Làng Đại Bái, làng nghề đúc đồng nức tiếng xứ Kinh Bắc có một giếng cổ hàng ngàn năm tuổi. Người địa phương gọi đó là giếng Gióng gắn liền với sự tích Thánh Gióng đánh giặc.
Không chỉ là một giếng quý, một di tích của làng nghề đúc đồng. Giếng Gióng còn được gọi là “giếng thần” vì theo nhiều người, nước giếng này có khả năng chữa bách bệnh. Vậy, thật hư câu chuyện ra sao?
|
Toàn cảnh giếng Gióng. |
Cối trầu Thánh Gióng
Vừa chào hỏi xong, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh) – nói với tôi: “Địa phương có cái giếng vừa cổ, vừa quý như thế mà chẳng thấy báo chí ngó ngàng gì tới. Xin giới thiệu với chú em, cái giếng cổ ấy ở gần đình cổ, tên của giếng là giếng Gióng. Giếng ấy gắn với sự tích Thánh Gióng giết giặc, từ xưa ở giếng ấy đã in dấu chân của vị anh hùng huyền thoại này”.
Chúng tôi ra khỏi trụ sở ủy ban xã, xuôi đường tìm gặp ông Nguyễn Xuân Hường ở xóm Tây Giữa, hiện đang là Trưởng ban Quản lý di tích làng nghề Đại Bái. Ông Hường bảo: “Cái giếng ấy là có thật, và hiện nay nó vẫn còn. Giếng được bảo quản khá tốt, cũng từng có nhà nghiên cứu lịch sử về làng tìm hiểu rồi, nhưng chưa thấy có kết luận”.
Câu chuyện đang tiếp diễn thì ông Vũ Viết An, Phó ban Quản lý làng nghề chạy sang để xin kể về sự tích giếng Gióng. Theo ông An, người làng bây giờ không mấy người biết đến sự tích này. Ngay cả ông An cũng không được rõ cho lắm, mãi cho đến mấy tháng nay, ông mới được nghe một cụ cao niên nhất làng kể lại.
|
Vết lỗ tròn do gậy tre chống xuống. |
Giếng Gióng trước đây nằm giữa một cánh đồng. Nước giếng lúc nào cũng phơn phớt màu đỏ vàng. Sở dĩ như vậy vì khi xưa, Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân có đi qua làng. Ngài ngồi xuống nghỉ ngơi ăn trầu và nhổ bã xuống một cái cối.
Cái cối đó gọi là “cối Thánh Gióng”. Nước trong cối lúc nào cũng có màu vàng đỏ như bã trầu vậy. Nhưng nếu đem nước này luộc rau muống thì cả rau và nước đều xanh màu diệp lục.
Ông Hường nghe đoạn, gật đầu công nhận và nói: “Từ thời xưa, rau muống Đại Bái đã là đặc sản nổi tiếng. Đem nước giếng Gióng mà luộc thì ngon vô cùng. Nhưng lạ nhất là đem luộc với nước giếng khác thì lại bình thường, không còn mùi vị đặc trưng nữa”.
|
Vết chân được cho là của Thánh Gióng tại giếng cổ. |
“Giếng thần” chữa bệnh
Tạm bỏ sang một bên câu chuyện lịch sử về giếng cổ quý giá làng Đại Bái. Chúng tôi có được nghe một vài người làm nghề bán nước ở đầu làng khẳng định về việc nước giếng Gióng có khả năng chữa bách bệnh.
Rằng, có rất nhiều người trong làng ngoài xã đến đây lấy nước Thánh Gióng để chữa bệnh. Có những cặp vợ chồng vô sinh hàng chục năm, chữa chạy khắp nơi không khỏi cũng về đây xin nước. Không biết sự linh ứng là thật hay do thuốc thang khỏi bệnh mà họ đều mang bầu, đẻ ra những đứa con bụ bẫm.
Dịp cuối năm 2014, có gia đình còn đánh cả ô tô, mang theo lễ vật đến giếng tạ ơn. Người làng hỏi ra mới vỡ lẽ, đó là một doanh nhân thành đạt chẳng may bị ung thư giai đoạn cuối. Chạy chữa khắp nơi mà bệnh tình ngày càng nặng. Cũng nhờ người mách đến Đại Bái lấy nước giếng về uống mà được khỏi bệnh nên biện lễ đến tạ ơn.
Câu chuyện ấy không biết là thật hay bịa, nhưng ông Vũ Viết An thì lắc đầu: “Không có chuyện nước giếng Gióng chữa được bệnh đâu. Toàn là tin đồn không có cơ sở. Nói giếng quý, giếng thiêng thì đúng. Chứ gán cho giếng khả năng chữa bách bệnh thì làm gì có bệnh viện nào còn hoạt động được nữa”.
|
Anh Binh đến tuổi 49 và phải ra đình làm “nghĩa vụ”. |
Ông An cũng tâm sự: “Thỉnh thoảng cũng thấy có đoàn người đem lễ vật hương hoa đến giếng thắp hương. Tôi đến hỏi thì họ cũng nói thắp hương cho quần thể di tích chứ không phải vì nước giếng chữa bệnh. Ở làng tôi, chưa có ai dùng nước giếng Gióng chữa bệnh hết. Thậm chí, nước ấy bây giờ còn nhiễm độc do nghề đúc đồng nữa”.
Nói rồi ông An dẫn chúng tôi ra giếng. Từ ngoài đường nhìn vào, đó là một quần thể giếng – miếu. Tiến vào trong, đo đạc tỉ mỉ mới thấy giếng sâu chừng hơn 3m. Miệng giếng rộng, có đường kính khoảng1,2m; toàn bộ giếng bằng đá xanh, nhẵn bóng, đôi chỗ bị sứt mẻ, có chỗ bị lõm như từng có vật nặng gì đâm vào.
Ông An giải thích: “Miệng giếng chỗ bị sứt mà theo tương truyền là vết chân Thánh Gióng. Phần lỗ nhỏ bị lõm là gậy tre mà Thánh Gióng chống xuống. Toàn bộ giếng là nguyên vẹn từ xưa, giếng nằm sâu dưới mặt đất. Phần trên giếng là do chúng tôi xây lên để bảo vệ di tích không bị xâm hại”.
|
Hai bia đá cổ ở đình làng nói về “nghĩa vụ tuổi 49”. |
“Nghĩa vụ tuổi 49”
Nằm trong khu di tích làng nghề Đại Bái, ngoài khu lăng mộ cụ tổ nghề, còn có giếng Gióng và 2 ngôi đình làng bề thế. Các cao niên trong làng tự hào cho rằng, làng Đại Bái là nơi duy nhất của cả nước có 2 đình.
Không chỉ vậy, từ xưa đến nay, ngôi làng này vẫn giữ được tục lệ độc nhất vô nhị là “nghĩa vụ làng”. Tất cả những người đàn ông tuổi 49, dù đang làm gì, ở đâu cũng phải về làng lên đình trông coi và hương khói cho đến hết năm.
Hôm chúng tôi đến đình Đại Bái, gặp anh Nguyễn Văn Binh đang quét dọn phía bên trong. Anh ngưng tay, nói chuyện: “Tôi năm nay 49 tuổi. Theo lệ làng thì phải ra thực hiện “nghĩa vụ” 1 năm rồi làm gì thì hẵng làm”.
Ông Nguyễn Xuân Hường, Trưởng ban quản lý di tích cho hay: “Cho dù có làm quan chức hay làm ăn ở nước ngoài thì đàn ông tuổi 49 cũng phải về làng thực hiện nghĩa vụ. Nếu không hoàn thành, dân làng sẽ không coi đó là thành viên, và sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng”.
Ông Hường và người dân Đại Bái cũng lấy làm tự hào về tục lệ cổ xưa này. Họ coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, không chỉ đối với tổ tiên mà còn đối với cộng đồng làng xóm: Sống vì tập thể - Sống không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm – Trách nhiệm của một người đàn ông.
“Trước đây, làng tôi còn có một bụi tre bình hương ở giữa đồng. Tre rất lạ, thân tre có dáng như một bình hương. Tương truyền đó là bụi tre do Thánh Gióng tiện tay vứt ra đó khi đánh giặc xong. Ngày xưa, khi tổ chức hội Gióng, bà con bên làng quê thiên tướng vẫn sang đây lấy tre về làm cột cờ”.
Ông Nguyễn Văn Hường (Trưởng ban Quản lý khu di tích làng Đại Bái)
“Giếng cổ thì đúng là cổ thật. Giếng cũng gắn liền với sự tích Thánh Gióng đánh giặc và từng là một báu vật khi người dân dùng nước giếng này để luộc rau muống. Tuy nhiên, bây giờ thì nước giếng cũng nhiễm độc nên việc dùng nước giếng này chữa bệnh là hoang đường”.
Ông Nguyễn Văn Quảng (Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái)