi đều trân trọng, giữ gìn, đó là món ăn tinh thần, tài sản vô giá".
|
Giếng cổ ở làng Mông Phụ trước khi bị xâm phạm. Ảnh: Kinh tế và đô thị |
Ông Giang Văn H. (thôn Mông Phụ) cũng bức xúc cho hay: “Làng chúng tôi có nhiều xóm, mỗi xóm có một cái giếng khơi quanh năm nước đầy và trong được xây bằng đá ong loại tốt nhất.
Theo truyền thống ở đây, mỗi năm người dân chỉ được phép tu sửa, nạo vét, khơi giếng một lần và đều phải cúng lễ theo đúng phong tục của làng. Từ khi làng cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích cấp Quốc gia thì việc quản lý di sản càng nghiêm ngặt hơn. Việc xâm phạm di tích và văn hóa như vậy không thể chấp nhận được".
Nhiếp ảnh gia Lê Bích - người đã chụp ảnh giếng cổ hơn 10 năm nay chia sẻ trên Vietnamplus, giếng làng Mông Phụ đã rất đẹp rồi nên khó hiểu việc đoàn làm phim tô vẽ thêm màu mè, vừa tốn kém, vừa xâm phạm di sản, khiến người dân bức xúc.
Trước sự bức xúc của nhiều người dân ở làng cổ Đường Lâm, ông Trương Đức Thắng, đại diện đoàn phim thừa nhận thiếu sót khi chưa báo cáo và được sự đồng ý của chính quyền địa phương về việc tác động lên giếng cổ.
Đại diện đoàn làm phim mong muốn chính quyền địa phương và người dân thông cảm, tạo điều kiện để thực hiện tiếp các cảnh quay còn lại. Ông Thắng còn cam kết sẽ hoàn trả lại nguyên vẹn hiện trạng ban đầu của giếng cổ trước ngày 9/11.
|
Giếng cổ ở đình Mông Phụ sau khi khắc phục vi phạm. Ảnh: Kinh tế và đô thị |
Trước đoàn phim "Chuyện làng Bồm", một số đoàn phim hài Tết gây bức xúc vì diễn hài dung tục trong các ngôi nhà ở Đường Lâm. Cụ thể, năm 2014, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - một người con của làng cổ Đường Lâm cho rằng các cảnh quay "chim chuột", chửi bới tục tĩu của một số phim hài Tết như “Chôn nhời”, diễn ra trước sập thờ đã xâm phạm đến sự linh thiêng nơi đây.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chỉ đích danh các diễn viên như Quốc Anh, Quang Thắng, Kim Oanh… đã đóng phim đậm chất dân gian cải biên và quá nhiều dâm tục trước ban thờ nhà anh.
|
Nghệ sĩ chèo Quốc Anh cùng Kim Oanh, Quang Thắng, Thành Trung trong một cảnh quay tại làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Khám phá |
Liên quan đến ồn ào, nghệ sĩ Quốc Anh cho hay: “Trước khi làm chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, không bao giờ dám để phản cảm. Khi đến quay phim đoàn cũng đã thắp hương đàng hoàng.
Đoàn phim cần một bối cảnh ngôi nhà cổ để quay. Khi đến thấy ngôi nhà cổ ấy hợp với bộ phim nên đã xin phép gia đình quay ở đây. Việc quay phim là hoàn toàn nhận được sự đồng ý của gia đình, nếu không chúng tôi không thể nào quay được. Trong suốt quá trình quay gia đình cũng không có ý kiến gì. Nếu có vấn đề gì chắc họ đã không cho quay rồi…
...Nếu gia đình có điều kiêng kỵ thì ngay từ đầu đừng cho đoàn phim vào quay. Gia đình cho quay thì người ta mới dám quay chứ. Hoặc giả như, nếu đoàn làm phim khi quay mà vi phạm đến thuần phong mỹ tục thì hãy có ý kiến”.
Phía đại diện đoàn phim “Chôn nhời” cũng lên tiếng: “Trong 2 ngày quay Chôn nhời, chủ nhà thường có mặt ở đây 24/24. Chị chủ nhà còn rất thoải mái, thậm chí còn nấu cơm cho đoàn phim. Nếu họ cảm thấy bị xâm phạm đến ban thờ sao để cho chúng tôi quay.
Riêng tôi đi làm rất biết ý. Khi nghỉ ngơi cũng dặn anh em không ngồi lên sập quay lưng vào bàn thờ. Anh em cũng là những người có văn hóa.
Riêng chuyện phim tục hay không tục là dính đến nội dung. Các phim ra mắt đều phải qua khâu kiểm duyệt rất gắt gao. Nếu phim tục đã không được phát hành".
Về cảnh quay "chim chuột", đại diện đoàn phim cho biết: “Thông thường một ngôi nhà cổ có sập gỗ ban thờ ở giữa, hai bên có 2 tràng kỷ. Khi quay chúng tôi luôn dùng vải đỏ che ảnh trên ban thờ. Còn cảnh nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhắc đến quay trên tràng kỷ. Quan trọng là những cảnh quay này được chủ nhà đồng ý”.
Xem trailer phim "Đại gia chân đất 11". Nguồn FB Trần Bình Trọng