Những điều ít biết về 12 cung hoàng đạo

Google News

(Kiến Thức) – 12 cung hoàng đạo được mang tên các chòm sao hoàng đạo tương ứng. Nhưng còn dư ra một chòm sao thứ 13, không được đặt làm tên của cung nào, đó là chòm sao Người mang rắn (Xà Phu).

Thời cổ đại, người ta đã tưởng tượng ra các hình ảnh từ việc nối các ngôi sao sáng lại với nhau, tạo thành các chòm sao trên bầu trời. 

Người xưa tin rằng, các chòm sao hoàng đạo có ảnh hưởng quan trọng tới tính cách của con người. Có những người tin vào môn khoa học huyền bí này, coi nó như kim chỉ nam cho mình, nhưng cũng có những người chỉ xem tính cách qua 12 cung hoàng đạo như một thú vui. Không thể phủ nhận, 12 cung hoàng đạo đến nay vẫn còn rất phổ biến không chỉ ở phương Tây mà với rất nhiều người phương Đông.

Đường hoàng đạo và các chòm sao hoàng đạo

Theo cuốn Kỷ yếu 10 năm Thiên văn học Việt Nam, chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời làm con người khi quan sát, nhận thấy Mặt Trời dường như vẽ lên trên nền sao một vòng tròn khép kín so với nền trời sao, gọi là đường hoàng đạo. Đường tròn này nằm trên mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất, nên mặt phẳng này cũng được gọi là mặt phẳng hoàng đạo.

Nhìn từ Trái Đất, Mặt Trời dường như chạy theo đường màu đỏ. Ảnh: Wikipedia

Các hành tinh trong hệ Mặt Trời đều nằm gần như trên cùng một mặt phẳng quay xung quanh Mặt Trời nên khi quan sát từ Trái Đất, các hành tinh cũng di chuyển gần với đường hoàng đạo với phạm vi khoảng 8-9 độ. Người ta gọi dải bầu trời mở rộng 8-9 độ ra hai bên đường hoàng đạo là dải hoàng đới.

 Hầu hết mọi vật thể của hệ Mặt Trời nằm gần mặt phẳng hoàng đạo. Ảnh: Wikipedia

Thời cổ đại, người ta đã tưởng tượng ra các hình ảnh từ hình nối của các ngôi sao sáng lại với nhau, tạo thành các chòm sao trên bầu trời. Ở Hy Lạp, nhà toán học - thiên văn học Ptolemy đã tổng kết được 48 chòm sao ứng với các nhân vật chủ yếu gắn với Thần thoại Hy Lạp. Tuy nhiên, các chòm sao lúc đó chỉ là những hình tưởng tượng và không mang ý nghĩa khoa học.

Để tính lịch trong một năm, các nhà thiên văn học cổ đại đã chia hoàng đới ra làm 12 phần bằng nhau gọi là 12 cung hoàng đạo tính từ điểm xuân phân (điểm trên hoàng đạo mà Mặt Trời đi tới vào ngày xuân phân). Như vậy mỗi tháng sẽ ứng với một cung. Các cung hoàng đạo được gọi theo tên chòm sao nằm trên hoặc gần nhất phần đường hoàng đạo của cung đó. Vào thời điểm gần 3.000 năm trước, điểm xuân phân nằm ở gần chòm sao Bạch Dương (Aries) cho nên nó cũng là cung hoàng đạo đầu tiên.

Năm 1922, Hiệp hội thiên văn học quốc tế IAU đã thống nhất quy ước 88 chòm sao hiện đại, từ đó, các chòm sao mang ý nghĩa khoa học trong việc định vị một điểm nào đó trên bầu trời. Theo đó, có 13 chòm sao bị đường hoàng đạo cắt qua, trở thành 13 chòm sao hoàng đạo.

Hình dạng tưởng tượng của 12 chòm sao. Số La Mã cho biết tháng Mặt Trời "lướt" qua chòm sao tương ứng.

12 cung hoàng đạo đã được mang tên các chòm sao hoàng đạo tương ứng, nhưng còn dư ra một chòm sao thứ 13, không được đặt làm tên của cung nào. Đó là chòm sao Người mang rắn (Xà Phu). Chòm sao này sau khi được IAU phân chia, có một phần được đường hoàng đạo cắt qua, nhưng từ xưa nó vốn không được coi là chòm sao đại diện cho một cung hoàng đạo.

12 cung hoàng đạo ngày nay

Cung hoàng đạo của một người là cung mà Mặt Trời đi qua vào thời gian người đó sinh ra trong năm. Trên thực tế, thời gian Mặt Trời đi qua “địa phận” các chòm sao hoàng đạo không được đều nhau như các cung hoàng đạo (khoảng 30 ngày). Ví dụ như Mặt Trời đi qua chòm Bọ Cạp (Scorpius) trong 8,4 ngày nhưng thời gian đó của chòm Xử Nữ (Virgo) là 44,5 ngày. Thế nên, có thể thời điểm một người sinh ra thuộc cung hoàng đạo này, nhưng Mặt Trời lại đang đi qua chòm sao của cung bên cạnh, do thời gian đi qua các chòm sao hoàng đạo không đều nhau như đi qua các cung hoàng đạo.

 Chòm sao Song Tử.

Ngoài ra, do hiện tượng tiến động, trục Trái Đất thay đổi, điểm xuân phân cũng bị lệch đi. Trải qua gần 3.000 năm, điểm xuân phân ngày nay đã chuyển từ chòm sao Bạch Dương sang chòm sao Song Ngư. Nếu theo cách xác định cung hoàng đạo như người cổ đại (chia hoàng đới làm 12 phần bằng nhau tính từ điểm xuân phân) thì các cung hoàng đạo hiện nay sẽ bị lệch đi khoảng 35 ngày (hơn 1 tháng), tức là hơn 1 cung.

Tuy vậy, khung thời gian của các cung hoàng đạo đã được cố định hàng ngàn năm nay, khó có thể thay đổi theo mỗi năm chứ chưa nói đến chuyện chuyển đổi cùng một lúc tới 35 ngày. Cung hoàng đạo từ lâu thường chỉ còn được sử dụng vào việc dự đoán của chiêm tinh học, trong các mô hình chứ không còn chính xác như bầu trời thực tế.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Tiểu Phong

Bình luận(0)